Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất

Cập nhật: 07:00 ngày 01/02/2020
(BGĐT) - Song Vân không chỉ là vùng đất thượng võ mà còn có truyền thống lịch sử cách mạng. Đặc biệt, nơi đây ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang. Đó là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất diễn ra tại làng Vân Cầu, xã Hồng Kiều, huyện Yên Thế, nay là xã Song Vân, huyện Tân Yên. 

Thời Lê - Mạc, vùng đất Vân Cầu có ba anh em họ Dương: Dương Quốc Minh, Dương Hùng Lượng, Dương Hồng Lương giỏi võ nghệ đầu quân cho nhà Mạc chống lại nhà Lê suy thoái và lập nhiều chiến công. Dưới thời nhà Mạc, họ Dương ở Vân Cầu được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong cho 18 vị quận công. 

{keywords}

Bia ghi dấu sự kiện lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất, xã Song Vân, huyện Tân Yên. (Ảnh tư liệu).

Thời Nguyễn, cuộc khởi nghĩa nông dân của Tạ Văn Thái (1830-1833), Giáp Văn Trận (1870-1875) diễn ra tại vùng đất này. Tiếp nối truyền thống thượng võ, tinh thần yêu nước, đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884-1913), Vân Cầu có ông Tạ Văn Khấu (Thống Ngò) là một trong ba thống lĩnh (cùng Đề Thám, Thống Luận) chỉ huy nghĩa quân Yên Thế đánh đuổi giặc Pháp.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Vân Cầu có phong trào cách mạng phát triển mạnh. Cuộc khởi nghĩa vũ trang từ ngày 16 đến 18-7-1945 của lực lượng tự vệ đánh vào phủ đường Yên Thế và đồn binh Bố Hạ, lực lượng du kích Vân Cầu đã phối hợp chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 17 và 18-7-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng làng Vân Cầu. Ngày 19-8-1945, đội tự vệ làng Vân Cầu cùng hàng vạn người dân tiến về Phủ Lạng Thương dự mít tinh mừng Cách mạng thành công.

Thời kỳ toàn quốc kháng chiến (1946-1954), Hồng Kiều là xã tự do của huyện Yên Thế. Có vị trí địa lý trọng yếu, là vùng đất thượng võ với những con người dũng cảm, sớm giác ngộ cách mạng, nhân dân một lòng đi theo Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất năm 1948 diễn ra tại làng Vân Cầu.

Về sự kiện lịch sử này, sách “Bắc Giang những chặng đường lịch sử” ghi: “Đại hội họp từ ngày 18 đến hết ngày 24 tháng 6 năm 1948 tại làng Vân Cầu, Hồng Kiều, huyện Yên Thế với trên 150 đại biểu đại diện cho các Chi bộ Đảng cơ sở về dự. Đại hội đánh giá tình hình mọi mặt công tác từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đến giữa năm 1948 và kiểm điểm sâu sắc những khuyết điểm trong lãnh đạo chống địch càn quét năm 1947. 

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển Đảng viên và xây dựng chi bộ cơ sở: Năm 1946 toàn Đảng bộ mới có khoảng 100 đảng viên, đến đầu năm 1948 đã lên tới 2.213 đảng viên (trong đó có 1.054 đảng viên chính thức và 172 đảng viên nữ)… Trong phần phương hướng, Đại hội nhất trí thông qua nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện và phát triển chiến tranh du kích lên một bước mới... Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 21 ủy viên và thông qua danh sách 19 đại biểu đại diện cho Đảng bộ đi dự đại hội Liên khu ủy I…”

Hai gia đình nhà ông Lý Sắc và Lý Phần, thôn Giếng (làng Vân Cầu) được chọn làm nơi tổ chức Đại hội. Ông Lý Sắc và ông Lý Phần là hai anh em ruột, tên thật là Tạ Quang Phần và Tạ Quang Sắc. Đất nhà hai ông liền một khoảnh, sẵn có nếp nhà gỗ lim to rộng là điều kiện tốt cho việc tổ chức Đại hội. Nhà hai ông ngoảnh hướng Đông Nam, phía trước có ao lớn thông ra cánh đồng, cách cổng làng và đường làng khoảng 100m. Trong hai khu nhà này, Đại hội diễn ra ở nhà ông Lý Phần, khu nhà ông Lý Sắc là nơi tập kết, tập trung trước khi Đại hội. 

Trong những ngày diễn ra Đại hội, cán bộ và nhân dân xã Hồng Kiều đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội được thành công tốt đẹp. Các đồng chí Hoàng Văn Nghi, Bí thư Chi bộ; đồng chí Trần Chí Quang chính trị viên xã đội và các đồng chí cán bộ xã được giao nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ Đại hội. 

Nhiều gia đình trong làng Vân Cầu sẵn sàng làm nhiệm vụ phục vụ Đại hội. Gia đình ông Nguyễn Văn Sướng là địa điểm tiếp dân, nấu cơm phục vụ Đại hội; nhà ông Tạ Văn Lộ là nơi in ấn cất giữ tài liệu; nhà ông Tạ Văn Thường là nơi các bác sĩ phục vụ Đại hội… Trong suốt thời gian Đại hội diễn ra, nhân dân làng Vân Cầu nói riêng, xã Song Vân nói chung có nhiều đóng góp làm nên thành công của Đại hội.

Về Vân Cầu hôm nay thấy nhiều đổi thay, con đường thẳng tắp trải bê tông phẳng phiu dẫn vào làng. Cổng làng cổ kính rêu phong còn soi bóng bên mặt ao làng. Nếp nhà gỗ lim năm xưa (nhà ông Lý Phần) - nơi tổ chức Đại hội nay không còn, thay vào đó là tượng đài, bia lưu niệm ghi dấu sự kiện lịch sử. Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất năm 1948 nay đã trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà.

Ba anh em họ Dương ở đất Vân Cầu
(BGĐT)- Dưới thời nhà Mạc, dòng họ Dương ở vùng đất Vân Cầu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được phong 18 vị Quận công. Gia phả họ Dương ở Tân Yên còn ghi: “Dương phả chân truyền sơn Cốc mộ/Nhất gia thập bát vị Quận công”. Thượng tổ là Quận công Dương Quốc Nghĩa, con trai là Quận công Dương Quốc Minh, Dương Hùng Lượng và Dương Hồng Lương đã có nhiều công lao với dân với nước. 
Vân Cầu - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất
(BGĐT) - Đã qua 18 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn không quên địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất diễn ra tại làng Vân Cầu, xã Hồng Kiều, huyện Yên Thế (nay là xã Song Vân, huyện Tân Yên).

Đồng Ngọc Dưỡng 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...