Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bức huyết họa “biết kể chuyện” của họa sĩ Lê Duy Ứng

Cập nhật: 07:00 ngày 30/04/2019
(BGĐT)- Đã nhiều lần đến Quân đoàn 2 nhưng tháng 4 vừa qua là lần đầu tiên tôi vào thăm Bảo tàng Quân đoàn. Nơi đây có hàng trăm hiện vật gắn liền với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có bức tranh đặc biệt - bức tranh Bác Hồ vẽ bằng máu của Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng.

Qua lời thuyết minh nhẹ nhàng, truyền cảm của Trung tá Vũ Thành Huế, nhân viên Bảo tàng, chúng tôi hiểu hơn về họa sĩ Lê Duy Ứng và hoàn cảnh ra đời của bức huyết họa. Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 là thương binh hạng 1/4, quê ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về hội họa. Khi đang học năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 9-1971, ông xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và trở thành lính trinh sát Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2). 

{keywords}

Trung tá Vũ Thành Huế thuyết minh về bức huyết họa cho chiến sĩ Tiểu đoàn Vệ binh 46.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, ông theo đội hình thuộc Quân đoàn 2 với cương vị trợ lý tuyên huấn tiến vào giải phóng Sài Gòn. Rạng sáng 28-4-1975, khi đoàn quân chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn 30 km, tại căn cứ Nước Trong, ông bị “dính” đạn địch, hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh dậy, tưởng mình sắp hy sinh vì hai mắt, đầu và ngực bị chảy nhiều máu nhưng ông cảm thấy mình rất tỉnh táo (kinh nghiệm của người lính là nếu bị thương nặng mà vẫn thấy tỉnh táo tức là sắp hy sinh). 

Với tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng đối với Tổ quốc, với Bác Hồ, ông nghĩ trước khi hy sinh mình nên để lại điều gì đó thật ý nghĩa. Vì vậy, chiến sĩ Lê Duy Ứng đã chấm máu từ đôi mắt xuất thần ký họa chân dung Bác, cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên chiếc áo trắng và ghi đậm bên dưới dòng chữ “Ánh sáng niềm tin con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Sau khi hoàn thành bức tranh, ông gấp lại cất cẩn thận rồi lại ngất đi lần nữa. Bức huyết họa ấy đã trở thành một biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ quân Giải phóng.

{keywords}

Bản phục chế bức tranh Bác Hồ vẽ bằng máu  của họa sĩ Lê Duy Ứng được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 2.

Nghe đến đây, binh nhất Trần Anh Tuấn, Tiểu đoàn Vệ binh 46, Quân đoàn 2 không giấu niềm xúc động: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hoàn cảnh ra đời một bức tranh lại đặc biệt như vậy. Họa sĩ Lê Duy Ứng xứng đáng là tấm gương về lòng yêu nước để cho thế hệ trẻ noi theo. Qua đây, tôi càng quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà bao thế hệ cha anh đã gây dựng. Sau này khi trở về địa phương, tôi sẽ kể câu chuyện về bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng cho anh em, bạn bè, người thân”. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều cán bộ, chiến sĩ khi nghe thuyết minh về sự ra đời của bức huyết họa.

Đại tá Đỗ Văn Sáu, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 2 cho biết: “Trong Bảo tàng Quân đoàn có hơn 30 hiện vật do Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng tặng. Đây đều là những kỷ vật “biết nói” về những năm tháng chiến đấu hào hùng của Quân đoàn 2 từ khi thành lập. Mỗi kỷ vật gắn liền với một câu chuyện cụ thể, giúp người xem hiểu thêm về thực tế cuộc sống nơi chiến trường, sự gian khổ, hy sinh của những người lính đã trải qua trong các cuộc chiến tranh vệ quốc; thấy được sự sáng tạo, tinh thần lạc quan, tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, tình cảm đồng chí, đồng đội, lý tưởng, trách nhiệm của người thanh niên trước vận mệnh của Tổ quốc. Do đó, chúng tôi quyết tâm gìn giữ những hiện vật này một cách tốt nhất. Bức tranh Bác Hồ vẽ bằng máu dù chỉ là phục chế nhưng trong rất nhiều cuộc trưng bày, triển lãm ở các địa phương, đơn vị đều được mang đi và đặt tại vị trí trung tâm”.

Suốt cuộc đời mình, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, tượng, giành nhiều giải thưởng nghệ thuật trong và ngoài nước, trong đó phần lớn là những bức tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã tổ chức được gần 50 cuộc triển lãm các tác phẩm của mình ở khắp mọi miền Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 30-10-2013, Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Bảo tàng Quân đoàn 2 - Ghi dấu những chiến công
(BGĐT) - Được nghe giới thiệu về những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân đoàn 2, chúng tôi thêm hiểu về sự khốc liệt và ý chí chiến đấu quật cường của quân, dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 
 
Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Kỳ nhân Phủ Lạng Thương
(BGĐT) - Sở dĩ tôi dùng hai chữ kỳ nhân, một cụm từ ghép Hán-Việt không cố định gồm hai từ có nghĩa độc lập, tức là người tài để nói về nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vì họa sĩ họ Bàng là người duy nhất vẽ tranh bằng 10 ngón tay trên mọi chất liệu, chứ không vẽ bằng cọ (bút vẽ) như hầu hết các họa sĩ ở nước ta và trên thế giới từ cổ chí kim. Cũng vì thế, tôi mạn phép vong linh cụ, đặt cho cụ biệt danh là kỳ nhân.
 
Triển lãm "Dấu ấn 2018" của gần 80 họa sĩ lão thành
Ở ngưỡng tuổi xế chiều, "mắt mờ, tay run" nhưng các nghệ sĩ vẫn say mê với nghệ thuật qua bút pháp thoải mái, phóng khoáng, tự tin.
 
Đấu giá tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm
Ngày 23-12, tại 17 Trần Quốc Toản (Hà Nội), nhà đấu giá Chọn sẽ tổ chức phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lần thứ 9.
 
Trưng bày tranh bản gốc của nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới
Triển lãm sẽ giới thiệu 217 tác phẩm của hơn 200 họa sĩ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...