Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Niềm vui giản dị

Cập nhật: 18:18 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Cầm mấy bài thơ mới của ông, tôi ngạc nhiên: "Vậy bác vẫn làm thơ đều đều?" Ông Huyến khẽ cười: "Thơ là niềm vui của tôi. Bỏ sao được". Đúng là với ông Lê Trạch Huyến (bút danh Bắc Thanh) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), thơ ngoài ý nghĩa xã hội còn là niềm vui riêng mình.
{keywords}

Ông Lê Trạch Huyến trong một cuộc giao lưu thơ.

Tôi biết ông có thơ trên bản tin Ngân hàng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi còn là cán bộ ngành ngân hàng, ông đã xuất bản mấy tập sách văn, thơ về ngành mình. Trong hàng ngũ lãnh đạo Ty, (nay gọi là Sở) tỉnh Hà Bắc trước đây, ông ở số ít người yêu văn chương chữ nghĩa, chú trọng tuyên truyền qua sách báo. Hỏi ra mới biết, ông làm thơ lục bát từ thuở còn học lớp 5 trường làng ở quê nhà - xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). 

Công tác tại Bắc Giang từ năm 1962, ông càng hay làm thơ, đặc biệt từ khi về hưu (1994), ông sáng tác rất nhiều. Dường như bất cứ sự việc, sự kiện trong xã hội nào cũng bật lên trong ông ý tưởng giãi bày để thành thơ, kể cả những năm vất vả, nguy hiểm khi sang Campuchia giúp nước bạn (1980- 1984). 

Thơ ông mộc mạc, giản dị bộc lộ nỗi niềm suy tư của cảnh mình, cảnh đời. Nó lại như nhật ký đời mình lại như cuộc trò chuyện bằng thơ về thời thế. Đúng như ông bày tỏ: Tôi ghi nhận xét của mình/ Bằng thơ để ngẫm sự tình ra sao/ Mỗi khi cảm hứng tuôn trào/ Vội vàng tôi phải ghi vào sổ tay/ Thay cho nhật ký hằng ngày. Đây là sự vật vã, đau xót vì nhà mình tranh tre vách nứa trong cơn bão: Mưa gió đêm qua thật hãi hùng/ Nhà xiêu, cây đổ, nước trào dâng/ Bão ngoài trời đất kinh hoàng thế/ Vẫn kém thua xa trận bão lòng (Bão lòng). Đây là xúc cảm trước sắc hoa: Mấy giỏ phong lan trước cửa nhà/ Mỗi nhành, mỗi vẻ, mỗi màu hoa/ Rung rinh gió nhẹ hoa cười nụ/ Nắng sắc lơ thơ sắc mượt mà (Hoa phong lan)

Tiếng tắc kè đêm trong ngôi nhà lạnh lẽo bên nước bạn gợi lên nỗi cồn cào nhớ quê hương, đất nước: Tiếng tắc kè gọi trời cao/ Tưởng như thức dậy trời sao dậy cùng/ Tắc kè ơi có biết không/ Từng giờ từng phút ta trông ngày về (Tiếng tắc kè). Một chút trăn trở, day dứt thế sự: Đồng hồ tích tắc trên tường/ Ba mèo đắp nổi gác dương trong giờ/ Thế mà đàn chuột nhởn nhơ/ Đuổi nhau chí chít chạy qua đàn mèo/ Chuyện đời tương tự cũng nhiều/ Bao nhiêu kẻ đội lốt mèo làm oai (Mèo giả và chuột thật).

Ông Huyến tham gia nhiều câu lạc bộ thơ của thành phố, ban đầu là Câu lạc bộ Xương Giang, Câu lạc bộ phường Lê Lợi về sau là Trăng 16. Ngoài ra còn sinh hoạt Quán thơ hài, thơ hội đồng hương Thanh Hóa. Ông cộng tác tích cực cho nhiều bản tin trong và ngoài tỉnh. Hạnh phúc của ông là làm được những bài thơ tâm đắc, đọc cho mọi người nghe và được bạn bè trao đổi góp ý. Có thể đây chỉ là sự tếu táo, vui đùa nhưng cũng là tấm lòng chân chất: Thơ này làm chỉ chép tay/ Thỉnh thoảng mấy ngày đọc lại cho vui/ Ai cần cái thứ thơ tôi. Ông luôn luôn nói rằng, làm thơ chỉ là giải tỏa tâm can, chỉ là thú vui, bởi vậy không hề có ý định in ấn xuất bản. 

Cũng hiếm có một gia đình nào như ông. Vợ làm thơ, chồng làm thơ. Cả vợ lẫn chồng đều chơi đàn măng đô lin rồi ngân nga đọc cho nhau nghe thơ của mình. Vợ chồng ông gắn bó, yêu thương suốt từ thời trẻ đến giờ. Bút danh của ông chính là ghép quê ông (Thanh Hóa) với quê vợ (Bắc Cạn). Ở cái tuổi tám ba, ông vẫn tràn đầy lạc quan, sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Đỗ Văn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...