Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi chùa cổ ở My Điền

Cập nhật: 08:52 ngày 06/03/2021
(BGĐT) - Trong khu phố My Điền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên còn bảo lưu được ngôi cổ tự có tên Thánh Minh tự. Có lẽ đây là ngôi chùa cổ độc đáo hiếm thấy ở Bắc Giang. Chùa được xây dựng từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều lần. Những hiện vật ở chùa là minh chứng cho ngôi cổ tự đã được khởi dựng cách đây lâu đời.
{keywords}

Chùa My Điền.

Đó là thành bậc đá xanh tạo tác hình rồng mang phong cách thời Lý (thế kỷ XI- XII) được đặt trước cửa chùa. Rồng có đặc điểm đầu có mào lửa, mũi và bờm được cấu tạo rất sinh động bằng những đường nét tự nhiên. Mào chùm lấy toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh hình đám mây bồng bềnh đang bay. Bờm tỏa ra từ sau gáy hướng về phía sau lưng. 

Túm râu rồng mềm mại như làn sóng hướng về phía trước. Mũi rồng là những đường cong xếp chồng nhau tạo ấn tượng về nguồn nước, miệng nhe ra để lộ hai hàm răng đang ngậm ngọc. Râu và mào rồng hướng về phía trước tạo nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề. Trong tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay, rồng có 11 khúc, các khúc có cung độ đều nhau và uốn lượn, rồng có 4 chân 3 móng vuốt nhỏ nhắn. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây là con rồng được tạo ở bậc thành thềm cửa chùa My Điền xưa. 

Theo đó sẽ có 2 con rồng đá ở thành bậc thềm cửa chùa, nhưng rất tiếc nay chỉ còn lưu giữ được một con. Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hoá, con rồng thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo, nó đi liền với các hình tượng của Phật giáo như đức Phật, hoa sen, lá đề… điều đó khẳng định dưới thời Lý, vùng đất My Điền đã là nơi phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Đại Việt.

Chùa My Điền tọa lạc phía sau đình theo kết cấu kiến trúc kiểu “tiền Thần hậu Phật”, đình trước chùa sau tạo quần thể di tích liên hoàn cổ kính. Qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa hiện nay còn bảo lưu được các hạng mục công trình như: Tam quan, nhà Tổ 5 gian, nhà khách 3 gian và tòa tam bảo. Khuôn viên sân chùa rợp bóng cây xanh toả bóng mát. 

Giữa sân chùa còn lưu giữ tấm bia đá thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1713) ghi về việc công đức tạo dựng bia đá và việc đúc chuông chùa. Qua khuôn viên sân chùa đến toà tam bảo, toà này có 5 gian tiền đường nối 3 gian thượng điện tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh. Phần kết cấu kiến trúc các vì mái bên trong theo kiểu chồng cốn, giá chiêng, kẻ ngồi, các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá có giá trị nghệ thuật. Trên thượng điện bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật. Các pho tượng mang phong cách thời Lê và thời Nguyễn có giá trị lịch sử nghệ thuật.

Ngoài những hiện vật giá trị trên, chùa My Điền còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật có giá trị nghiên cứu lịch sử văn hoá nghệ thuật tiêu biểu như bát hương, bia đá, hệ thống hoành phi, câu đối… Đây là những căn cứ khoa học để khẳng định dưới thời Lý, chùa My Điền đã là trung tâm Phật giáo có quy mô, kiến trúc khá hoàn chỉnh và tôn nghiêm.

Chùa My Điền là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân từ xưa tới nay. Hội lệ của làng diễn ra vào mồng 1 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để tạ ơn trời Phật đã ban cho cuộc sống ấm no hạnh phúc. Với giá trị lịch sử văn hoá độc đáo, chùa My Điền đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2004.

Mặc dù là nơi phát triển công nghiệp sầm uất nhưng My Điền ngày nay còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa của dân tộc. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, nghè My Điền, lăng đá Quận công Ngô Đạt Dụng, lăng Nguyễn Đốc Thực, miếu Vua Bà… có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch địa phương. Đặc biệt, chùa Thánh Minh trong lòng khu phố đã và đang là địa chỉ hấp dẫn cho du khách tới lễ Phật.

Bài, ảnh: Đồng Ngọc Dưỡng
Hán quận công Thân Công Tài: Khai mở giao thương biên giới Lạng Sơn
(BGĐT) - Dòng họ Thân ở làng Yên Ninh và dòng họ Thân ở làng Như Thiết, huyện Yên Dũng xưa, nay cả hai đều thuộc huyện Việt Yên (Bắc Giang). Trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, dòng họ Thân ở đây đã có những đóng góp rất quan trọng.
Hán Quận công Nguyễn Đắc Thọ
(BGĐT) - Hán Quận công Nguyễn Đắc Thọ, vị quan lớn có nhiều đóng góp cho vương triều Lê - Trịnh ở thế kỷ XVII là người xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế xưa, nay là xã Liên Chung, Tân Yên (Bắc Giang).
Nghệ thuật kiến trúc Từ chỉ Quán Quận công Nguyễn Thế Nho
(BGĐT) - Từ chỉ Quán Quận công tại làng Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) là nơi thờ và tưởng niệm vị danh nhân võ lược Nguyễn Thế Nho. Ông là võ quan đóng góp nhiều công sức xây dựng thôn làng, đặc biệt là những công trình văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng.
Từ chỉ họ Ngô - Nơi ghi nhớ công đức Quận công Ngô Đạt Dụng
(BGĐT) - Thôn My Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) lưu giữ Từ chỉ của dòng họ Ngô được xây dựng từ thế kỷ XVII hiện còn khá nguyên vẹn. Đây không chỉ là nơi tôn thờ các thế hệ dòng họ Ngô mà còn là khu lăng mộ của Quận công Ngô Đạt Dụng có nhiều công lao đóng góp cho vương triều Lê - Trịnh thế kỷ XVII.
Đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh lăng Quận công Ngô Đạt Dụng
(BGĐT) - Sáng 24-9, UBND xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) và dòng họ Ngô tổ chức đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh lăng Quận công Ngô Đạt Dụng.
Lộc Quận công Hoàng Công Phụ và từ đường họ Hoàng Công ở Yên Ninh
(BGĐT) - Từ đường họ Hoàng Công ở thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) không chỉ thờ các thế hệ dòng họ Hoàng Công mà còn là nơi tôn vinh Lộc Quận công Hoàng Công Phụ, vị Tiến sĩ có nhiều công trạng với đất nước dưới triều Lê Trung Hưng thế kỷ XVII.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...