Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sân khấu nghệ thuật không chuyên: Ánh đèn dần mờ nhạt?

Cập nhật: 14:55 ngày 17/10/2017
(BGĐT) - Sân khấu nghệ thuật không chuyên Bắc Giang từng lan tỏa rộng khắp với các đội nghệ thuật tham gia biểu diễn ở trong, ngoài tỉnh. Nhìn lại hoạt động này, ngành chuyên môn nhận định đang có sự chững lại, chất lượng phong trào nhiều nơi đi xuống.

{keywords}

Cảnh diễn trong vở "Trọn nghĩa vẹn tình" của CLB Chèo huyện Yên Dũng.

Ít đổi mới, sáng tạo

Nghệ thuật không chuyên có vai trò cổ vũ, tuyên truyền nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Bắc Giang chủ yếu phát triển loại hình kịch nói và chèo, số ít theo tuồng, cải lương nhưng nay không còn. Các đội chèo hoạt động trầm lắng, không duy trì thường xuyên tại cơ sở mà chỉ khi có hội diễn, liên hoan, đơn cử như các đội chèo: Hoàng Mai (Việt Yên), làng Hạ (Tân Yên), Phương Sơn, Đồng Cống (Lục Nam), Phượng Sơn (Lục Ngạn), Tư Mại (Yên Dũng), Cầu Rô (Hiệp Hòa), Đồng Quan (TP Bắc Giang)... Các đội kịch đã xóa sổ hết, lúc có kế hoạch hội diễn mới luyện tập. 

Chứng kiến từ đầu đến cuối hội diễn sân khấu nghệ thuật không chuyên diễn ra tháng 9 vừa qua, nhà viết kịch Trần Minh cho rằng các đội thiếu những vở diễn, trích đoạn mới, chưa gây được xúc động với công chúng. Nhiều cốt truyện còn đơn giản, kịch bản sơ sài, nội dung hời hợt, dàn trải khiến chủ đề bị loãng; có sự nhầm lẫn giữa sân khấu không chuyên với tuyên truyền lưu động. Trong khi kịch sân khấu hay chèo cần tối thiểu 25 phút trở lên nhưng nhiều đội chỉ dựng vở khoảng 10 phút. Đơn cử như vở diễn "Ngôi mộ còn lại" của xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang không có bàn tay đạo diễn, kịch bản được chắp ghép từ hội thi dân vận và mới dừng lại ở mức kịch tuyên truyền, hỏi đáp, chưa có hình tượng nhân vật sân khấu. Một số vở thiếu đầu tư, tìm tòi, đổi mới và sự sáng tạo nghệ thuật, không có cao trào, quá trình diễn biến tâm lý nhân vật. Có vở không rõ mảng miếng, không thắt nút, mở nút, thiếu tính xung đột. Trang trí sân khấu mang nặng tính tả thực hơn tả ý, tính cách nhân vật mờ nhạt, giải quyết mâu thuẫn chưa thuyết phục người xem. 

Đáng nói là có những vở diễn tuy đoạt giải cao nhưng đã được diễn nhiều lần, ít đổi mới, sáng tạo. Là một trong 5 đơn vị giành giải A tại hội diễn, đội nghệ thuật thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) vốn có "tiếng" từ lâu song lần này người hâm mộ đã thất vọng khi vẫn “bê” nguyên vở diễn "Chuyện gốc cây dừa"- tác phẩm từng đoạt giải A tại hội diễn năm 2013 tham gia. Vở diễn này cũng được không ít CLB trong tỉnh dàn dựng công diễn rộng rãi nhiều năm qua. Anh Đỗ Xuân Luật, Chủ nhiệm CLB Chèo Hoàng Mai cho biết: Do không có kinh phí và kịch bản mới, đã lâu CLB chưa dàn dựng thêm vở mà phần lớn chỉ múa hát các làn điệu chèo hoặc diễn lại các tích chèo truyền thống. CLB chỉ còn vài người tuổi cao có khả năng diễn xuất, lớp trẻ ngày càng ít người tham gia.

Thiếu kịch bản hay

{keywords}

"Bắc Giang đang cạn dần các đạo diễn, nhà viết kịch nghiệp dư. Tác giả chuyên nghiệp chỉ còn vài người hầu hết trên 70 tuổi như: Hồng Việt, Trần Minh, Huy Cờ, trong khi đó lớp trẻ càng hiếm. Đó là một trong những yếu tố làm thui chột sự phát triển của nghệ thuật không chuyên tại các địa phương". 


Ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. 

Tấm màn Hội diễn sân khấu nghệ thuật không chuyên năm nay đã khép lại nhưng đọng lại trong giới chuyên môn và người hâm mộ bao trăn trở. Ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: Thực tế nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa nghệ thuật không chuyên tại cơ sở vẫn còn nhưng do các hạt nhân văn nghệ quần chúng thiếu vắng dần và phong trào đi xuống. Các đội nghệ thuật thường chỉ dừng lại ở giao lưu tiểu phẩm ngắn, ít còn khả năng dàn dựng vở diễn đúng nghĩa (vở dài) có cảnh trí, âm nhạc, đạo diễn, biên đạo. Thậm chí có nơi đội nghệ thuật cả năm không diễn buổi nào. Nguyên nhân không phải diễn viên, nhạc công không chuyên kém, thậm chí một số cá nhân diễn ngang ngửa với diễn viên chuyên nghiệp song do thiếu kịch bản hay, đạo diễn không “có nghề” nên chưa tạo được sức sống. Với hy vọng sẽ tạo ra những nét mới, ở hội diễn năm nay, Ban tổ chức yêu cầu các đơn vị không diễn lại các vở đã quá quen thuộc song những gì thể hiện trên sân khấu chưa thực sự thuyết phục khán giả. 

Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp, ở đó hàm chứa cả văn học, âm nhạc, hội họa, múa, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời mang những nội dung phong phú hàm chứa ý nghĩa triết học, mỹ thuật, sử học, dân tộc học, chính trị, đạo đức, tôn giáo, nếu không có kinh nghiệm người viết kịch rất khó thành công. Trước đây việc tổ chức hội thi, hội diễn của các cấp khá thường xuyên thì nay thưa dần, cấp tỉnh 4 năm mới tổ chức một hội diễn, cấp huyện hầu như không còn tổ chức. Hằng năm Nhà hát Chèo tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh có mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sân khấu cho hạt nhân văn nghệ tại cơ sở song hầu hết là truyền dạy múa, hát hoặc trích đoạn ngắn, ít có điều kiện hướng dẫn dựng vở chèo, kịch dài. 

Để sân khấu nghệ thuật không chuyên lấy lại vị thế tích cực trong đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp nhiều hơn vào quá trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, giải pháp được đề ra là cần phát động các cuộc thi sáng tác kịch sân khấu cho lực lượng không chuyên, trong đó bồi dưỡng, khuyến khích các nhà viết kịch trẻ tham gia. Qua đó tuyển chọn, phổ biến rộng rãi các tác phẩm hay về cơ sở. Hằng năm trung tâm văn hóa - thể thao các huyện cần tổ chức tập huấn các lớp đạo diễn, biên kịch và tạo thêm nhiều sân chơi, hội diễn cho các đội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.      

                                                       Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...