Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nắng rừng

Cập nhật: 13:54 ngày 20/07/2020
(BGĐT) - Căn phòng Hoàn vẫn mở toang. “Hôm nay anh không về nhà à?", Nhân ngoái đầu vào cửa, ngạc nhiên. “Mình có việc”. Nhân lặng lẽ xuống cầu thang, trở về nhà. Anh ấy chắc lại tới nhà Vi Văn Kế chứ gì vì nghe anh giắng từ mấy hôm nọ. 
{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Ôi giời, cuối năm sẽ nghỉ hưu, anh ta lao vào làm gì cho mệt xác. Rõ là thân làm tội đời. Lúc đầu Nhân được giao xét xử vụ này nhưng rồi Hoàn lại bảo dừng để anh ấy lo. Thế càng mừng. Mà sao anh ta cứ trăn trở, băn khoăn một việc cỏn con ấy, một việc dân sự giải quyết quá dễ dàng.

Hoàn đứng ngồi không yên, hết nhìn đồng hồ treo trên tường lại trông xuống sân.

Kia rồi. Một xe máy từ đường rẽ vào cổng tòa án. Hoàn vội vàng xuống sân:

- Em nóng ruột quá, sợ bác có việc đột xuất không đến được.

Ông Tô cười khà khà:

- Đang chuẩn bị đi lại có khách. Yên tâm, đã hứa là phải giữ lời. Lính mà.

Hoàn đưa ông trở về phòng mình. Ông Tô oang oang:

- Hôm nọ tôi áy náy quá vì cậu đã xếp lịch, mà lại không đi được để hôm nay ngày nghỉ cậu phải ở đây.

- Có gì đâu bác ơi, nhiều khi do công việc em đều phải thế.

- Kế sách của cậu cũng được đấy, chả biết có thành không. Đúng là tôi không ngờ cậu Kế ngày càng đổ đốn. Xưa ở đơn vị, nó hiền khô, dũng cảm, mưu trí lắm, được trung đoàn khen.

- Em biết cậu ấy mấy năm rồi khi em được luân chuyển về đây.

Hoàn đang là Chánh án ở một huyện miền núi quê nhà thì được phân công về huyện rẻo cao này thay cho người tiền nhiệm về hưu. Anh gặp Kế đôi ba lần ở quán sá và lễ hội thị trấn huyện lỵ. Người nhỏ thó, rắn chắc, gan lỳ, hay nổi nóng, gây gổ. Vậy mà theo nhiều người kể, cách đây mười mấy năm cậu ta nổi danh trong việc dùng khúc gỗ đánh gục mấy thằng cướp giật tiền một ông người Dao ở ngay chân đèo, được công an huyện khen thưởng. 

Nhưng mấy năm nay anh chàng lao vào cờ bạc mà đâm ra hư, gia đình lục đục, ngày càng túng quẫn. Ai đời vừa rồi làm đơn kiện bố trong chuyện tiền nong, đất cát, làm xôn xao cả huyện, nơi chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, vốn hiền lành, chất phác.

Một lần ở quán ăn, Hoàn ngồi cùng bàn với Kế. Anh ta kể cho người bạn cạnh mình về tháng ngày chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc. Trong câu chuyện Kế hết lời ca ngợi anh Tô đại đội trưởng đã cứu sống mình, vì mình mà anh bị thương, coi anh ấy như người cha thứ hai, suốt đời sống để dạ, chết mang đi.

- Ông Tô ở đâu, hả anh? – Hoàn vội hỏi.

- Ông ấy ở Phúc Sơn, huyện này.

- Anh có hay đến thăm ông ấy không?

Kế hất hàm, trừng mắt:

- Ông Chánh án hỏi làm gì? Không phải việc của ông!

Qua buổi ấy, Hoàn mới biết Kế cũng là lính trung đoàn với mình, chỉ có điều Hoàn là lính bổ sung chốt chặn ở phía sau, chưa biết chiến trận là gì.

Ai chứ ông Hoàng Văn Tô ở Phúc Sơn, Hoàn biết. Khi anh về đây, ông ấy vẫn là chủ tịch xã, nhiều lần họp hành, gặp nhau tại cơ quan huyện. Hôm nọ, Hoàn đến nhà ông vì công việc hôm nay, ông Tô thổ lộ: “Kế chưa bao giờ đến nhà tôi. Thôi, thông cảm với cậu ta. Vợ yếu, con đông, lại cách nhà mình hơn hai chục cây số qua suối qua đèo. Tôi cứu cậu ấy là trách nhiệm chứ công cán gì. Ai gặp việc đó cũng phải thế”.

Trong cuộc chiến ác liệt giành giật điểm cao do quân địch lấn chiếm, đại đội ông Tô thương vong nhiều. Chính ông đích thân trong đêm mờ trăng đã cõng Kế bị thương nằm mê man bụi rậm để đưa tới trạm quân y dã chiến cách đó mấy cây số. Khi trở về đơn vị, ông bị thương vì đạn giặc.

