Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Băn khoăn... chiếu bóng về làng

Cập nhật: 09:11 ngày 21/02/2017
(BGĐT) - Cách đây vài ba thập kỷ, mỗi khi đội chiếu bóng về đem theo niềm vui rộn ràng khắp xóm thôn. Nhưng khi Internet và các phương tiện thông tin hiện đại phát triển thì hoạt động chiếu phim lưu động (CPLĐ) đã không còn thu hút khán giả như xưa. Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Bắc Giang) về hoạt động CPLĐ vừa qua cho thấy nhiều điều đáng băn khoăn.
{keywords}

Người dân thôn Khả, xã Vân Sơn (Sơn Động) xem chiếu phim lưu động.

Cán bộ tận tụy, dân làng thờ ơ…

Năm 2016, ba đội chiếu bóng của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức 660 buổi chiếu miễn phí tại 188 xã miền núi, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Bình quân chiếu 4 buổi/xã đặc biệt khó khăn và 2-3 buổi/xã miền núi. Đa phần, các buổi CPLĐ phục vụ đến tận thôn, bản. Nội dung chủ yếu là phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng hoặc phim tâm lý xã hội. Trước khi chiếu phim chính, bà con được xem các băng đĩa ca nhạc, phóng sự về đề tài dân số, phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới...

Ông Hà Ngọc Luyện, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh cho biết, ngân sách cấp hằng năm không có phần dự toán cho việc mua hoặc thuê phim. Bởi thế, Trung tâm thường xuyên liên hệ với các tỉnh bạn trao đổi nguồn phim. Chuẩn bị cho một buổi chiếu, ngoài liên hệ, lo về thủ tục, các đội chiếu bóng thường có mặt tại các xã từ chiều cổ động quảng cáo phim, thông báo thời gian, địa điểm cho bà con biết. Công việc vất vả, thu nhập thấp nhưng anh em vẫn luôn gắn bó, nhiệt tình và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy vậy, qua khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) cho thấy có một nghịch lý: Sự quan tâm của Nhà nước và tâm huyết của những người đưa văn hóa về cơ sở là vậy nhưng chính quyền, người dân ở cơ sở lại khá thờ ơ. Số lượng khán giả đến xem chiếu phim không nhiều, thường chỉ chiếm khoảng 20-30% số dân trong thôn. Thậm chí có những buổi chiếu chỉ có 10-20 người xem, chủ yếu là người già và trẻ em. Nguyên nhân là do hiện nay, tại các xã, thôn miền núi, vùng cao của tỉnh cơ bản đã có điện lưới quốc gia và đều bắt được sóng phát thanh, truyền hình của T.Ư, của tỉnh. Phần đông các hộ đã có tivi, radio, nhiều nơi có Internet cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí. 

Khi được hỏi “hoạt động CPLĐ có còn cần thiết hay không?”, hầu hết cán bộ và người dân ở các thôn như: Tân Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), Thành Trung, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đều cho rằng đối với địa phương mình là không cần thiết. Theo anh Hoàng Văn Tùng ở xã Tuấn Mậu (Sơn Động), nếu CPLĐ kết hợp giao lưu văn nghệ tại địa phương chắc bà con sẽ đi đông hơn.

Ngoài ra, có một vài nguyên nhân khác khiến các buổi CPLĐ không thu hút được đông người tới xem. Đó là nội dung phim chưa phong phú; thời gian mỗi buổi chiếu phim quá ngắn (thường chỉ diễn ra trong khoảng 90 phút mỗi buổi tối). Nếu bà con ở các làng, bản xa địa điểm chiếu phim khi đi tới nơi thì đã gần kết thúc. Trang thiết bị, phương tiện chiếu phim lạc hậu, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người dân. 

Cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Tại Thông tư số 08 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 23-10-2015 quy định: “Đội CPLĐ có chức năng tổ chức hoạt động chiếu phim phục vụ nhân dân tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các vùng nông thôn khác”. Theo đó, mỗi đội hoạt động trong khu vực nông thôn, đồng bằng phải thực hiện ít nhất 12 buổi/tháng. Tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải thực hiện ít nhất 14 buổi/tháng.

{keywords}
Nhân viên Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh chuẩn bị phương tiện, máy móc cho một buổi chiếu phim.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa đến hoạt động của các đội CPLĐ. Được biết, năm 2016, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh được cấp kinh phí 1,215 tỷ đồng cho hoạt động CPLĐ (trung bình 1,9 triệu đồng/1 buổi), trong khi tại một số tỉnh lân cận như Lạng Sơn 5,8 tỷ đồng (trung bình 3,5 triệu đồng/buổi); Phú Thọ 5,7 tỷ đồng (3,5 triệu đồng/buổi). Hiện Trung tâm có ba đội chiếu bóng song chỉ có một ô tô được đầu tư từ năm 2010 đã cũ, luôn hỏng hóc. Kinh phí hạn hẹp, chỉ đủ chi lương, phụ cấp lưu động và thuê, chữa xe nên không còn kinh phí khoán công tác phí cho anh em. Trang thiết bị phục vụ CPLĐ cũng rất khiêm tốn. Mặc dù đã là thời đại của công nghệ số song Trung tâm chỉ sắm được một đầu máy phát kỹ thuật số HD trị giá khoảng 75 triệu đồng, chất lượng phục vụ ở mức đạt yêu cầu.

Thiết nghĩ để hoạt động CPLĐ thực sự có hiệu quả, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm đúng mức của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tốt hơn công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trước hết cần chỉ đạo rà soát nhu cầu thực tế của người dân; đầu tư mua sắm trang thiết bị, dành phần kinh phí cần thiết để khai thác nguồn phim nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CPLĐ đối với các xã miền núi, vùng cao của tỉnh.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...