Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gỡ vướng trong xây dựng doanh nghiệp chuẩn văn hóa

Cập nhật: 08:58 ngày 22/05/2018
(BGĐT) - Xây dựng doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa là một trong những nội dung trọng tâm mà Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) các cấp đang hướng tới. Tuy nhiên, giám sát của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy trong khi phong trào này được triển khai khá sâu rộng, đem lại những kết quả tích cực tại cộng đồng, khu dân cư thì ở các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lại khá trầm lắng.
{keywords}

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn.

DN không mặn mà

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 7 nghìn DN đăng ký hoạt động, song tại thời điểm cuối năm 2017 chỉ có 3,2 nghìn DN đang hoạt động. Trong số đó có khoảng 6% số DN sử dụng trên 100 lao động, 30% số DN sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động, còn lại chủ yếu là DN nhỏ lẻ, sử dụng dưới 10 lao động. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ sau 6 tháng đi vào hoạt động, DN có từ 5 đoàn viên công đoàn hoặc người lao động có đơn tự nguyện xin gia nhập tổ chức công đoàn thì phải thành lập công đoàn cơ sở, song đến nay trong số các DN đang hoạt động chỉ có 465 DN đã thành lập công đoàn cơ sở (chiếm 14,5%).

Theo quy định tại Thông tư số 08 ngày 24-9-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì chỉ các DN đã thành lập công đoàn cơ sở mới được đăng ký và được xét công nhận “DN đạt chuẩn văn hóa”. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, khích lệ phong trào cơ quan, đơn vị, DN đăng ký đạt chuẩn văn hóa, mặc dù Thông tư 08 quy định thời hạn công nhận cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa lần đầu là hai năm trở lên kể từ ngày đăng ký; công nhận lại sau 5 năm kể từ ngày công nhận lần trước, song Ban chỉ đạo (BCĐ) Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã quyết định “vượt rào” với quy định: Cơ quan, đơn vị, DN có hai năm liên tục đăng ký và đạt tiêu chuẩn được cấp giấy công nhận lần đầu; sau ba năm liên tục tiếp theo đăng ký và đạt tiêu chuẩn được cấp giấy công nhận lại.

Tuy đã khích lệ như vậy song thực tế hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa muốn thành lập tổ chức công đoàn và cũng chẳng mặn mà với việc đăng ký danh hiệu “DN đạt chuẩn văn hóa”, cho dù việc xét công nhận của các cơ quan chức năng trên thực tế có phần “châm chước" - như tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cho biết nhiều DN tại Khu công nghiệp tỉnh đăng ký đầu năm, hầu như cuối năm đều được công nhận. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh có 82,3% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; năm 2016 đạt 83,6%; năm 2017 tỷ lệ này là 85,4%. Trong số này chủ yếu là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, còn lại các DN đăng ký danh hiệu “DN văn hóa” chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp.

Những “rào cản” cần tháo gỡ

Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến DN không mặn mà với việc đăng ký “DN đạt chuẩn văn hóa”. Trước hết, DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là những DN vừa và nhỏ, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, năng lực đầu tư tài chính, sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm thấp. Trên thực tế, để tồn tại, không ít DN đã tìm cách “lách luật” như trốn thuế, nợ BHXH của người lao động. Vì vậy, để đạt được các tiêu chí theo quy định, nhất là đối với tiêu chí: "100% công nhân lao động được ký hợp đồng lao động, có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh hoạt đoàn thể…”, nhiều DN không có khả năng đáp ứng. Một số khác cũng không muốn thực hiện nghiêm các quy định này.

Qua khảo sát thực tế, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng thấy có một bất cập ngay từ quy định tại Thông tư 08, đó là chỉ những DN đã thành lập công đoàn mới được đăng ký đạt danh hiệu “DN đạt chuẩn văn hóa”. Chủ tịch công đoàn cơ sở là người xây dựng bản đăng ký DN đạt chuẩn văn hóa, chủ DN chỉ là người “ký xác nhận”. Trong khi trên thực tế hoạt động của DN, nhất là tại các DN tư nhân, chủ DN mới là người quyết định mọi hoạt động của DN. Đây cũng là lý do vì sao việc đăng ký xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa chưa được nhiều chủ DN quan tâm và việc thực hiện còn mang tính hình thức. Mặt khác, theo quy định tại Hướng dẫn số 892 ngày 1-9-2015 của BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, sau 9 năm liên tục trở lên được công nhận DN đạt chuẩn văn hóa (đã có ít nhất một lần được tặng giấy khen của chủ tịch UBND huyện) mới được xét để tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh khiến cho nhiều DN cho dù đã thành lập tổ chức công đoàn cũng chẳng hào hứng phấn đấu.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa, đó là hoạt động của BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp chưa được tiến hành thường xuyên và còn mang tính hình thức. “Kể cả hoạt động kiểm tra cũng còn mang tính hình thức” như lời “tự phê bình” của một cán bộ ngành là thành viên BCĐ cấp tỉnh.

Những bất cập nêu trên chính là những “rào cản” lý giải vì sao trên địa bàn tỉnh có ít DN đăng ký “DN đạt chuẩn văn hóa”. Thời gian qua nhiều vụ ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động xảy ra mà nguyên nhân ban đầu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật, ý thức ứng xử văn hóa của chủ DN hoặc người lao động.

Để văn hóa thực sự trở thành động lực thúc đẩy DN phát triển, trong khi chờ các bộ, ngành T.Ư sửa đổi, bổ sung những quy định về tiêu chí xét công nhận DN đạt chuẩn văn hóa, về thi đua khen thưởng phù hợp với thực tiễn, thiết nghĩ BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, chú trọng làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, công tác kiểm tra; có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành, các cấp. Đó cũng chính là mong ước của hàng vạn người lao động trên địa bàn tỉnh.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...