Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Độc đáo lễ cầu mùa của người Dao

Cập nhật: 07:00 ngày 03/02/2018
(BGĐT) - Người dân tộc Dao cư trú chủ yếu trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Trong quá trình sinh sống, đồng bào vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của dân tộc mình. Một trong số đó là lễ chầu nhẩn (lễ cầu mùa) diễn ra vào dịp đầu xuân.
{keywords}

Quang cảnh buổi lễ cầu mùa.

Lễ cầu mùa được tổ chức khoảng từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch, thường được tổ chức ba năm một lần với đại lễ và một năm một lần với tiểu lễ. Địa điểm mở hội là ở miếu thờ Thổ công của bản. Trước ngày hội, mọi người trong bản tu sửa, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, miếu thờ. Lễ vật cúng tế do các gia đình đóng góp, mỗi hộ gồm một con gà, một chai rượu, một bát gạo và 100 nghìn đồng. Trưởng bản và già bản là người có trách nhiệm chính lo liệu mọi công việc khi lễ hội diễn ra.

Tại buổi lễ, già bản mời ba thầy cúng, mỗi người có một nhiệm vụ riêng. Một thầy cúng gọi Ngọc Hoàng, một thầy gọi Thổ công để chứng giám, thầy còn lại làm nhiệm vụ nhảy múa. Dụng cụ khi thực hiện nghi lễ có dao, búa, cuốc… đều làm bằng gỗ. Nội dung bài văn cúng trong lễ hội là cầu xin Ngọc Hoàng, Thổ công của làng giúp cho dân bản một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Trong tiết trời xuân, giữa không gian bình lặng của núi rừng, lời ca Páo dung ngọt ngào tha thiết bay bổng, hòa quyện cùng tiếng kèn, tiếng sáo và những âm thanh rộn rã của buổi lễ tạo cho lễ cầu mùa của người Dao trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Đó chính là những giá trị văn hóa đặc sắc được kết tinh trong đời sống tinh thần.

Trong lễ cầu mùa, thầy cúng dùng lối hát nghi lễ (Páo dung) - một trong những làn điệu dân ca của người dân tộc Dao để điều hành. Bằng những lời cung kính, trang nghiêm, thầy cúng thay mặt người dân trong bản gửi lời cầu nguyện của con cháu đến tổ tiên và các vị thánh thần. Lễ cúng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội. Trong buổi lễ, thầy cúng đọc truyện “Bàn Hồ”- một truyện thơ dân gian của người Dao kể về nguồn gốc của họ cho mọi người dự hội cùng nghe để ai ai cũng nhớ về nguồn cội… Theo phong tục, trong khi các thầy cúng làm việc thì mọi người ăn chay để tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc thánh thần; chỉ khi xong các thủ tục cúng lễ mới được ăn mặn. Hành lễ xong, tất cả các gia đình cùng hạ lễ để cả bản chung vui ăn cỗ, hát những bài chúc mừng năm mới, chúc bốn mùa…

Đặc biệt, lễ cầu mùa còn có hát đố. Thanh niên nam nữ dân tộc Dao đến dự hội và hát những câu hát đố về một sự vật hay hiện tượng bất kỳ trong cuộc sống hàng ngày. Họ đố nhau về thời tiết, các con vật, các loại hoa, các mùa trong năm... Trong hát đố, trí thông minh, sự đúc kết kinh nghiệm của con người được thể hiện rất rõ. Lời hát ngắn gọn, súc tích, đòi hỏi bạn hát phải nhanh nhạy và có sự hiểu biết mới ứng đối kịp thời. Lễ cầu mùa của người Dao còn có múa cầu mùa. Địa điểm múa diễn ra ở một bãi đất rộng. Nhóm múa gồm 8 nam, 8 nữ, múa theo vòng tròn. Nam cầm gậy dài, nữ cầm giỏ đựng hạt giống, vừa múa vừa làm động tác gieo hạt, miêu tả hạt nảy bông sai trái.

Trong tiết trời xuân, giữa không gian bình lặng của núi rừng, lời ca Páo dung ngọt ngào tha thiết bay bổng, hòa quyện cùng tiếng kèn, tiếng sáo và những âm thanh rộn rã của buổi lễ tạo cho lễ cầu mùa của người Dao trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Đó chính là những giá trị văn hóa đặc sắc được kết tinh trong đời sống tinh thần. Với lễ cầu mùa, đồng bào đã thể hiện rất rõ tính giáo dục, sự kế thừa tinh hoa văn hóa truyền thống và ý thức cao về cội nguồn dân tộc.

Thu Hường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...