Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trung thu ấm áp

Cập nhật: 06:00 ngày 26/09/2020
Hinh ơi, mày ra chơi với bọn tao đi! Vui lắm. Ban tít mắt rủ rê.- Mình… mình không muốn chơi. - Thằng Hinh đang buồn. Chắc nó đang nhớ bà ngoại nó. Heng tỏ ra hiểu chuyện.- Ừ. Bà ngoại nó nằm viện cả mười ngày nay rồi. Con bé Viện chêm vào.

- Rồi bà mày sẽ về thôi. Ban cầm tay Hinh lắc lắc, giọng chắc như đinh đóng cột. Tạm gác lại trò chơi trượt tuyết ở đầu con dốc lên bản bằng bẹ cau lấy trong vườn, hội bạn của Hinh xúm xít lại gần. Đứa động viên, đứa an ủi, đứa nào cũng đồng cảm với hoàn cảnh của Hinh.

- Hinh ơi, sáng giờ, cháu đã ăn chưa? Giọng của Trưởng bản Khan điềm đạm.

- Cháu… Hinh đưa tay lên xoa bụng. Hình như bụng nó vừa réo một hồi dài. Khuôn mặt nó nhăn nhúm lại như mếu. Nó nhìn trưởng bản với vẻ gượng gạo rồi khẽ lắc đầu. Trưởng bản Khan bảo Hinh đứng chờ. Ông rảo bước về nhà, lấy ra mấy củ khoai luộc đưa cho thằng bé rồi giục:

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

- Ăn đi cho đỡ đói. Bà cháu chắc mấy hôm nữa sẽ về thôi. Đừng buồn…! Trưởng bản Khan xoa đầu thằng bé rồi chắp hai tay sau lưng, lững thững bước đi. Hinh nhìn theo bóng ông khuất sau cây bưởi già trước ngõ nhà thằng Ban thì mới đưa mấy củ khoai lên miệng ăn. Chẳng cần bóc vỏ, nó cắn rồi nhai ngấu nghiến từng củ. Từng miếng khoai xuống bụng, nó cảm thấy người như tỉnh lại. Những ngày vắng bà ngoại là những ngày vô cùng buồn bã với nó. Ăn uống tạm bợ rồi thì không được chuyện trò với bà. Nó thấy vắng vẻ quá. 
Khuôn mặt và nụ cười của nó ít khi vui vẻ. Bà ngoại nó bị bệnh phải nằm điều trị ở trạm xá, cách nhà nó đến cả 4, 5 cây số. Nó muốn xuống thăm bà nhưng phần vì đường xa, phần vì nghe lời bà dặn “Ở nhà đi học. Mấy hôm rồi bà về”. Vậy mà đến cả mươi hôm rồi, bà vẫn chưa về. Hay là bà đau nặng, các cô y tá chưa cho về? Ý nghĩ ấy chợt thoáng qua khiến Hinh càng lo lắng cho sức khỏe của bà. Nó nhìn về phía con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn xuống trạm xá, lòng thầm mong bà nhanh khỏe, nhanh được về nhà.

Người trong thôn Thượng này, ai cũng biết rõ hoàn cảnh của bà cháu Hinh. Bố mẹ Hinh đều mất trong đợt lũ dữ năm Hinh lên 3 tuổi. Bà Nhan - bà ngoại của Hinh, có mỗi mẹ Hinh là con. Cuộc đời bà lận đận từ khi lấy chồng. Ăn ở với nhau chừng được năm trời thì chồng bà cũng bỏ đi biệt tăm. Mình bà nuôi con gái lớn khôn. 

Gả chồng cho con xong, những tưởng từ đó, bà sẽ được thảnh thơi, an nhàn, ai ngờ, niềm vui mới chớm thì tai ương lại ập tới. Thằng bé Hinh thiếu hơi bố mẹ từ nhỏ. Nhiều khi cháu khóc, bà cũng khóc theo. Bà thương thằng Hinh, muốn bù đắp cho nó bằng tất cả tình thương bà có. Dẫu khổ thế nào, bà cũng lo cho nó được đến trường như mấy đứa bạn trong bản. 

Hinh lớn lên bằng khoai sắn bà trồng, hay mót được trên nương trên rẫy; bằng măng rừng, rau quả rừng mùa nối mùa bà nó tần tảo nắng mưa đi hái. Bà thương nó hơn thương bản thân mình. Nó tội nghiệp lắm. Nó đáng thương lắm. Tuổi thơ nó khổ. Thế nên nó phải được yêu thương thật nhiều.

