Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khắc phục bất cập, phát huy giá trị hương ước, quy ước

Cập nhật: 09:17 ngày 08/05/2018
(BGĐT) - Theo Sở Tư pháp, hiện nay toàn bộ 2.495 thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được hương ước, quy ước. Các bản quy ước, hương ước thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đang có những bất cập.
{keywords}

Đội văn nghệ xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) thường xuyên tập luyện, biểu diễn phục vụ người dân địa phương.

Giữ hồn quê xưa

Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều làng xóm cư dân chung sống nên hương ước, quy ước cũng hình thành từ rất sớm. Các tài liệu nghiên cứu cho biết tại nhiều làng cổ của huyện Việt Yên ngay từ những năm đầu thế kỷ XX đã xây dựng được các hương ước, quy ước, trong đó quy định rất cụ thể về việc giao tiếp, giáo dục, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự. Chẳng hạn, trong hương ước của làng Hoàng Mai (xã Hoàng Ninh) năm 1923 quy định về “việc cấp cứu” đã ghi rõ trách nhiệm của người dân trong làng: “Việc nước to, đê sạt ai cũng phải có một con dao, cây tre. Việc nhà cháy ai cũng phải có một câu liêm. Việc trộm ai cũng phải có cái đồ ngắn hay dài. Ai thờ ơ, biếng nhác sẽ bị phạt…”.

Hương ước, quy ước bắt đầu có ở nước ta từ thế kỷ XV và phát triển rộng rãi vào đầu thế kỷ XX. Có thể coi hương ước, quy ước là “cương lĩnh tinh thần”, là văn bản pháp lý đầu tiên của làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, đề cao chuẩn mực đạo đức văn hóa truyền thống, xây dựng khối đoàn kết tình làng nghĩa xóm “sáng lửa, tối đèn” có nhau...

Thực hiện các quy định của pháp luật và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của vùng quê Kinh Bắc, ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Bắc Giang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó có phong trào xây dựng hương ước, quy ước. Năm 2015, Sở Tư pháp đã biên soạn cuốn “Sổ tay hương ước, quy ước” phát đến tận cơ sở. 

Cùng với việc tuân thủ các văn bản pháp luật của T.Ư, của tỉnh, hương ước, quy ước của nhiều thôn, tổ dân phố đã đưa những quy tắc ứng xử riêng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chẳng hạn, bản quy ước của thôn Trám, xã Phúc Sơn (Tân Yên) quy định về bảo đảm an ninh trật tự nêu rõ: “Không nên đi chơi quá 22 giờ đêm, nếu quá phải có đèn cầm tay. Đi lấy nước, đi thăm đồng trong đêm nên có ít nhất hai người; ở đồng không quá 22 giờ đêm; đi làm đồng không trước 4 giờ sáng”. Do làm tốt việc phát huy dân chủ trong xây dựng và thực hiện quy ước, nhiều năm liền thôn Trám được công nhận là làng văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh.

Vì sao người dân thờ ơ?

Tuy nhiên, những thôn làm tốt việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước như thôn Trám (xã Phúc Sơn) không nhiều. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có những bất cập. Nội dung của nhiều hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố sơ sài, dập khuôn từ các quy định của pháp luật và hương ước, quy ước mẫu mà bỏ qua những đặc điểm, điều kiện của địa phương. 

Thậm chí, nhiều hương ước, quy ước còn “né” những nội dung khó thực hiện, mặc dù đã được hướng dẫn cụ thể ở “Sổ tay hương ước, quy ước” của Sở Tư pháp như thực hiện chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tại các địa phương như Lục Nam, Tân Yên…, qua trao đổi, cán bộ cấp xã, huyện cho biết nhiều thôn còn đưa những nội dung trái với quy định của pháp luật vào dự thảo hương ước, quy ước như: Xử phạt bằng tiền tại thôn đối với những hành vi vi phạm, hoặc quy định “không tới dự đám hiếu” đối với những gia đình không chấp hành các khoản đóng góp của nhà nước, của địa phương.

{keywords}

Cổng làng Tư Mại, xã Tư Mại (Yên Dũng).

Có một điều đáng buồn đó là tình trạng thờ ơ của người dân đối với hương ước, quy ước của chính cộng đồng mình. Tại nhiều nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, hương ước, quy ước được trích dẫn, in rất đẹp trên các tấm bảng gỗ hoặc lồng khung kính treo tường. Nhưng khi hỏi một số người dân về việc có được bàn bạc khi xây dựng và thuộc quy định nào trong hương ước, quy ước không, họ đều lắc đầu cười, nhất là người trẻ tuổi hầu như ít quan tâm. 

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số UBND cấp xã chưa thực sự quan tâm tới việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.  Tại một số huyện, việc thẩm định, phê duyệt còn chậm, hoặc thẩm định không kỹ dẫn đến chất lượng của hương ước, quy ước không cao, còn mang nặng tính “hành chính hóa”. Việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa thường xuyên. Việc đầu tư kinh phí để xây dựng hương ước, quy ước chưa được quan tâm. Năng lực, trình độ của cán bộ thôn, tổ dân phố nhiều nơi còn hạn chế. Mặt khác, cũng không có chế tài đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng hương ước, quy ước mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của người dân.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thiết nghĩ trước hết cấp huyện, cấp xã cần quan tâm chỉ đạo, khắc phục ngay tính hình thức trong việc xây dựng hương ước, quy ước. Các thôn, bản, tổ dân phố cần phát huy cao tính dân chủ “dân biết, dân bàn”, coi đây là sản phẩm chung của cộng đồng, tranh thủ ý kiến tham gia của các đoàn thể, hộ gia đình, ban soạn thảo không nên “duy ý chí” và “xin ý kiến nhân dân” qua hội nghị một cách hời hợt. Không nên sao chép dập khuôn những quy định của pháp luật, nên lựa chọn một số phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp mang tính bản sắc của địa phương để đưa vào dự thảo, khơi gợi lòng tự hào, yêu quê hương (tuy nhiên phải phù hợp với quy định pháp luật). Trong phần tổ chức thực hiện, nên có nhiều hình thức khen thưởng, tôn vinh đối với những gia đình, cá nhân thực hiện tốt hương ước, quy ước.

Mặt khác, cũng nên xem xét, bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng, thực hiện, quản lý nhà nước về hương ước, quy ước để khích lệ, động viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả của “kênh” quản lý này ở thôn, bản, tổ dân phố.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...