Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Để hầu đồng không bị lệch chuẩn

Cập nhật: 14:42 ngày 20/03/2017
(BGĐT) - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong đó có nghi lễ hầu đồng trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của dân tộc. Tuy nhiên, từ chỗ hầu đồng phải hoạt động "lén lút" nay trở nên rất sôi động khiến nhiều người lo ngại về sự phát triển lệch lạc, sùng bái hầu đồng, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu. 
{keywords}
Giá hầu của thanh đồng Phạm Thị Nhung ở đền Tân Ninh (TP Bắc Giang). 

Những giá trị vượt thời gian

Theo ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là những tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ chính cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân từ lâu đời. Tín ngưỡng thờ Mẫu thờ Thánh mẫu và các vị thần, tôn thờ tự nhiên, coi tự nhiên trời, đất, nước, rừng là Mẹ. Hầu hết các vị thần tín ngưỡng thờ Mẫu thờ phụng đều là nhân vật lịch sử, lập được nhiều công lao với đất nước. Ở đây người Việt thể hiện quan niệm của mình về tự nhiên, xã hội, về lịch sử, văn hóa và các tộc người, tôn vinh đề cao người phụ nữ qua nhân vật Thánh Mẫu cũng như thể hiện khát vọng và nhu cầu chính đáng của con người, cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc. Chính vì những giá trị vượt thời gian như vậy nên Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành di sản của nhân loại.  

Thờ Mẫu có từ rất lâu trong đời sống tinh thần của người dân ở Bắc Giang. Ban thờ Mẫu được bố trí trang trọng ở các ngôi đền, chùa và điện... Trong đó, Mẫu Thượng Thiên (xiêm áo màu đỏ), Mẫu Thượng Ngàn (xiêm áo màu xanh), Mẫu Thoải (xiêm áo màu trắng), Mẫu Địa (xiêm áo màu vàng). Bắc Giang được biết đến có hai địa điểm thờ Mẫu Thượng Ngàn nổi tiếng là đền Suối Mỡ (Lục Nam) và đền Bắc Lệ (trước đây thuộc Bắc Giang nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). Đây cũng là nơi thường xuyên có những canh đàn hầu đồng lớn.

Trên thực tế, những người có căn muốn hầu đồng phải hiểu về đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ để diễn xướng chuẩn, linh thiêng, mỗi khi xong một canh đàn, người hầu đồng thấy tâm hồn lâng lâng, phấn chấn. Người có căn hầu cũng khác với diễn viên diễn xướng ở sân khấu bởi người hầu trong trạng thái thăng hoa thành kính nên dễ cuốn hút người xem vào những xúc cảm khó diễn tả. Vì thế người ta thường ví von làm việc như lên đồng để chỉ những người có thời khắc quá nhập tâm vào công việc của mình và cho ra một kết quả thường là mỹ mãn. Còn không có căn có cốt, vẫn cố tình trình đồng gọi là đồng đua, đồng đú, đồng rởm, đồng bịp gây phản cảm, thậm trí thông qua hầu đồng để bói toán, cúng bái kiếm tiền của những người nhẹ dạ cả tin. 

{keywords}
Thanh đồng Lê Nhung Tuyết trong một giá hầu.

Thanh đồng Lê Nhung Tuyết, 72 tuổi, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn Đạo Mẫu, Thủ nhang đền Tân Ninh, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) - người có thâm niên hầu đồng hơn 40 năm rất vui mừng khi Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản. Bà Tuyết tâm sự: "Trước đây bị cấm cản nên chúng tôi phải hầu "trộm", mỗi năm cùng lắm chỉ dám hầu 4 canh, nay thì đền Tân Ninh luôn mở cửa để các thanh đồng được hầu thường xuyên như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cầu sức khỏe, cầu tài lộc, bình an". Cũng theo bà Tuyết, hầu đồng như "đơm xôi", có nhiều thì sắm lễ to, ít thì thành tâm, liệu cơm gắp mắm, cố gắng không để lãng phí. 

Tìm hiểu sâu về hầu đồng được biết, một canh đàn hầu dài nhất 36 giá, thời gian từ 4-5 giờ, thường thì khoảng 20 giá trong 3 giờ. Đầu tiên là giá hầu Đức Ông Thánh Trần, tiếp đến 5 hàng quan, rồi hàng chúa, hàng chầu, hàng hoàng (hầu ông Hoàng Bảy cầu may trong buôn bán, ông Hoàng Mười cầu về đường công danh), tiếp đến hàng cô, hàng cậu, Cô đôi Thượng Ngàn... Mỗi canh đàn hầu ít nhất có 6 người gồm: 1 thanh đồng, 3 hát văn, 2 cận (phục vụ thanh đồng), 1 pháp sư (thầy cúng). Những canh đàn lớn có hàng chục người tham gia. 

Chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc

Anh Trần Văn Hạnh ở TP Bắc Giang thường đi quay camera cho những canh hầu, hầu như thanh đồng nào trong tỉnh anh cũng biết. Theo anh Hạnh, nghe nội dung mỗi canh đàn hầu đồng thấy rất có ý nghĩa, giúp con người hướng thiện, cầu mong tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, anh cũng chứng kiến những canh hầu tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí. Có những cô đồng, cậu đồng lúc hầu nói kiểu "thánh phán" để bói toán, yêu cầu con nhang mang lễ đến cúng tế, trục lợi cá nhân. 

{keywords}

Hát văn trong canh đàn hầu của thanh đồng Lê Nhung Tuyết.

Trong một canh đàn, thường người hầu đồng phải bỏ tiền để thuê pháp sư, hát văn, cận. Người hát văn được trả công rất cao, canh hầu "sang" được trả tới vài chục triệu đồng. Có trường hợp tên T, hát văn giỏi ở đền Nguyệt Hồ (Yên Thế) kiếm được bộn tiền từ nghề này nhưng trong một lần hát đêm do quá buồn ngủ nên trót dùng ma túy, đến nay tiền của sau bao năm kiếm được đã không cánh mà bay. Nhiều trường hợp có tiền đã sa vào bài bạc nên cũng không khấm khá được. Ở một vài ngôi đền có tiếng do thanh đồng đến hầu đông nên phải chờ đợi mới đến lượt, canh hầu thâu đêm suốt sáng, ảnh hưởng đến sức khỏe.  

Bắc Giang có nhiều di tích văn hóa, tâm linh thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thu hút nhiều du khách thập phương. Ngay sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản, ngành văn hóa - thể thao- du lịch đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Một số hội thi, liên hoan hầu đồng ở TP Bắc Giang, huyện Lục Nam đã thu hút nhiều câu lạc bộ tham gia. 

Ông Nguyễn Đình Bưu cho rằng, để hầu đồng không bị lệch chuẩn, chính quyền, ngành chức năng cần có sự quan tâm, giám sát, chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện lợi dụng hầu đồng để bói toán, trục lợi. Làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tránh lãng phí tiền của trong hầu đồng. Thông qua các hội thi, liên hoan để các thanh đồng giao lưu, học hỏi phát huy những cái hay, cái đẹp trong thực hành nghi lễ này giữa đời thường.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...