Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Văn hóa
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Ruộng bậc thang: Kiệt tác của những "họa sĩ chân đất"

Cập nhật: 09:45 ngày 23/07/2017
Với phong cảnh đẹp, độc đáo, ruộng bậc thang của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam là điểm chụp ảnh hấp dẫn bậc nhất ở Việt Nam. Không ai khác, người Mông, Giáy, Dao, Tày, Hà Nhì… chính là những “họa sĩ chân đất” tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này.
{keywords}

Với phong cảnh đẹp, độc đáo, ruộng bậc thang của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam còn là điểm chụp ảnh hấp dẫn ở Việt Nam.

1. Một cuộc khảo sát của cổng thông tin du lịch Touropia đã công bố, ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 11 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Top 11 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới theo khảo sát này gồm các ruộng bậc thang ở Sa Pa (Việt Nam), Douro (Bồ Đào Nha), Bali (Indonesia), Choquequyrao, Pi sác, Salinas de Maras, Ma chu Pich chu, Ollantaytambo (Peru), Long ji, Hani (Trung Quốc), Banaue (Philippines).

Cách đây ít lâu, vào năm 2009, tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) cũng đã từng bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới. Danh sách này do chính bạn đọc của tạp chí bình chọn. 

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, người ta khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ở Việt Nam, lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người Mông, Dao, La Chí, Nùng... cách đây khoảng 4 thế kỷ, trên các địa danh Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì và Sa Pa. Đây là những nơi có độ cao từ 1.000-1.600 m so với mực nước biển. 

Đối với bà con các dân tộc vùng cao Việt Nam, ruộng bậc thang là một sáng tạo thể hiện sự bền bỉ, khéo léo của nhiều thế hệ. Không phải quả núi nào cũng có thể khai khẩn để làm ruộng bậc thang. Những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước truyền lại được bà con ở Mù Cang Chải kể lại, chỉ những quả núi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá mới có thể làm ruộng bậc thang.

Công việc khai khẩn ruộng bậc thang thường được tiến hành vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, để đến tháng 4, 5 là có thể kịp lấy nước phục vụ canh tác. Một trong những công đoạn khó khăn nhất trong quy trình khai khẩn ruộng bậc thang là san mặt bằng ruộng và làm bờ ruộng, vì nó liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. 

Những thửa ruộng bậc thang dù to hay nhỏ đều được “chạm khắc” trông thật thuận mắt và dễ canh tác. Trong đó có những cánh đồng bậc thang rộng hàng trăm héc ta ở Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn… (Sa Pa-Lào Cai), Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn (Mù Cang Chải-Yên Bái) giống như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại mà các “họa sĩ chân đất” vẽ nên.

2. Còn nhớ, cuối tháng 9 năm ngoái, UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả do Bộ VH,TT&DL trao tặng. Ruộng bậc thang Thề Pả là hệ thống ruộng bậc thang trải dài trong thung lũng Thề Pả với hàng trăm thửa ruộng bậc thang trải dài hơn 5 km thuộc 2 xã Ý Tý và Ngải Thầu, với tổng diện tích 223 ha, chủ yếu là người Mông và người Hà Nhì trồng lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang này.

Theo thống kê, đến nay Bộ VH,TT&DL đã công nhận ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai), ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) và ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái) là Di tích Quốc gia… Cụ thể, Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Sa Pa nằm ở thung lũng Mường Hoa, cách thị trấn Sa Pa gần 10 km về phía Tây Nam. Quần thể ruộng bậc thang này rộng 935,4 ha, thuộc địa bàn các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào huyện Sa Pa. Còn ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (rộng khoảng 765 ha) nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành cách đây hàng trăm năm bởi sức lao động của cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng.Trong khi đó, hệ thống ruộng bậc thang đầu tiên ở Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia đó là ruộng bậc thang ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, rộng gần 2.200 ha.

Thông qua việc công nhận những khu vực ruộng bậc thang kỳ vĩ trở thành Di tích quốc gia đã cho thấy sự ghi nhận của Nhà nước đối với công sức của bà con trong việc không chỉ tạo ra nguồn lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn…) mà còn tạo ra những vẻ đẹp cuộc sống. Nhiều chuyên gia đã đánh giá, đây là đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh từ văn hóa và lao động của bà con các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi đang có tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới có tình trạng di tích ruộng bậc thang bị xâm phạm đất đai để xây dựng trái phép công trình làm nhà ở, cửa hàng dịch vụ, du lịch... Đơn cử như ở Sa Pa, việc lấn chiếm này đã làm phá vỡ cảnh quan du lịch sinh thái tuyệt đẹp của danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa. Do đó, tháng 5 vừa qua, tỉnh Lào Cai đã lập đoàn thanh tra để kiểm tra những vi phạm Di tích ruộng bậc thang Sa Pa. Đây là việc làm cần thiết để những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, thể hiện sự sáng tạo độc đáo của các tộc người trên non cao được bảo vệ, mãi là những di sản văn hóa giá trị của vùng Tây Bắc. 

Theo Cao Minh Anh/ĐĐK



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...