Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Múa lân sư rồng - nét đẹp văn hóa hội xuân

Cập nhật: 16:35 ngày 20/02/2017
(BGĐT) - Những ngày đầu Xuân, các đội múa lân sư rồng luôn bận rộn với nhiều lễ hội. Cùng với việc góp vui cho hội xuân thì đây cũng là dịch vụ để các võ đường có thêm  thu nhập. 
{keywords}

Đội múa lân phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) biểu diễn tại lễ hội Xương Giang.

Với ý nghĩa mang đến niềm vui, sự may mắn trong ngày đầu năm, các linh vật như: Lân, sư tử, rồng từ lâu trở thành biểu tượng truyền thống được nhân dân tôn thờ và đi vào trong những động tác múa truyền thống khá công phu. Người múa lân sư rồng thường là các võ sinh được luyện tập lâu ngày, kinh qua những bài tập dẻo dai, khéo léo. 

Xuân này, đội múa lân sư rồng Hùng Nghĩa Đường, thị trấn Kép (Lạng Giang) đã có nhiều địa phương mời biểu diễn phục vụ lễ hội xuân. Từ đêm Giao thừa đến nay, đội múa đã phục vụ và đem niềm vui đến cho nhiều người thông qua hoạt động xông đất, xông nhà tại các khu dân cư và khai hội truyền thống. Ngày mồng 6 Tết, đoàn được đơn vị tổ chức sự kiện mời  biểu diễn cho một doanh nghiệp ở Hà Nội khai trương. 

Trong số những hợp đồng đã nhận, Hùng Nghĩa Đường đặc biệt đầu tư nhiều thời gian tập luyện để phục vụ tại Lễ hội kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Cần Trạm - Hố Cát diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Giêng. Từ trước Tết, 80 võ sinh trong đội đã tập trung cao độ, hăng say luyện các màn rước trống, cờ, biểu diễn võ cổ truyền và múa lân, rồng… cho lễ hội lớn nhất của huyện với thời lượng khoảng 40 phút. Anh Lê Ngọc Hùng, Chủ nhiệm võ đường cho biết: Từ xa xưa, các linh vật thường được đặt tại nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, đình, chùa. Do vậy, đầu lân, sư, rồng và các điệu múa đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt và có thể trừ tà. Vì thế, người múa phải giỏi võ, có thể lực tốt, sức dẻo dai để chịu dựng được thời gian biểu diễn kéo dài. 

Ngoài hóa thân vào các linh vật, thành viên còn đóng các vai như: Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ), Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, chú hề… Bằng việc hóa trang thành những chú tễu, linh vật lân, rồng, sư tử, các bài quyền uyển chuyển, động tác đẹp mắt, cộng thêm âm vang dồn dập của tiếng trống lệnh, tiếng chập chả khiến không khí lễ hội thêm rộn ràng, vui nhộn. Trong lễ hội xuân, múa lân sư rồng luôn là điểm nhấn thu hút sự chú ý và được nhiều người chờ đợi. 

Tại Bắc Giang, hiện không có nhiều đội lân nên không ít nơi tổ chức hội xuân phải thuê tận Hà Nội, Bắc Ninh về biểu diễn. Thời điểm đầu năm với hàng trăm lễ hội xuân tại nhiều địa phương giúp các đội múa lân kiếm khá tiền. Như Võ đường Vovinam Bắc Giang của võ sư Hà Văn Quý, thôn Tiền Đình, xã Quế Nham (Tân Yên) có 80 thành viên dịp này đang vào mùa “thu hoạch”. Trong tháng Giêng, võ đường tham gia biểu diễn hơn 10 chương trình. Tùy vào quy mô, địa điểm tổ chức, giá dịch vụ múa lân sư rồng trung bình từ 4- 5 triệu đồng/chương trình. Đó là chưa kể nếu diễn hay còn được nhân dân, du khách thưởng thêm. 

Bắc Giang hiện có một số đoàn múa lân sư rồng thuộc võ đường như: Giáp Nghĩa Đường (Việt Yên), Hùng Nghĩa Đường (Lạng Giang), Vovinam Bắc Giang (Tân Yên) và nhiều đội múa ở các làng, xã. Mỗi đội đều có những phong cách biểu diễn khác nhau nhưng tập trung vào các hình thức như: Múa rồng có rồng vờn hòn ngọc, rồng lượn, rồng vờn mây; múa sư tử thường thấy nhất là hình ảnh một võ sĩ ăn mặc giả thợ săn cầm gậy đeo mặt nạ khỉ chạy vòng tròn đánh nhau với sư tử. 

Người đội đầu sư tử rất khỏe, nhanh nhẹn diễn những cú “vồ mồi”, uốn lượn, tránh đòn một cách tài tình…; múa hai con lân thể hiện sự tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như đất trời và âm dương tương hợp; kiểu bốn con kỳ lân cùng múa tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất… Tựu chung lại, các hình thức múa trên đều mong muốn đem những điều tốt đẹp và niềm vui đến với mọi người, mọi nhà trong mùa xuân.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...