Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang

Cập nhật: 15:48 ngày 30/11/2017
(BGĐT) - Ngày 30- 11, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bảo tàng Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo với chủ đề: “Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu- Quốc Tử Giám”.

{keywords}

Các đại biểu dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý văn hóa, giáo dục, nhà nghiên cứu; đại diện Hội Các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội; đại diện một số dòng họ hiếu học tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham gia. 

Hơn 20 tham luận tại hội thảo tập trung làm nổi bật truyền thống hiếu học của tỉnh, công lao, đóng góp của các nhà khoa bảng Bắc Giang đối với quê hương, đất nước trên nhiều phương diện: Chính trị, văn hoá, ngoại giao, quân sự, giáo dục. Trong thời phong kiến, Bắc Giang có 58 người đỗ đại khoa (các kỳ thi Hội, thi Đình) gồm: 4 người đỗ Đình nguyên, 2 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 3 Thám hoa, còn lại đỗ Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp Tiến sĩ. Trong đó 19 người được khắc tên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Họ là tấm gương sáng cho truyền thống hiếu học. Đặc biệt, tỉnh có 15 người được cử làm Thượng thư, tiêu biểu như Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng khắc trên văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp…”.

Một số ý kiến đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống khoa bảng của tỉnh như: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, đa dạng hóa các hoạt động tại những di tích về nho học trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút công chúng tìm hiểu, nghiên cứu, tạo động lực thúc đẩy tinh thần hiếu học. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống nho học, khoa bảng của tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các dòng họ, địa phương chăm lo xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, nhất là ở các gia đình, dòng họ, khu dân cư. Định kỳ hằng năm các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng kịp thời học sinh đạt giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó tại vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Hoạt động này nhằm tôn vinh các danh nhân khoa bảng Bắc Giang nói chung, danh nhân khoa bảng được ghi danh tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám nói riêng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Đồng thời cung cấp thêm thông tin sử liệu về thân thế, sự nghiệp các danh nhân khoa bảng được ghi dấu trên những tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...