Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện luật phòng, chống tác hại của rượu, bia: Bước đầu thay đổi thói quen

Cập nhật: 10:17 ngày 15/01/2020
(BGĐT) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tăng mức xử phạt người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có hiệu lực đã làm thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt của nhiều người dân.

Bệnh nhân nhập viện do rượu giảm

{keywords}

Điều trị cho bệnh nhân tai nạn giao thông tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Theo thống kê của ngành y tế, 68% số vụ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan đến đồ uống chứa cồn. Bệnh nhân tai nạn giao thông do uống rượu, bia thường bị đa chấn thương nặng. Thậm chí, nhiều trường hợp uống nhiều, uống liên tục đã bị ngộ độc, rối loạn tâm thần. Nhất là dịp trước, trong và sau Tết, bệnh viện, trung tâm y tế các huyện thường phải tăng cường các kíp trực để kịp thời cấp cứu bệnh nhân.

Chỉ ít ngày sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, lượng bệnh nhân nhập viện do lạm dụng đồ uống có cồn giảm mạnh so với tháng 11, 12-2019, đặc biệt so với thời điểm này năm trước.

Tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), những ngày đầu tháng 1-2020, trung bình mỗi ngày có 3-4 ca nhập viện song không có bệnh nhân ngộ độc rượu. Những năm trước, dịp này, lượng bệnh nhân tai nạn giao thông thường tăng cao gấp 2-3 lần ngày thường. Vào dịp Tết, đồng bào miền núi vui xuân thường rủ nhau uống rượu. Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều, co giật, sùi bọt mép, đau đầu chóng mặt, nói nhảm, ảo giác do uống quá nhiều.

Những ngày cận Tết, mặc dù bận rộn nhưng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) đỡ áp lực hơn khi lượng bệnh nhân cấp cứu do rượu, bia không nhiều như những tháng trước. Từ đầu tháng 1-2020 đến nay, Khoa tiếp nhận 5-7 ca/ngày liên quan đến rượu, bia và chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc đồ uống có cồn. Số lượng bệnh nhân vào điều trị do uống rượu, bia bị xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, xơ gan, men gan cao cũng giảm. Mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho 2-3 người. Những năm trước, cứ mỗi dịp Tết, Khoa phải điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa do sử dụng rượu, bia nhiều, liên tục, thậm chí có trường hợp hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu để bảo toàn tính mạng.

Theo các bác sĩ tại đây, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy định mức phạt tăng mạnh so với trước đối với người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông đã có hiệu ứng tích cực, góp phần giảm thiểu số người sử dụng rượu, bia trong cộng đồng. Theo đó, cũng giảm tải cho bác sĩ, đặc biệt là nhân viên y tế làm nhiệm vụ hồi sức cấp cứu và chống độc trong các ca trực. 

Người dân thay đổi thói quen

Sự thay đổi thói quen dùng rượu, bia của người dân còn được thấy rõ trên bàn tiệc. Qua tìm hiểu, trong 2 tuần gần đây, lượng tiêu thụ rượu ở nhiều đám cưới đã giảm mạnh. Ông Nguyễn Duy Quang, ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa-Bắc Giang) vừa tổ chức cưới vợ cho con trai cho hay: “Gia đình làm 60 mâm cỗ nên đã chuẩn bị 60 lít rượu. Thế nhưng chỉ dùng hết 1/3 số rượu, khách bây giờ không uống nhiều như trước”.

Hai tuần nay, lượng bệnh nhân nhập viện do lạm dụng đồ uống có cồn giảm rõ rệt so với tháng 11, 12-2019, đặc biệt so với thời điểm này các năm trước.

Trước đây, tại mỗi bữa cỗ, nhiều người rất sợ phải uống nhiều rượu do bị nài ép, thậm chí khích bác, mỉa mai của người xung quanh. Nhưng dịp này, nhiều nơi khi diễn ra các hoạt động tổng kết, liên hoan, gặp mặt cũng đã thay đổi hình thức tổ chức để hạn chế rượu, bia. Như Công ty TNHH NICHIRIN Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) tổ chức liên hoan tại nhà ăn. Thay vì liên tục “chén chú, chén anh” như những bữa tiệc thường thấy, Công ty bố trí cho người lao động vừa dự tiệc vừa thi hát karaoke xen lẫn nhiều trò chơi thú vị, tạo không khí vui vẻ, hào hứng, đầm ấm trong buổi liên hoan cuối năm.

Trước quy định mới, mặc dù là dịp cuối năm nhưng nhiều nhà hàng, nhất là những quán chuyên đồ nhậu cũng thưa vắng khách hơn. Chị Đinh Việt Hà, chủ nhà hàng Hà Linh, đường Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Trong phiếu thanh toán, số tiền chi cho đồ uống không cao. Nhà hàng chuyển sang phục vụ sinh tố, nước ép hoa quả, khách rất thích vì không phải uống nhiều rượu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Để bảo đảm an toàn cho khách, một số quán ăn đã chủ động tư vấn cho khách sau khi uống rượu, bia có thể gửi xe lại nhà hàng, đi taxi về hoặc gọi người thân đến đón.

Tìm hiểu tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP Bắc Giang, dịp này hằng năm, lượng rượu, bia tiêu thụ mạnh nhưng năm nay bán chậm hơn, sức mua chỉ bằng 1/2 năm trước. Để thay đổi thói quen sử dụng rượu bia, thời gian tới, các cấp, các ngành cùng người dân tiếp tục tuyên truyền, vận động mọi người, nhất là nam giới hạn chế sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc.

Thực hiện tốt quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia
(BGĐT) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.
Lục Ngạn chủ động phòng, chống tác hại của ma túy
(BGĐT) - Ngày 18-6, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6) năm 2019. 
Những tác hại khi uống quá nhiều sữa
Việc tiêu thụ lượng lớn sữa mỗi ngày có thể dẫn đến mất cân bằng chất dinh dưỡng, mắc bệnh tim, thận và các vấn đề sức khỏe khác.
Phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 9-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Minh Thu
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...