Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời của non sông"

Cập nhật: 08:53 ngày 18/01/2017
Tối 17-1, tại Hà Nội, Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời của non sông", kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết Ðinh Hợi 1947 trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam để động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ cả nước.
{keywords}

Chương trình nghệ thuật “Lời của non sông” được chuyển tải tới người xem một cách hài hòa giữa thơ và nhạc, giữa phóng sự và tọa đàm.

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang dự và phát biểu ý kiến. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư và Hà Nội.

Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên trên làn sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam năm 1947 đến lúc ra đi, Bác Hồ đã sáng tác 22 bài thơ chúc Tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là đặc trưng trong các bài thơ chúc Tết của Bác, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ, lời thơ chúc Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước, mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ về tiền đồ tươi sáng của cách mạng Việt Nam.

Những vần thơ chúc Tết của Bác không chỉ là "Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân", mà còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Phát biểu ý kiến tại chương trình, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang xúc động ôn lại những kỷ niệm về Bác. Chủ tịch nước nêu rõ, sinh thời Bác chưa bao giờ tự cho mình là nhà thơ, Bác làm thơ là để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân "kháng chiến, kiến quốc". Làm thơ cho mọi người dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu, vì vậy từ ngữ trong thơ Bác giản dị, trong sáng; tứ thơ rõ ràng, đẹp đẽ; nhịp thơ khoan thai, vững chắc. Làm thơ trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà bài thơ nào của Bác cũng toát lên niềm lạc quan vô bờ, sự khoan thai, đĩnh đạc hiếm có.

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chia sẻ, giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của đất nước, của mỗi nhà, mỗi người. Nghe lại những bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta càng bồi hồi, xúc động nhớ về một chặng đường vẻ vang, oanh liệt mà dân tộc ta đã đi qua, hướng về năm mới Ðinh Dậu 2017 với bao ước mơ, dự cảm tốt lành. Chủ tịch nước khẳng định: "Lời thơ chúc Tết của Bác như là lời non nước, là tiếng hịch non sông. Tựa lưng vào lịch sử, đi theo con đường mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn, chúng ta ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh, ôn lại những bài thơ chúc Tết của Bác, mỗi người chúng ta càng tự hào với truyền thống quật cường, nhân nghĩa của dân tộc, đưa "Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng" vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chương trình nghệ thuật "Lời của non sông" được chuyển tải tới người xem một cách hài hòa giữa thơ và nhạc, giữa phóng sự và tọa đàm. Ðặc biệt, chương trình sử dụng những bài thơ ngâm của thế hệ trước như Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Kim Dung và một bản thơ năm 1957 do chính Bác đọc. Bên cạnh đó là các bài hát phổ thơ Bác của nhạc sĩ Huy Thục, Doãn Nho... và một số bài hát nổi tiếng về Bác Hồ do các nghệ sĩ của Nhà hát Ðài Tiếng nói Việt Nam thể hiện.

Phần tọa đàm có sự tham gia của Giáo sư Hà Minh Ðức với những chia sẻ phân tích về thơ Tết của Bác Hồ cùng nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoàng Nhuận Cầm. Phần phóng sự truyền hình có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Vũ Quần Phương, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhạc sĩ Huy Thục và cả những tư liệu ghi lại cảnh Bác Hồ thu thanh thơ chúc Tết tại Ðài Tiếng nói Việt Nam.

Theo ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...