Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

4 vị đại khoa Bắc Giang năm Mậu Tuất

Cập nhật: 07:00 ngày 17/02/2018
(BGĐT) - Tại khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính triều Mạc (1538) cả nước có 36 người được lấy đỗ thì Bắc Giang có tới 4 vị cùng đỗ đại khoa.
{keywords}

Nghè Dĩnh Kế - Nơi thờ Trạng nguyên Giáp Hải.

Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586)

Tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai-người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang). Giáp Hải thuở nhỏ nhà nghèo nhưng học giỏi, năm 31 tuổi thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9 đời Mạc Đăng Doanh. Năm 1540, Mạc Phúc Hải kế ngôi, vì kiêng huý nên ông đổi tên thành Giáp Trưng. Ông được xem là vị Trạng nguyên đa tài, từng trải qua các chức tước lớn trong triều như: Đông các đại học sĩ, Tri Kinh diên sự, Tuyên phủ đồng tri, Thượng thư Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), tước Kế Khê bá, Thiếu bảo Luân Quận công, Thái bảo Sách quốc công và từng nhiều lần được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

Với tài năng trác việt cùng sự ứng đối sắc sảo, Trạng nguyên Giáp Hải đã khiến cho triều đình phong kiến phương Bắc và sứ thần các nước lân bang phải nể phục, giúp cho vị thế của nước Đại Việt được tôn trọng. Năm 1585, ông về trí sĩ, được vua ban cho lá cờ thêu đôi câu đối: “Trạng đầu, Tể tướng, đẩu Nam tuấn/Quốc lão, Đế sư, thiên hạ tôn” (Nghĩa là: Trạng nguyên, quan Tể tướng như sao Bắc Đẩu trời Nam sừng sững/Bậc Quốc lão, thầy dạy vua được thiên hạ tôn vinh). Ông mất năm Bính Tuất (1586), đời Mạc Mậu Hợp, thọ 80 tuổi và được thờ ở nghè Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).

Thám hoa Hoàng Sầm

Người xã Thù Sơn, tổng Quế Trạo, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa). Ông sinh năm Nhâm Thân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1512) đời vua Lê Tương Dực. Hoàng Sầm là một danh nhân khoa bảng dị tài trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Khi đã hơn 20 tuổi vẫn là kẻ mù chữ nhưng vì yêu tiểu thư con quan (về sau tiểu thư này trở thành vợ ông) nên quyết chí học hành, miệt mài đèn sách. Năm 27 tuổi thi đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa) khoa thi Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang; tước Hoành Phúc bá, sau được tặng Hoành Phúc hầu.

Hoàng giáp Nguyễn Đình Tấn

Thông tin ghi chép về ông khá ít. Theo Địa chí Bắc Giang từ điển cho biết: Nguyễn Đình Tấn người xã Mục Sơn, tổng Mục Sơn, huyện Yên Thế (nay là xóm Tây, làng Giã, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên). Năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan trong triều đến chức Thượng thư, kiêm Đô ngự sử; tước hầu. Sau ông về trí sĩ ở quê nhà làng Giã và mất ở đó. Người dân trong làng lập điếm Quan và ao Quan ở xóm Tây để thờ phụng và tưởng nhớ ông.

Tiến sĩ Ngô Trang

Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục (tr.103b, trích theo "Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh"): "Ngô Trang là người xã Ninh Định, huyện Hợp Hoà, nay là thôn Ninh Định, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Xuất thân Giám sinh, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 7) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời Mạc Đăng Doanh (1538). Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ".

Theo gia phả họ Ngô (ở Hiệp Hòa) trước đây ghi chép lại thì từ khi vinh quy về làng, ông không còn có dịp nào quay trở lại quê hương nữa. Ông theo phò nhà Mạc, sau này loạn lạc mất tích không rõ mất năm nào, mộ táng tại đâu.

Trên đây là 4 vị trong số những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của kẻ sĩ đất Bắc. Với thành tích học tập cùng kết quả đạt được trong các kỳ thi, họ đều được triều đình trọng dụng, có điều kiện cống hiến tài năng và tâm huyết của mình cho quê hương, đất nước.

Bảo Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...