Hinh nay đã lên 10 tuổi, nó là đứa hiểu chuyện. Trước, nó cũng mặc cảm, tự ti, hay ngồi khóc một mình khi nhìn thấy bạn bè có cha có mẹ dắt tay đến trường. Nhưng rồi nó dần chấp nhận. Nó từng nói với bà Nhan: “Con may mắn vì còn có bà ngoại”. Nói rồi mắt rơm rớm, nó cứ thế ôm chặt lấy bà và thút thít khóc. Nó hứa với bà sẽ cố gắng học thật chăm để bà được vui và để sau này còn làm chỗ dựa cho bà. Bà Nhan nghe những lời tình cảm của cháu cũng thấy mát lòng mát dạ, lại càng thương nó nhiều hơn.

Năm nay, Hinh lên lớp 4. Bà Nhan vì lo lắng, tính toán chuyện học hành cho nó đến nỗi mấy đêm liền không ngủ được. Nào phải mua áo quần mới, rồi cặp sách, đồ dùng mới nữa. Ngặt nỗi, dạo này khoai sắn trồng trên nương trên rẫy mất mùa. Thế nên mới đầu mùa mưa, bà đã lên rừng hái măng về bán. Đường lên rừng đầy gai nhọn, lại trơn trượt. Tuổi bà ngày một cao. Mấy hôm đầu, bà vào rừng từ rất sớm và cũng kiếm được kha khá măng. 

Nhưng gặp hôm trời mưa lớn, bà trượt chân ngã, chân trái bị rạn xương, cộng thêm người dầm mưa cảm lạnh. Người trong bản đưa bà xuống trạm xá điều trị. Tuy đau như thế, bà vẫn gượng vui để thằng Hinh đỡ lo. Bà dặn nó đủ chuyện khi ở nhà một mình. Nào còn ít khoai để ở gầm giường, khi nào đói thì luộc mà ăn. Nào thì trong vò còn ít gạo, còn ít măng khô mùa trước bà để dành,… nhớ nấu mà ăn kẻo đói. Rồi nhớ dậy sớm đi học… 

Hinh thạo việc từ bé, thấy bà vất vả, nó đã tập tành làm để đỡ đần cho bà. Tuy vậy, bà Nhan vẫn cứ lo lo. Suốt thời gian nằm ở trạm xá, mỗi khi có ai ở thôn, ở bản xuống trạm khám bệnh, lấy thuốc, bà lại hỏi thăm, lại nhờ họ chuyển lời dặn dò thằng cháu của bà. Bà xin mấy cô ý tá được về sớm nhưng họ ngăn khuyên bà thư thư vài bữa nữa, để cái chân đỡ hẳn. Nằm ở trạm, ruột gan bà cứ như lửa đốt.

Năm nào cũng vậy, cứ mùa Trung thu về, mấy đứa bạn của Hinh cũng đều xôn xao bàn tán về những điều đã đang và sẽ làm. Chúng nghe cô giáo kể nhiều về những trò chơi, những món quà của các bạn nhỏ dưới xuôi được tặng. Chúng tròn xoe mắt, trầm trồ, háo hức, thèm thuồng khi nghe cô nhắc tới đèn Trung thu hình ông sao, hình cá chép rồi thì bánh Trung thu ngọt lịm. Có đứa ao ước được ở dưới xuôi, được ở phố như các bạn… Nhưng rồi, chúng lại bảo nhau “Tết trông trăng ở bản cũng có nhiều thú vị lắm”. 

Chúng xin hộp giấy đựng mì tôm về làm đầu lân, kiếm thêm miếng vải màn cũ buộc tạm dùng làm đuôi lân. Chúng lại lấy mấy mẫu gỗ ghép lại làm trống. Cỗ Trung thu là trái cây hái từ rừng, từ vườn nhà. Nhà đứa nào trồng khoai môn thì luộc nguyên một nồi rồi đem ra đóng góp. Đơn giản thế thôi, vậy mà mặt đứa nào đứa nấy vui sướng chẳng tả xiết. Mỗi mùa Trung thu đi qua, chúng đều nhớ, đều lưu giữ để rồi năm sau, năm sau nữa chúng lại đem ra kể lại cho nhau nghe, cùng ríu rít, khúc khích cười.

- Hinh, còn mấy ngày nữa là Trung thu rồi, mày ước điều gì? Thằng Ban ngồi bệt ở tảng đá đối diện, nhìn Hinh, tò mò.

