Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lưu giữ những làn điệu dân ca

Cập nhật: 09:02 ngày 21/10/2014
(BGĐT) - Các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca ở tỉnh Bắc Giang thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ. Qua lời ca ngọt ngào, chị em đã góp phần gìn giữ làn điệu quê hương. 
{keywords}

Tiết mục giao lưu hát dân ca của phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang).  Ảnh: ĐQ

Truyền “lửa” đam mê

Ở xã An Lạc (Sơn Động) những ngày thu dịu mát, tiếng hát then, đàn tính ngân vang giữa núi rừng làm say đắm lòng người. Một trong những người có giọng hát ấm áp là chị Hoàng Thị Hoan, Chủ nhiệm CLB Hát then, con gái nghệ nhân La Thị Say, người lưu giữ kho tàng dân ca Tày. Lớn lên cùng lời ru ngọt ngào của mẹ nên những làn điệu quê hương đã ngấm vào trái tim chị tự bao giờ. Năm 2000, cô "họa mi" núi rừng tham gia CLB Hát then và làm chủ nhiệm CLB cho đến nay. 

Ngoài việc đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, chị còn truyền dạy những làn điệu dân ca của dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn. Chị tâm sự: "Nhờ điệu then và cây đàn tính mà vợ chồng tôi bén duyên nhau. Đến nay, 4 thế hệ trong gia đình đều yêu môn nghệ thuật dân tộc này". 

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Lạc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, tạo sân chơi bổ ích để chị em thể hiện tài năng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Đến nay, CLB Hát then có 15 thành viên, trong đó phần đông là nữ giới, tuần 2 buổi, họ tập hợp cùng nhau ngân nga điệu then, chỉ bảo lối hát và cùng sáng tác lời hát mới. Chị Hoan cùng thành viên CLB đã tham gia nhiều hội diễn, giao lưu văn nghệ ở huyện và tỉnh.

Sau những ngày lao động mệt nhọc, trung tuần hằng tháng, chị em trong CLB Hát quan họ Sen Hồ, thị trấn Nếnh (Việt Yên) lại tụ họp đông đủ tại Nhà văn hóa thôn để hát và truyền dạy cho lớp trẻ. Được biết, CLB có 26 hội viên, trong đó hơn nửa là phụ nữ. Lời ca, tiếng hát, điệu múa của chị em có đóng góp quan trọng, làm nên “thương hiệu” cho CLB.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các buổi giao lưu hát ru, hát dân ca ở các cấp hội. Đồng thời thành lập thêm những CLB hát dân ca để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho  phụ nữ"Bà Đỗ Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang.

 Không chỉ làm say đắm lòng người bằng những câu ca “mời nước, mời trầu”, “người ơi người ở đừng về”..., các chị còn chủ động sưu tầm, chép lại những làn điệu quan họ cổ hay dựa trên nhạc lý sáng tác lời mới, đóng thành sách và lưu truyền cho con cháu. Nhiều năm qua, CLB thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, CLB đã mở được 5 lớp, hướng dẫn gần 200 học viên. 

Phát huy giá trị truyền thống  

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 340 nghìn hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 2.597 chi hội. Nhờ sự giới thiệu của các cấp hội mà hiện nay Hội LHPN tỉnh có gần 1 nghìn người tham gia các CLB hát dân ca ở địa phương. Nhiều CLB hát dân ca hoạt động sôi nổi, tham gia các liên hoan, hội diễn văn nghệ đạt nhiều giải cao như: CLB Hát Sình ca, xã Đèo Gia (Lục Ngạn); CLB Chèo, thôn Cầu Rô, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa); các CLB quan họ ở Việt Yên... 

Phụ nữ là hạt nhân của các CLB, là người truyền dạy trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày bằng lời ru tiếng hát cho con em mình. Nhờ đó mà làn điệu dân ca có sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt trong cộng đồng. Tại các buổi sinh hoạt chi hội, Ban chấp hành cũng lồng ghép giao lưu văn nghệ để chị em chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nhau những điệu hát cổ, hát mới. 

{keywords}

Chị hai Vũ Thị Hường, làng Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) truyền dạy quan họ cho cháu gái.


Ở mỗi CLB, hội viên đều chủ động truyền dạy làn điệu dân ca, giảng giải các phong tục, lề lối trong cách hát... của địa phương, dân tộc mình cho thiếu niên, nhi đồng. Đơn cử, năm 2012, Hội LHPN xã Đèo Gia (Lục Ngạn) đã phát động hội viên phong trào sáng tác lời hát mới ca ngợi Đảng, đất nước dựa trên điệu Sình ca cổ. 

Đến nay, chị em đã sáng tác được gần 200 bài hát giúp kho tàng dân ca người Cao Lan ngày một đa dạng và phong phú. Tại một số nơi như xã An Lạc, An Lập, Lệ Viễn (Sơn Động)... chị em không quản đường xa đến các thôn bản, trường học để truyền dạy cho thanh, thiếu niên.  

Bà Đỗ Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Làn điệu quê hương thấm đẫm trong từng lời ru của mẹ. Phụ nữ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các buổi giao lưu hát ru, hát dân ca ở các cấp hội. Đồng thời thành lập thêm những CLB hát dân ca để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho phụ nữ; tạo điều kiện để hội viên được giao lưu, học hỏi, tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc”.

Hoài Thu



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...