Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng nông thôn mới: Rõ việc từ đầu năm

Cập nhật: 10:11 ngày 01/02/2018
(BGĐT) - Năm 2018, toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu có thêm 21 xã về đích nông thôn mới (NTM), qua đó nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn lên 43,8%. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, từ đó có bước đi phù hợp, bảo đảm xây dựng NTM không là gánh nặng của người dân.
{keywords}

Diện mạo NTM ở xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa).

Nhiều thách thức

Tại hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng NTM năm 2017 vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu thừa nhận, mặc dù đã hoàn thành mục tiêu có thêm 19 xã về đích song quá trình triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tiến độ thực hiện những tháng đầu năm chuyển biến chậm, các địa phương chưa dành nhiều sự quan tâm cho các xã tiêu chí đạt thấp, khó khăn hoặc chưa được bố trí vốn trong năm. Việc tham mưu, phân bổ nguồn vốn chậm, tiến độ giải ngân thấp, nợ xây dựng cơ bản còn cao; việc xử lý chất thải sau khi tập kết trong tiêu chí môi trường còn hạn chế...

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói: “Xây dựng NTM đã khó, thực hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người lại càng khó hơn. Một đặc điểm chung là xuất phát điểm xây dựng NTM ở Lục Ngạn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội yếu và thiếu đồng bộ, giao thông đi lại không thuận lợi, cách xa các khu trung tâm thương mại; đời sống của cư dân ở các xã vùng cao thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao... Chính điều này khiến việc hoàn thành các tiêu chí NTM gặp không ít khó khăn”.

Là địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn cao nhất tỉnh (chiếm 82,3%) song để đưa ba xã còn lại về đích, huyện Việt Yên cũng gặp trở ngại. Đến nay, xã Nghĩa Trung đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, xã Vân Hà 16/19 tiêu chí và xã Minh Đức 13/19 tiêu chí. Qua đánh giá, những tiêu chí còn lại mà các xã chưa hoàn thành tập trung vào tiêu chí môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, giao thông, trường học. Đây là những nội dung cần rất nhiều nguồn lực để hoàn thiện.

Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức (Việt Yên) cho biết: “Để về đích đúng hẹn, chúng tôi đang xem xét, điều chỉnh một số hạng mục công trình trong các tiêu chí về giao thông, thủy lợi sao cho hợp lý, vừa bảo đảm về thời gian vừa có đủ nguồn lực để thực hiện”. Tương tự, 5 xã đăng ký về đích trong năm nay của huyện Lạng Giang cũng gặp không ít thách thức. Trong đó, cần quy hoạch các bãi tập kết rác thải sao cho phù hợp; tiến hành kiện toàn, củng cố các tổ vệ sinh môi trường; tổ chức triển khai, thực hiện việc thu phí môi trường theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra; tập trung hoàn thiện việc xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân. Đối với tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa, các xã cũng cần nguồn lực lớn để thực hiện.

Sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn

Những ngày này, người dân và chính quyền xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa) đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng NTM. Để hoàn thành xây dựng một nhà văn hóa, ba nghĩa trang nhân dân và 2 km đường giao thông, Đảng ủy, UBND xã tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở, vận động nhân dân hiến đất, ngày công để thực hiện. Mới đây, Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề về phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM. Theo đó, từng đồng chí gương mẫu thực hiện chủ trương này, tăng cường vận động gia đình, người thân đóng góp công sức để thực hiện. Trong các buổi sinh hoạt hằng tháng, từng đảng viên báo cáo kết quả công tác tuyên truyền, vận động. 

Tương tự, tại xã Thắng Cương (Yên Dũng), để về đích đúng hẹn vào quý II năm 2018, địa phương xác định dồn sức cho tiêu chí môi trường, cơ sở vật chất và giao thông. Theo đó, xã tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm; khoản đóng góp của người dân được thu căn cứ theo thực tế diện tích đất nông nghiệp mà nông dân sử dụng. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã nói: "Với quyết tâm không để phát sinh nợ, xã chỉ triển khai thực hiện các công trình khi bảo đảm đủ 30% vốn đối ứng và được UBND huyện phê duyệt. Đặc biệt, xã "liệu cơm gắp mắm", không cố dồn sức để xây dựng nhà văn hóa xã mà tận dụng nhà văn hóa các thôn để tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng".

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương khác cho thấy, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay đầu năm nay, các địa phương đã chủ động phân bổ ngân sách cho các xã được giao về đích. Tại huyện Yên Dũng, ở kỳ họp thứ 7, HĐND huyện đã ra nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngay trong tháng 2-2018, huyện bố trí ngân sách hỗ trợ mỗi xã về đích năm nay là 500 triệu đồng. Tương tự, từ nguồn ngân sách huyện, năm nay Lạng Giang bố trí 12,5 tỷ đồng hỗ trợ 5 xã xây dựng NTM gồm: Tiên Lục, Mỹ Hà, Đào Mỹ, Mỹ Thái và Hương Lạc, mỗi xã 2,5 tỷ đồng. Cùng đó, huyện còn hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho 5 xã đăng ký về đích năm 2019.

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Qua nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, chúng tôi yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã phải tập trung cao cho công tác này, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cán bộ xã, thôn bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, tìm cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm động viên toàn dân cùng tham gia xây dựng NTM. Quá trình thực hiện, huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình bảo đảm tiến độ; cơ quan chức năng bám sát cơ sở, hướng dẫn, giúp đỡ các xã hoàn thiện các tiêu chí”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...