- Mình chỉ muốn bà ngoại nhanh khỏi bệnh và về nhà thôi! Giọng Hinh buồn rười rượi. Hinh miên man nhớ về những mùa Trung thu trước, bà vẫn thường nấu món chè trôi nước cho Hinh ăn. Bà nói với Hinh, ngày Tết Trung thu, người ta thường nấu chè trôi nước vì món ăn này tượng trưng cho lòng biết ơn, sự đoàn viên và những điều tốt đẹp khác. Món chè trôi nước bà ngoại nấu không cầu kỳ. Chỉ cần bột nếp, đường, đỗ xanh, gừng, mè, đậu phộng, dùng làm nguyên liệu.

Món chè ấy, có vị ngon đặc biệt. Vị thơm của nếp nương quyện trong vị ngọt của đường, vị béo bùi của đậu phộng, hạt mè và vị thơm cay của gừng cứ vấn vương trong miền nhớ của Hinh. Hinh thích món chè ấy còn bởi sự chăm chút, tỉ mẩn trong từng công đoạn bà ngoại làm để dành cho Hinh ăn.

Trung thu năm nay, Hinh cũng háo hức nghĩ đến món chè trôi bà nấu. Thế nhưng chỉ là trong suy nghĩ. Bởi Hinh biết, điều quan trọng bây giờ không phải là được ăn mà là bà khỏe mạnh và về nhà với Hinh.

Chiều, đi học về gần đến nhà, Hinh đã nghe mùi hương quen thuộc theo gió phả lại thoảng thơm. Là mùi thơm của món chè trôi nước bà vẫn thường nấu mỗi dịp Trung thu về. Hôm nay là Trung thu. Bà… Hinh bất chợt nhìn về phía góc bếp nhà mình, thấy đôi vòng khói trắng bay lên vấn vít. Lòng Hinh vừa khấp khởi vừa hồi hộp. Đôi mắt buồn buồn bỗng nhiên sáng rực. Miệng nó lắp bắp bật lên thành tiếng:

- Là bà ngoại… đúng rồi! Bà ơi…!. Hinh vừa chạy vừa cất tiếng gọi ngoại. Thằng bé bỗng đứng sững giữa sân khi thấy bà bước ra từ căn bếp nhỏ, nhìn nó nở nụ cười trìu mến như một bà tiên trong những câu chuyện cổ tích nó được nghe. Ngay tức thì, nó chạy thật nhanh đến bên sà vào lòng bà, giọng sụt sùi:

- Bà về rồi. Bà đã đỡ bệnh chưa? Con nhớ bà nhiều lắm! Nó vòng tay ôm chặt bà như chẳng muốn xa bà thêm lần nào nữa. Bà Nhan xúc động đến run lên. Lén quay đi giấu hai hàng nước mắt nhớ thương cháu, bà vui vẻ nói:

- Cháu nhớ hôm nay là ngày gì không?

- Nay là Tết Trung thu ạ. Bà lại đang nấu món chè trôi nước cho cháu ăn phải không? Hinh sung sướng đưa tay lên quệt hai hàng nước mắt rồi nhìn bà ngoại, từ tốn:

- Bà ơi, chỉ cần bà khỏe mạnh, luôn ở bên cạnh cháu là cháu vui nhất rồi…

Ngoài đầu núi, trăng thu đã lên cao, sáng trong vằng vặc. Hinh trải chiếu giữa sân nhà, cùng bà ngoại vừa ăn chè trôi nước vừa ngắm trăng. Bà Nhan kể cho Hinh nghe về sự quan tâm của các y tá suốt thời gian bà nằm dưỡng bệnh ở trạm. Hinh hồ hởi khoe với bà về những bài học trên lớp và cả sự giúp đỡ của Trưởng bản Khan trong những ngày bà vắng nhà. Trong hơi đêm dịu mát, ánh mắt, nụ cười của hai bà cháu cứ thế hòa vào ánh trăng thu lấp lánh.

Rộn ràng trung thu
(BGĐT)- Những ngày này, không khí vui Tết Trung thu thật rộn ràng ở nhiều nơi. Trung thu đã trở thành nét đẹp văn hóa có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Bắc Giang ghi lại không khí ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. 
Trung thu yêu thương
(BGĐT) - Những ngày này, TP Bắc Giang rộn ràng các hoạt động vui Trung thu cho trẻ em.  Đặc biệt là trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhận được nhiều sự quan tâm, đón đêm  hội trăng Rằm đủ đầy, ấm áp.
Trung thu bên mẹ
(BGĐT) -Sắp đến trung thu rồi, bọn mày ước điều gì? Thằng Trung nhắng nhít hỏi cả bọn đang túm tụm ngồi dưới gốc cây me già đầu xóm.
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.

Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...