Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đào xuân sức sống huyền diệu

Cập nhật: 09:01 ngày 01/02/2018
(BGĐT) - Rét đông tê tái, đào vẫn trổ bông, rạng hồng cả một góc trời. Từ vạt đất khô xác, thân đào xù xì như chồi lên, trỗi dậy chống chọi với gió lạnh. Nhìn hoa đào thấy mùa xuân. Đào xuân không chỉ là sứ giả, người báo tin mùa xuân với bao điều tốt lành mà còn ẩn chứa, kết đọng bí mật về sự sống muôn đời.
{keywords}

Xuân sớm.  Ảnh: Nguyễn Hữu Thông.

Đào xuân trong tôi - một người con của xứ Bắc là phần đời sống, là bầu trời an bình, đằm thắm mà ngời ngời vẻ đẹp sáng tươi. Cha tôi có thú chơi đào xuân. Tết nào trước 3-5 ngày, ông cũng tìm mua cành đào ưng ý. Khi cha đốt gốc để hãm hoa, bọn trẻ chúng tôi ngồi vây quanh ngắm nghía. Ông giảng giải: Đào xuân đẹp phải là cành có gốc xù xì, thậm chí nứt nẻ, gồ lên, sẫm màu; cành mềm mại, thướt tha như thiếu nữ xinh đẹp mà vẫn mạnh mẽ như rồng bay, tụ giáng; nhánh vươn xa, trùm lấy tán, còn dăm ngắn, mập mới cho nhiều hoa và hoa đẹp; hoa, nụ và búp lộc phải cân đối... Và điều quan trọng là cành đào đó phải hàm ẩn một ý nghĩa!

Lời cha đã gieo vào lòng thơ non của tôi một câu hỏi về “sự hàm ẩn”, về “bí mật” của đào xuân. Ngoài cành đào ra, cha bao giờ cũng mua một bó huệ trắng muốt bày cùng trên bàn thờ. Đêm ba mươi với trí tò mò của con trẻ, hai tay cung kính chắp lại, tôi đứng ngước mắt nhìn bàn thờ gia tiên. Mùi nhang trầm cùng hương hoa huệ thanh khiết ngất ngây làm cho cành đào thêm mờ ảo, kỳ bí. Dáng đào thanh cao, hoa rộ nở mà cánh hồng mong manh vẫn e ấp, rụt rè. Mảng trời đen tối mịt mùng cùng giá lạnh của đêm cuối năm như bị xua đi khi chạm vào những cánh hoa. Sau này, tôi mới hiểu vì sao hoa đào xuân được người Việt coi là biểu tượng diệt trừ ma quỷ, xui xẻo. 

Cành đào xuân đẹp, mang ý nghĩa phải có gốc cằn cỗi, xù xì, xám nứt nẻ, thậm chí mốc meo… Dáng, thế đào xuân mà ông cha truyền cho đó không chỉ thể hiện quan hệ giữa hoa đào - mùa xuân - ngày Tết và con người, là mối tương hợp, hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân mà chính yếu, độc tôn phải là biểu tượng ngời sáng về sự xả thân, hy sinh của thế hệ đi trước - tổ tiên, ông bà, cha mẹ cho thế hệ sau tiếp nối!

Đêm đó tôi mang theo hình ảnh về vẻ đẹp cao quý của hoa đào vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy một cô gái xinh đẹp bé tẹo trốn trong nụ hoa đào còn e ấp. Rồi nàng bước ra như người thật, cầm tay tôi. Bàn tay nàng trắng muốt, mềm như tơ. Người bỗng nhẹ lâng, tôi và nàng bay vút lên tới một nơi sáng rỡ, nhà cửa, cây cối,… như bằng vàng bạc, châu ngọc. Choàng tỉnh, tôi ngỡ ngàng nhìn lên bàn thờ, vẫn cành đào tươi hồng, mùi hương trầm và hoa huệ thoáng bay! Tôi đem giấc mơ này kể cho mẹ. Mẹ bảo: “Cũng lạ! Con còn bé mà có được cảm nhận như người xưa?”. Rồi mẹ kể mối tình tài tử giai nhân giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Kim Trọng mắc tang gia đi xa, còn Thúy Kiều phải bán mình để chuộc cha. Khi trở lại vườn xưa, nơi hai người nguyện ước, Kim Trọng ở vào cảnh ngộ:

“Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”

Hình tượng lãng mạn, gợi một khung trời nhớ mong tha thiết về khoảng trống vắng, sự hẫng hụt không thể bù đắp, về vẻ đẹp mơn mởn đào xuân của người con gái năm xưa. Cảnh ly biệt đớn đau đẫm nước mắt mà vẫn đẹp như mơ! Kể xong, mẹ ôm tôi, hai bàn tay sần chai, thô nháp của mẹ nắm lấy hai tay bé bỏng của tôi. Sau này, cứ nhìn đào xuân, tôi lại nhớ về, lại như thêm một lần được sống giữa lòng mẹ, giữa sự ấm áp, che chở khiến tôi vững tâm giữa đêm tối mịt mùng và gió rét. 