“Bác oách nhất là lính chống Mỹ, dày dạn trận mạc, Kế cũng tham dự đôi ba trận, còn em chỉ là lính tò te, chưa phải nổ viên đạn nào. Xuất ngũ xin được vào nhân viên tòa án rồi đi học, coi như có cuộc sống bình lặng, yên ả”.

“Ở ghế Chánh tòa cũng nóng đấy. Nhiều người khen cậu lắm.” Đúng là từ ngày về đây, Hoàn năm nào cũng được bầu là chiến sĩ thi đua cơ sở, đơn vị đạt tiên tiến. Ở huyện rẻo cao này thường xảy ra ẩu đả vì rượu, trai gái rồi tiếp đến kiện tụng tai nạn giao thông, buôn bán ma túy, mấy năm nay nảy ra tranh chấp đất rừng. Việc con kiện cha chưa bao giờ có từ xa xưa tới nay nên chuyện của Kế mới ồn ào, xôn xao khắp vùng.

Ông cụ Giang dân tộc Tày từ vùng cao biên giới là người đầu tiên theo cha mẹ đến bản Lái này. Cụ có ba con trai, Kế là thứ hai, người anh nghễnh ngãng từ nhỏ, ốm yếu quanh năm, người em khoèo chân khoèo tay. Khi lấy vợ, Kế đòi nằng nặc để bố chia cho hơn héc ta ở ngã ba đường vào bản, cách xa chỗ bố. Kế tính toán chỗ ấy vừa tiện đi lại, sau có thể mở quán bán hàng vì nghe phong thanh có đường to từ thị trấn qua đây. Nhà ông cụ đơn độc ven chân núi với khu đồi núi, rừng cây bao quanh. 

Quả là nhà nước mở đường to rộng liên tỉnh từ huyện tỉnh biên giới tới thị trấn huyện này nhưng lại không qua chỗ Kế mà lại vắt qua chân núi chỗ ở ông cụ. Nghĩa là sắp tới ông cụ có số tiền khá lớn. Mọi giấy tờ sổ sách đền bù đã xong, chỉ chờ vài ba tháng nữa sẽ được cấp. Thế là Kế đòi bố chia tiền. Đất ở hiện giờ của ông cụ phải chia đều cho các con, để từ đó tính ra tiền. Đương nhiên chỗ đất ông cụ đã chia cho Kế từ trước không được tính vào đó! 

Ông cụ không nghe, bảo rằng Kế đã có phần, giờ phải dành cho gia đình người anh và đứa em bệnh tật, túng bấn. Âu cũng vì cụ ghét cái thói cờ bạc lêu lổng của con. Kế hét: “Ông không chia, tôi kiện ra tòa!” Mấy hôm sau, Kế phóng xe máy đến tòa án huyện nộp đơn kiện mặc cho bao người can. Nửa tháng sau gã xông thẳng vào trụ sở ủy ban làm ầm ĩ. Gã đang nợ tứ tung đến nỗi bán cả con trâu và mấy con dê mà mới chỉ trả non nửa.

Ông Tô ngồi lặng, chăm chú nghe lại vụ việc.

- Em tin có bác trợ giúp, Kế sẽ thức tỉnh. Dù sao cậu ta vốn là người lương thiện, chắc sẽ biết phải trái. Em không muốn Kế - một cựu chiến binh, một thương binh phải ra tòa.

- Cậu nghĩ cũng phải. Cậu đã đến gặp Kế chưa?

- Em đến hai lần nhưng không gặp. Hình như cậu ấy có ý trốn tránh. Cán bộ xã bảo, gọi Kế lên nhưng đều không được, cử người xuống, anh ta không tiếp.

- Bây giờ ta đi chứ? Ý cậu định sắp xếp thế nào?

Nhà Kế năm gian lợp ngói tây, lọt trong khu vườn rậm rạp cây ăn quả, cạnh con đường nhỏ gồ ghề cuối bản. Bầu trời vẫn âm u từ sáng đến giờ càng làm cho căn nhà và khu vườn trở nên cô quạnh, tối tăm. Vợ Kế đang lúi húi làm việc gì đó trong nhà ngang, thấy khách vội chạy ra. Bà có vẻ già hơn chồng, nét mặt buồn, tóc đã bạc quá nửa.

- Ông chủ có nhà không hở bà?- Hoàn vội hỏi.

Bà ngập ngừng:

- C…ó… Đang ngủ mà. Vừa về đấy.

- May rồi.

- Đi vắng mấy hôm, nãy mới về.

Hoàn vào trong nhà. Kế nằm khoèo, chân co chân duỗi.

- Dậy! Dậy!- Hoàn lay lay đánh thức.

Kế uể oải dậy, nheo nheo mắt, à một tiếng, giọng ráo hoảnh:

- Thủ trưởng Tô…

Thật khác hẳn tưởng tượng của ông Tô và Hoàn về sự gặp gỡ chào đón của Kế với thủ trưởng cũ của mình. Kế chậm chạp đi tới chỗ bàn ghế, nhấc tích nước và cả chai rượu uống dở cạnh bên.

