Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nét đẹp Tết ông Công

Cập nhật: 09:20 ngày 06/02/2018
(BGĐT) - Đã thành thông lệ, vào 23 tháng Chạp hằng năm, đa số các gia đình người Việt đều làm mâm cơm cúng Tết ông Công. Đây không chỉ là dịp sửa sang ban thờ, nhà cửa mà nhiều gia đình còn tổ chức gặp gỡ, tổng kết thành quả một năm lao động.
{keywords}

Mâm cỗ Tết ông Công. Ảnh minh họa

Mấy ngày gần đây, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Long Vân, xã Phúc Sơn (Tân Yên) tất bật dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, nhất là ban thờ. Thăm anh vào ngày 19 tháng Chạp, thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, thúng gạo nếp đầy đặt góc nhà chuẩn bị cho ngày 21 gói bánh. Theo anh Tuấn, đã thành nếp, năm nào gia đình anh cũng cúng Tết ông Công. Những năm đầu mới ra ở riêng, cuộc sống khó khăn nên anh chỉ mua ít hoa quả và mũ áo, cá giấy làm đồ thờ cúng. Vài năm gần đây, điều kiện kinh tế khá lên, dịp Tết ông Công, gia đình anh chuẩn bị tươm tất hơn. Trong đồ thờ cúng, ngoài mâm ngũ quả với cam, quýt, chuối, bưởi, đu đủ (những loại hoa quả có sẵn ở địa phương) còn có mâm cơm với các món ăn truyền thống như gà, giò, chả nem, măng, miến..... và bánh chưng xanh. 

Cũng như anh Tuấn, gia đình ông Thân Văn Ba, cụm Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cũng rất chú ý đến Tết ông Công. Năm nay, ở tuổi 81 tuổi, ông vẫn tự tay lau ban thờ, chuẩn bị cho lễ cúng ông Công. Việc tổ chức Tết ông Công của gia đình đã diễn ra từ lâu, đời này truyền sang đời khác. Ông tiếp nhận việc này từ cha mình. Giờ ông lại truyền cho các con, cháu. Vì đây là ngày sát gần với Tết cổ truyền nên ngoài những vật dụng cần thiết như mâm ngũ quả, các món ăn truyền thống, trang phục các táo... gia đình còn sắm đủ đào, quất. Mới đến ngày 18 tháng Chạp nhưng gia đình ông đã mua cành đào to dựng ở góc nhà chuẩn bị đón Tết.

Theo nhiều cán bộ làm công tác văn hóa trong tỉnh, trước đây chỉ những người dân tộc Kinh thực hiện nghi lễ cúng vào dịp Tết ông Công, còn đồng bào dân tộc thiểu số không tổ chức. Tuy nhiên vài năm gần đây, nét đẹp văn hóa này đã lan rộng, khá đông gia đình dân tộc thiểu số cũng làm Tết vào ngày 23 tháng Chạp. 

Việc làm đó mang nhiều ý nghĩa. Ngoài báo hiếu tổ tiên, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhiều thế hệ, đây còn là dịp nhiều cá nhân, gia đình, dòng họ đánh giá kết quả một năm nỗ lực, phấn đấu lao động, học tập. Rút ra những điểm mạnh, yếu để từ đó có mục tiêu, phương hướng cho năm tới đạt kết quả tốt hơn.

Theo ông Ngô Sỹ Lực, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Yên, trong tâm thức của nhiều người Việt, Tết ông Công chính là một trong những ngày Tết truyền thống và tổ chức để thờ các vị thần cai quản việc bếp núc, những vị thần có quyền định đoạt phúc đức cho gia đình. Vì thế nên ngày càng được nhiều người quan tâm.

Mâm cúng tùy mỗi nơi và gia đình song không thể thiếu là cá và muối. Theo quan niệm, cá là phương tiện để các thần cưỡi đi "chầu", còn muối thể hiện sự đậm đà trong hạnh phúc lứa đôi. Tết ông Công không chỉ nhắc mỗi người về đạo lý, nhân sinh, sống có nghĩa tình, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Cũng từ thực tế nhiều năm gần đây cho thấy, một số gia đình đã lạm dụng ngày Tết này đốt nhiều vàng mã, dùng túi nilon đựng cá sau đó vứt bừa tại các hồ ao, sông, ngòi làm ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan. Rất mong những điều không hay, không đẹp trên sẽ không còn diễn ra trong Tết này và những năm tiếp theo.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...