Lớn lên, tôi được đọc truyện, xem phim Tây Du Ký, biết tới quả đào tiên ba nghìn năm mới kết trái, ai được ăn sẽ trường sinh bất tử. Và cùng hình tượng ông Thọ, một trong Tam Đa đẹp như tiên tay cầm quả đào trường thọ, đã bao năm âm thầm ám ảnh tâm trí tôi. Đến nay cây đào tiên đó ở đâu và ai là người thật đã được ăn? Tôi tự cười mình. Nếu thông tin về quả đào trường thọ đó biết rồi thì ai còn ước, còn tìm nữa. Tục ngưỡng vọng, thú chơi đào xuân của tổ tiên người Việt mình truyền đến nay bao nghìn năm, nên chiều sâu ý nghĩa cũng hàm ẩn, kết đọng theo chiều dài năm tháng đó!

Làn sóng chơi cây cảnh từ nước ngoài, nhất là cây cảnh nghệ thuật Bonsai du nhập vào Việt Nam. Dựa vào ý nghĩa cao quý, tốt đẹp của các khái niệm: Phụ tử - cha con, mẫu tử - mẹ con, phu thê - vợ chồng, huynh đệ - anh em, phúc lộc thọ, tứ linh - long, ly, quy, phượng, tứ quý - tùng, cúc, trúc, mai… người ta tạo ra và tôn vinh vô vàn dáng, thế cây, cành đào xuân. Riêng mình, tôi vẫn giữ nếp, quan niệm về đào xuân mà ông cha truyền cho. Cành đào xuân đẹp, mang ý nghĩa phải có gốc cằn cỗi, xù xì, xám nứt nẻ, thậm chí mốc meo… Từ gốc cỗi cằn khó nhọc đó cành vươn lên, rồi nụ, hoa tươi hồng, búp tơ xanh non bừng nở giữa không gian cao rộng của trời đất mà phát triển, phồn vinh. Dáng, thế đào xuân mà ông cha truyền cho đó không chỉ thể hiện quan hệ giữa hoa đào - mùa xuân - ngày Tết và con người, là mối tương hợp, hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân mà chính yếu, độc tôn phải là biểu tượng ngời sáng về sự xả thân, hy sinh của thế hệ đi trước - tổ tiên, ông bà, cha mẹ cho thế hệ sau tiếp nối!

Mãi khi đã vượt qua cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi đi dạo chơi chợ đào ngày Tết trải cả cây số dọc suốt đường Xương Giang. Chợ đông vui, náo nhiệt như một ngày hội lớn. Tôi bắt gặp cảnh tượng hiếm như trong một câu chuyện cổ tích: Ba ông cháu thả bộ theo sau một cành đào to, cực đẹp đặt trên một xích lô kéo. Cành đào tâm đắc đó chắc vừa chọn mua được, nên thấy họ vui vẻ, hớn hở lắm. Người ông quắc thước, mặt hồng hào, râu tóc dài, trắng phau gợi về một trong ba vị Tam Đa. Còn hai cháu gương mặt đều tươi đẹp như hoa. Riêng cậu bé trai hăm hở vác trên vai cành đào be bé, chân nhún nhảy như sáo, miệng hát mà như reo bài đồng dao: “Cây đào xuân, ông là gốc, mẹ là cành, cha cũng là cành. Chị và con là nụ, là hoa, là búp. Nụ, hoa, búp là mùa xuân. Mùa xuân trải mãi, trải dài, vui ơi là vui!”. Giọng cậu bé hồn nhiên, trong sáng ngân nga. Cả chợ dồn mắt ngạc nhiên. 

Trở về nhà, hình ảnh ba ông cháu cùng tiếng đồng dao trong trẻo của cậu bé như reo giữa chợ đào xuân náo nức cứ đọng mãi trong tôi. Và tôi bật nhận ra ý nghĩa sâu xa còn ẩn chứa của cành đào xuân: Sự sống là tự nhiên, là tiếp nối, là tích tụ, gắn kết, phát triển trong hôm qua và hôm nay. Có Đông mới có Xuân, và có Xuân mới có Hè…Tất cả, chỉ là Một. Cái Một không ngừng đó chỉ là Tự Nhiên. Chính Tự Nhiên là sự sống vĩnh hằng. Bí mật của bất tử, huyền bí của trường thọ sẵn ở Tự Nhiên. Vậy thì muốn hạnh phúc, trường tồn, vinh, hoa, phú, quý và cùng bao tốt đẹp gì nữa phải sống đúng Tự Nhiên, phải bắt chước mẹ Tự Nhiên nơi cành đào xuân! 

Xin ngưỡng vọng trước mùa xuân, trước đào xuân lộng lẫy sắc xuân, sắc màu, hình thế của sự sống huyền diệu!

Vũ Huy Ba

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...