Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản “Dạ cổ hoài lang”

Cập nhật: 09:56 ngày 21/05/2018
(BGĐT) - Các bạn đồng nghiệp bảo: Đã đến Bạc Liêu, chớ bỏ qua Khu di tích Cao Văn Lầu. Chẳng xa xôi gì, ngay phường 2, TP Bạc Liêu, Khu di tích rộng gần ba hecta với 21 hạng mục công trình tiêu biểu của văn hóa Nam Bộ đã thực sự thu hút du khách khi đặt chân đến mảnh đất này.
{keywords}

Tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Bốn năm trước, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu cùng bà con cô bác trong vùng tụ hội tại đây đón bằng công nhận của UNESCO về đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể Ký ức của nhân loại. Nữ hướng dẫn viên (HDV) quê nhà tên Hiền giọng nhẹ như gió giới thiệu với du khách những giai thoại, những câu chuyện xoay quanh vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng này.

- Sao lấy mảnh đất này làm nơi lưu giữ đờn ca tài tử, trong khi nó là nghệ thuật đặc trưng không chỉ nổi tiếng Nam Bộ mà còn đại diện nhân loại?

- Đây là nơi ở của gia đình cụ Chín Giỏi, cha nhạc sĩ Cao Văn Lầu may mắn được người bạn để lại sau bao phen lận đận kiếm sống từ Long An vào sinh sống. Mộ vợ chồng nhạc sĩ và hai cụ thân sinh vẫn còn - cô HDV chỉ tay về phía những ngôi mộ trong tiếng nhạc cải lương bản “Dạ cổ hoài lang” do cố nhạc sĩ sáng tác hơn chín chục năm qua. Đây cũng chính là quê hương thầy Nhạc Khí, người dạy đàn cho Cao Văn Lầu thuở nhỏ, nơi dàn nhạc lễ của Sáu Lầu hoạt động nhiều năm. Chính đất này chứng kiến bao đau khổ của vợ chồng nhạc sĩ khi phải chia ly do cổ lệ khi họ cưới nhau sau ba năm chưa có con và cả sự đoàn tụ hạnh phúc khi sum họp gia đình. Như vậy, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892- 1976) sinh ở Long An nhưng sống chủ yếu ở Bạc Liêu mà phạm vi nghệ thuật ảnh hưởng rộng lớn không chỉ vùng Nam Bộ.

Trong khu di tích, khách lần lượt thăm gian trưng bày các hiện vật quý, những cây đàn, bộ trang phục biểu diễn của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Trung tâm phòng trưng bày, bên bức tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang ngồi chơi nhạc bài ca nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng).

{keywords}

Du khách nghe đờn ca tài tử.

Bài hát miêu tả tâm trạng người vợ mong ngóng chồng đang trên đường chinh chiến. Nhiều người liên tưởng đến việc bài hát này nói lên tâm trạng người yêu nước từ phong trào Cần Vương chống Pháp.

Thật trớ trêu, bởi hình ảnh nghệ thuật ước lệ người lính vung gươm kiếm ra sa trường vốn khá phổ biến trong nhiều tác phẩm của Lưu Hữu Phước, Văn Cao… như một biểu tượng nghệ thuật thời đầu thế kỷ XX của lớp trẻ nhiệt huyết muốn cứu nước. Bản thân nhạc sĩ nhiều lần bị Sở mật thám Pháp tra hỏi về bài “Dạ cổ hoài lang” vì cho rằng tác phẩm này kích động người dân chống chính quyền.

Cô HDV cho biết: Các nghiên cứu được chính quyền xác nhận thì Bạc Liêu vốn là cái nôi hoạt động cách mạng trước năm 1945, đến thời chống Mỹ, phong trào cách mạng cũng rất mạnh. Tuy vậy, nhiều chiến sĩ cách mạng là cán bộ Tỉnh ủy và Huyện ủy Giá Rai đã bị địch bắt và một số chuẩn bị chịu án tử hình. Trước tình hình quá nguy cấp, cách mạng đã liên hệ với nghệ sĩ Cao Văn Lầu và nhờ ông dùng tiếng đàn để giúp giải cứu các chiến sĩ cách mạng.

Để giúp giải cứu các chiến sĩ, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tổ chức buổi đờn ca tài tử ở gần trại giam (sau này có bản xác nhận của người chỉ huy). Đêm hôm đó, ông đã chơi những bản nhạc hay nhất với những nghệ thuật tinh túy nhất của âm nhạc dân gian Nam Bộ, trong đó có tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” do chính ông sáng tác, khiến những tên lính gác say sưa, không thể nào dứt được dòng thác âm thanh vô tận. Ông đã chơi nhạc trước mũi súng của kẻ thù, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Hai nhạc cụ chính mà ông trực tiếp sử dụng là đàn tranh và trống ta. Trong lúc ấy, đội cảm tử đã lọt vào trại giam và giải cứu được toàn bộ chiến sĩ cách mạng sắp phải chịu án tử hình. Sau đó, để tránh bị lộ, người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu bước vào cuộc đời ẩn dật nhiều năm trời.

“Dạ cổ hoài lang” sau bao dị khảo đã được giới nghiên cứu, sáng tác chỉnh sửa và trưng bày tại Di tích bằng chữ thư pháp với chẵn 20 câu. Tác phẩm được giới nghệ sĩ sân khấu qua các thế hệ coi là “bài ca vua” về cải lương - đờn ca tài tử cả về nhạc lý và ca từ, là “một báu vật của nền âm nhạc cải lương Nam Bộ” theo đệ trình lên UNESCO và đã được cả thế giới công nhận để gìn giữ cho mai sau.

Cảnh Mạnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...