Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổ chức lễ hội vì cộng đồng

Cập nhật: 09:05 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Mùa xuân cũng là khởi đầu mùa du lịch, thời điểm lượng khách đến Bắc Giang đông nhất trong năm. Tháng Giêng này, toàn tỉnh diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, một số lễ hội đã tạo được ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 
{keywords}

Du khách mua sắm hàng hóa tại lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang).

Điểm sáng hội xuân

Gần một tháng qua, nhìn tổng thể, lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Mỗi địa phương tập trung khai thác, duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống qua các nghi lễ, chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian. Đó cũng là sản phẩm du lịch hút khách. Khách đến hội Xương Giang (TP Bắc Giang), đình Vồng (Tân Yên), Cần Trạm - Hố Cát (Lạng Giang) cảm nhận rõ nét về tinh thần thượng võ, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.  

Thực tế, khi hội có nhiều trò chơi dân gian, nghi lễ truyền thống và hoạt động văn hóa thể thao hấp dẫn sẽ cuốn hút người dân. Ví dụ như hội Thổ Hà với canh hát quan họ trong chùa cộng với lễ rước có một không hai; hội đền Dành, xã Liên Chung (Tân Yên) tổ chức hát ống, hát ví, nấu cơm thi; làng Bừng, xã Tân Thanh (Lạng Giang) duy trì tục cướp cầu; làng Nội, xã Việt Lập (Tân Yên) khôi phục tục cướp cầu móc, cướp cầu chuyền; trò thổi cơm thi và tục tế ngựa duy trì trong lễ hội đình Vồng (Tân Yên). Được nhiều người chờ đợi phải kể đến trò chơi bịt mắt bắt lợn rừng, chọi dê trong Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế. Ban tổ chức đã chăm lo đến các hoạt động  mang tính cộng đồng, gần gũi với người dân. Ngoài thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh, du khách còn có cơ hội tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, phong tục giàu bản sắc. Đây được xem là lễ hội ít "sạn": Không bạo lực, không tăng giá, ép giá, không ăn xin,  chen lấn, xô đẩy, trò chơi ăn tiền bị dẹp ngay khi xuất hiện. Tại đây còn có tiệc trà, triển lãm sản vật địa phương, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp… 

Đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, hội Xương Giang (TP Bắc Giang) năm nay được đánh giá tốt về công tác tổ chức, cộng thêm khu di tích vừa khánh thành tạo nên sự hấp dẫn. Điều đó  thể hiện ở lượng khách đến dâng hương, tham quan tăng mạnh so với năm trước. Lễ hội tổ chức bài bản, quy mô, hướng các hoạt động phục vụ cộng đồng, du khách như không gian văn hóa chợ quê Phủ Lạng Thương, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống. 

Nhiều lễ hội đã mang lại ấn tượng đẹp, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang. 

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Cùng với sản phẩm du lịch khác, lễ hội còn đóng vai trò quan trọng giúp du lịch tăng tốc. Du lịch lễ hội, tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Hiện ngành du lịch Bắc Giang đang xây dựng những sản phẩm đặc trưng gồm: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Nghị quyết số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với lễ hội lớn. 

{keywords}

Trò chơi bịt mắt bắt lợn trong lễ hội làng Phúc Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên).

Năm nay, ngành du lịch Bắc Giang phấn đấu đón hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt từ 800 đến 900 tỷ đồng. Mùa lễ hội là cơ hội tốt góp phần hoàn thành mục tiêu này. Qua ghi nhận tại các điểm di tích trọng điểm của tỉnh như: Suối Mỡ, Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Yên Thế..., mặc dù chưa đến hội nhưng đã đón lượng khách du xuân khá lớn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phúc Thương nhận định: Gần 2 tháng đầu năm, khách đến các điểm du lịch trong tỉnh đạt hơn 300 nghìn lượt người (tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2016), trong đó tập trung phần lớn vào các điểm văn hóa, tâm linh. Đáng mừng, năm nay có doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến các lễ hội ở Bắc Giang. 

Có kết quả trên, ngoài việc tỉnh có nhiều di tích, lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc còn do công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm. Cùng đó, hệ thống công cụ xúc tiến du lịch như: Clip, phim du lịch, bản đồ, tờ rơi, tờ gấp, poster ảnh, quà tặng cũng ngày càng được hoàn thiện. Tuy vậy, bên cạnh những nơi tổ chức tốt thì vẫn có địa phương chưa quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, an ninh lễ hội. Cuối tháng 2 này, Sở tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và những người Bắc Giang làm lữ hành ở các địa phương khác bàn giải pháp đưa du khách đến tỉnh. 

Để tạo ấn tượng đẹp với du khách, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch, bên cạnh tăng cường truyền thông, các địa phương cần hướng hoạt động trong lễ hội về cộng đồng, hạn chế tối đa những hiện tượng phản cảm như rác thải tràn lan sau hội, tự ý tăng giá vé gửi xe, cờ bạc trá hình.

Ngoài ra, theo ông Thương, các địa phương nên tổ chức phần lễ ngắn gọn, tăng trò chơi, trò diễn dân gian bổ ích, lành mạnh và mang bản sắc riêng để du khách trải nghiệm, khám phá. Ngành du lịch tỉnh khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, lưu trú, nhà hàng, kinh doanh vận tải giảm giá, khuyến mại, nâng cao chất lượng phục vụ khách. Từ nay đến hết tháng 3, trong tỉnh còn một số lễ hội lớn như Vĩnh Nghiêm, Yên Thế, Bổ Đà... hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách, do đó công tác tổ chức cần chú trọng hơn nữa nhằm tạo hình ảnh thân thiện, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...