Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt

Cập nhật: 16:37 ngày 20/02/2017
(BGĐT) - Sau di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, tính đến thời điểm này, Bắc Giang có thêm hai di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đó là chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2015) và chùa Bổ Đà (năm 2016). Làm gì để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích này là vấn đề cần được quan tâm. 

{keywords}

Toàn cảnh vườn tháp cổ lớn nhất Việt Nam tại chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao.

Theo ban quản lý các khu di tích, nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá trên các kênh truyền thông và du khách, sau khi được xếp hạng đặc biệt, khách đến tham quan di tích ngày một đông, ước tính tăng khoảng 30% so với trước đây. Riêng tại chùa Bổ Đà (Việt Yên), dịp Tết Nguyên đán vừa qua lượng khách đến tham quan vãn cảnh đông chưa từng thấy từ trước đến nay. Điều đó cho thấy hiệu quả và tác dụng của hoạt động vinh danh, khẳng định sức lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các công trình, hiện vật còn được lưu giữ tại các khu di tích. 

Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nổi bật gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong biến thiên của lịch sử dưới triều đại nhà Trần với nét kiến trúc, chạm khắc mang tính nghệ thuật cao, hệ thống tượng Phật và mộc bản độc đáo (chùa Vĩnh Nghiêm). Tương tự, chùa Bổ Đà gồm quần thể di tích và cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp với các cây di sản, hệ thống tượng phật, mộc bản cổ nhất, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam… Di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế phân bố trong không gian rộng lớn thuộc 4 huyện (Yên Thế, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng) ghi dấu vai trò lịch sử của thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám đã trường kỳ 30 năm lãnh đạo nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược. 

Bên cạnh đó phải kể đến vai trò quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể ở mỗi di tích của cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn và người dân địa phương; sự ghi nhận và khẳng định những giá trị khách quan đó của nhân dân, du khách, các nhà khoa học.

{keywords}

Bắc Giang là tỉnh còn khó khăn, do đó nguồn lực từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nói chung, di tích quốc gia đặc biệt nói riêng còn hạn chế. Để phát huy giá trị các di tích đặc biệt sau khi được xếp hạng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương trong việc bảo vệ, thiết lập môi trường cảnh quan sạch đẹp, an ninh trật tự, văn hóa ứng xử; phát triển hệ thống dịch vụ ăn nghỉ, mua sắm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu di tích có trình độ chuyên môn sâu, tính chuyên nghiệp cao. Những yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn, tôn thêm vẻ đẹp, giá trị của các di sản mà cha ông để lại".


Ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao  và Du lịch

Với mỗi di tích, sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng, UBND tỉnh đều đứng ra tổ chức lễ đón nhận long trọng, thêm một lần khẳng định giá trị và có tác dụng quảng bá mạnh mẽ đối với di tích. Với trách nhiệm của mình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên tham mưu với UBND tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt. 

Theo ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi quy hoạch tổng thể di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (2017-2021) với khoản kinh phí gần 100 tỷ đồng tập trung tôn tạo khu di tích Phồn Xương, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế; khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng, xã Ngọc Châu (Tân Yên) và các di tích: Đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên), đình Đông, thị trấn Bích Động (Việt Yên) và chùa Kem, xã Nham Sơn (Yên Dũng).

Đối với di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Yên Dũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch xây dựng quy hoạch tổng thể trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2017. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, tạo cảnh quan không gian xứng tầm giá trị di tích, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích, khu du lịch quan trọng của tỉnh, trong đó con đường Tây Yên Tử là một tuyến huyết mạch mà đường nhánh dẫn vào chùa Vĩnh Nghiêm đã hoàn thành. Hệ thống giao thông thuận tiện, di tích chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Mới đây, nhằm tạo điểm nhấn cho di tích và giữ gìn di sản quý, huyện Yên Dũng đã huy động xã hội hóa, tổ chức xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản với kết cấu, kiến trúc và vật liệu truyền thống dự kiến khánh thành vào dịp lễ hội năm nay. 

Ở di tích Bổ Đà, với vị trí và địa thế ngôi chùa, cùng với bảo vệ nghiêm ngặt những di sản, hiện vật tại đây, yêu cầu đặt ra là giải quyết vấn đề giao thông và mặt bằng phục vụ du khách. Năm 2018, UBND huyện và ngành văn hóa tỉnh có kế hoạch tham mưu với UBND tỉnh xây dựng xong quy hoạch tổng thể khu di tích trình Chính phủ phê duyệt, từ đó có cơ sở pháp lý để phát huy vai trò quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, đưa di tích thành điểm thu hút mạnh mẽ khách du lịch văn hóa - tâm linh trong và ngoài tỉnh.

Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...