- Dạo này vẫn khỏe chứ? Vết thương cũ có tái phát không?- Ông Tô vui vẻ hỏi.

Kế lắc đầu.

- Giờ lại sinh cờ bạc hả? Lỗ hay lãi?

Gã im bặt.

Hoàn tiếp lời:

- Cách đây chục năm, anh Kế vào diện khá giả của bản đấy. Trâu, dê đủ cả. Lại nuôi ong bán mật. Lại trồng thêm keo. Bởi thế mấy đứa con anh mới được học hành hẳn hỏi.

- Vậy mà… - Ông Tô khẽ cười - Nhưng thôi, ai cũng có lúc sai lầm, có điều phải biết mà sửa. Số cậu vẫn còn may. Mấy cậu cùng ở trung đội với Kế, người bị thương nặng, giờ phải ngồi xe lăn, riêng Nghĩa và Trung đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.

Gã vẫn ngồi như một tảng đá.

Ông Tô vỗ vỗ cánh tay gã, cười:

- Nghe nói cậu làm đơn kiện tớ vì đã cứu cậu, đúng không?

Gã kêu toáng:

- Không phải đâu. Bác là người tốt mà, quên sao được.

- Cậu sợ gì mà không kiện. Đến ngay bố đẻ mà cậu còn làm thì ông Tô là cái thá gì. Phải không? Vì tiền à?

Gã gục đầu, úp mặt vào vòng tay.

Ông Tô ôm vai Kế, khẽ khàng:

- Cánh ta đều là lính, cùng một trung đoàn. Tôi và Hoàn muốn giúp cậu. Tôi và cậu lại là thương binh. Ai lại để con kiện cha – một người bố tám mấy tuổi đầu, góa vợ mấy chục năm, vất vả nuôi con, cháu.

- Tôi biết cậu đang túng quẫn vì nợ nần chồng chất – Hoàn thủ thỉ - Tuy vậy cậu xử sự vừa rồi là mang tiếng xấu cho gia đình và cho cả dòng tộc họ Vi.

Ông Tô tiếp lời:

- Tôi đã bàn với Hoàn rồi, nếu cậu quyết từ bỏ cờ bạc, bọn tôi sẽ có cách giúp cậu trước mắt và cả lâu dài. Tôi đã nói từ nãy rồi, cánh ta đều là lính trung đoàn cả mà. Hoạn nạn phải có nhau.

Gã vẫn gục mặt, im thin thít.

- Nào, ngẩng đầu lên, hãy nhìn thẳng vào tôi và Hoàn mà trả lời chứ. – Ông Tô nghiêm giọng – Có dám không?

Gã ngồi dậy, bặm môi, mắt đỏ hoe, nhìn đăm đăm hai người ngồi bên mình. Hoàn nhỏ nhẹ:

- Mai Kế đến chỗ tôi rút đơn đi. Được không?

- Gã gật gật đầu.

Hoàn đứng dậy, dang bàn tay ra:

- Nhất định chứ? Nào, nắm tay nhau để giữ lời.

Kế đứng dậy theo ông Tô, xòe bàn tay. Ông Tô rắn rỏi:

- Có đại đội trưởng Tô chứng kiến đây. Nếu sáng mai cậu tới, tôi cũng đến. Cánh ta sẽ lập một tòa án riêng mình rồi làm một bữa ra trò.

Kế khẽ cười. Nụ cười làm cho người lính năm xưa trông thật hiền hậu, thuần phác, và dường như trẻ lại, mờ đi khuôn mặt khắc khổ với những nếp nhăn ở bên đuôi mắt.

Kế tiễn đồng đội cũ ra tận đầu ngõ. Bầu trời bỗng hửng nắng. Ánh nắng vàng ươm trải khắp đồi núi cỏ cây, dọi xuống vườn cây và căn nhà u buồn phía sau những vệt sáng dịu êm ấm áp.

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Hạnh phúc bất ngờ
(BGĐT) - Thế là tôi đã hoàn thành chương trình huấn luyện chiến sĩ mới. Ba tháng vất vả với bao điều mới lạ cũng đã qua. Từ một thanh niên tự do, đang lơ ngơ trước cuộc đời, bước vào quân ngũ, tôi như người được lột xác. Môi trường mới, quân kỷ, quân phong, giờ nào việc nấy chính xác tới từng phút. Bạn bè mới, cùng trang lứa. 
Tìm lại hạnh phúc
(BGĐT) - Nam trằn trọc trở mình. Trong đầu hắn cứ xuất hiện cái vẻ thậm thụt, giấu diếm của vợ. Dù lúc đó có tí rượu vào thật, nhưng hắn chưa đến nỗi say bét nhè nên vẫn nhớ. Không biết nó giấu mình cái gì.
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Tim em dại khờ
(BGĐT) - Sau gần 10 năm chung sống với cảm giác hạnh phúc bên người chồng giỏi giang, chiều vợ, Mai như bị sa xuống hố bởi biết chồng ngoại tình.
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...