Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 24 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc

Cập nhật: 09:42 ngày 10/04/2018
(BGĐT) - Bắc Giang là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa. Con người Bắc Giang từ xa xưa cần cù, chăm chỉ, yêu quê hương, đất nước, trọng nghĩa tình thủy chung, giàu tinh thần thượng võ. Làm gì để xây dựng, giữ gìn hình ảnh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của Bắc Giang là nhiệm vụ luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm.
{keywords}

Các liền anh hát quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên). Ảnh: Vương Lâm.

Trong những năm gần đây, mặc dù ngân sách của tỉnh còn khó khăn song HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư ở lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và khuyến khích tài năng ở các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện quy định cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu bia trong giờ làm việc và các buổi trưa của ngày làm việc; chấm điểm thi đua đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ.

Thực hiện Quyết định số 74/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, việc tổ chức cưới, tang và lễ hội tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các đám tang hiện nay đều không sử dụng thuốc lá; nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà được xóa bỏ. Đặc biệt, tình trạng làm cỗ tràn lan mời khách ở một số nơi đã giảm đáng kể. Tại nhiều xã thuộc các huyện Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên, chi phí cho tổ chức một đám tang đã giảm trung bình từ 10 - 25 triệu đồng so với trước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn hộ dân hiến đất làm đường, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Những việc làm tốt đẹp ấy góp phần củng cố niềm tin của nhân dân về nghĩa cử cao thượng, biết sống vì cộng đồng vốn là truyền thống, bản sắc, nét đẹp văn hóa của con người Bắc Giang.

{keywords}

Lễ tế ông lang (lợn đen) ở thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong vùng. Ảnh: Mai Toan.

Bên cạnh những kết quả đó, còn nhiều tồn tại, hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến phát triển văn hóa và môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trước hết, việc đăng ký cơ quan văn hóa, bình xét làng, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa tại một số nơi còn hình thức, chạy theo thành tích, số lượng, chưa thật sự chú trọng chiều sâu. Việc xây dựng tác phong ứng xử “văn hóa trong kinh doanh”, “văn hóa trong doanh nghiệp” chưa hình thành rõ nét. Nền tảng gia đình truyền thống đang bị mai một. Số vụ ly hôn xảy ra nhiều, nhất là ở lứa tuổi trẻ và ở các địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động. 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới chưa nghiêm; đám cưới còn tổ chức ăn uống kéo dài, làm rạp lấn chiếm lòng đường (trong đó có cả gia đình cán bộ, đảng viên) gây dư luận không tốt trong nhân dân. Nhiều đám tang, việc sử dụng nhạc hiếu và lễ nghi còn rườm rà. Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Tại các khu công nghiệp của tỉnh còn thiếu nơi vui chơi giải trí dành cho thanh, thiếu nhi. Thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Khái niệm “công nghiệp văn hóa”, “thị trường văn hóa” trên địa bàn tỉnh chưa định hình rõ nét.

Bắc Giang có lợi thế nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống, giàu tiềm năng về du lịch song công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, việc quảng bá phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả. Chưa xây dựng được những sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Giang, thể hiện nét tinh tế, khéo léo của các làng nghề để thu hút du khách.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên. Về chủ quan, nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa chưa thực sự thấu đáo, đúng mức. Chưa thực sự đổi mới tư duy “văn hóa trong kinh tế”, “kinh tế trong văn hóa”. Ngoài ra, tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp. Tình hình phạm pháp trong lứa tuổi vị thành niên mấy năm gần đây tuy giảm về số lượng song lại có nhiều vụ trọng án giết người thân khiến dư luận lo ngại về sự băng hoại, xói mòn đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng về hình ảnh con người Bắc Giang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa con người, vùng đất Bắc Giang, thiết nghĩ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phát triển văn hóa. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn từ ngân sách và huy động các nguồn lực khác cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Ưu tiên xây dựng thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho thanh, thiếu nhi ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân cư văn hóa có chiều sâu, khắc phục tính hình thức trong bình xét, không chạy theo số lượng. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc Bắc Giang.

Đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo hình ảnh đẹp về vùng đất, con người Bắc Giang để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...