Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bất cập trong quản lý nghĩa trang nhân dân: Kỳ II - Không để cái khó "bó" văn minh

Cập nhật: 08:43 ngày 19/12/2017
(BGĐT) - “Sinh - lão - bệnh - tử” vốn là quy luật của con người. Do vậy việc bố trí nơi an táng cho người qua đời tại các nghĩa trang và quản lý theo quy hoạch là vấn đề cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý tốt về đất đai.
{keywords}

Công viên Lạc Hồng Viên (tỉnh Hòa Bình), mô hình được tham khảo để dự kiến xây dựng Công viên nghĩa trang An Phúc Viên tại Lục Nam. Ảnh: Trịnh Lan.

Tin liên quan {keywords}

Quy định lỏng lẻo, chậm theo quy hoạch

Tình trạng tùy tiện đặt mộ, tự ý biến đất nông nghiệp thành nơi an táng có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết do gia đình người đã khuất nhận thức chưa đúng về khoa học môi trường và các quy định nếp sống văn minh trong việc tang. Nhiều hộ có tâm lý chọn hướng, chọn đất “vượng” để an táng người thân với hy vọng con cháu làm ăn phát đạt. Không chỉ vậy, theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, một số nghĩa trang nhân dân (NTND) quá tải, đã và sắp đóng “cửa” nên nhiều hộ đưa người thân qua đời đến nơi khác an táng, mua đất làm nghĩa trang riêng.

Đơn cử từ tháng 6-2016, quỹ đất dành cho hung táng tại nghĩa trang Tân An không còn. Các nghĩa trang tại phường Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú, Ngô Quyền, Mỹ Độ (TP Bắc Giang) hình thành từ lâu nay quá đã quá tải, phải đóng cửa. Ở một số xã miền núi, do địa hình, giao thông đi lại khó khăn, đất vườn rộng nên nhiều hộ tùy tiện chôn người mất trong vườn. Việc an táng lộn xộn còn do công tác quy hoạch, quản lý của các cấp chính quyền chưa thực hiện bài bản, nhất là cấp xã.

Trước năm 2011, phần lớn NTND hình thành tự phát, không có người quản trang cũng như quy chế quản lý nên khi có người qua đời, nhiều hộ tự ý xây mộ. Trong khi theo Điều 84, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch, có vị trí, khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường (VSMT), cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Nghĩa trang cách khu dân cư đối với mộ hung táng là 2,5 km và cát táng 2 km.

Được biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2011 đến 2013, tất cả các xã trong tỉnh được phê duyệt quy hoạch NTND. Theo đó, mỗi xã có từ 3-7 nghĩa trang tập trung quy mô thôn, liên thôn hoặc xã. Tuy nhiên kể từ khi được phê duyệt đến nay, không phải nơi nào cũng làm theo quy hoạch. Phần lớn các xã thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng mở rộng diện tích, xây dựng hoàn thiện hệ thống tường bao, phân khu hung táng, cát táng cho nghĩa trang. Ông Lê Đắc Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Đào (Lạng Giang) cho biết: “Hiện nay, xã có 5 nghĩa trang được quy hoạch trên cơ sở nghĩa trang cũ. Để xây dựng và mở rộng, bảo đảm có tường ngăn cách khu dân cư, phân khu an táng riêng biệt, mỗi nghĩa trang cần khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này rất lớn, xã chưa thể bố trí”. Nhiều xã khác ở các huyện và TP Bắc Giang cũng chưa thực hiện được nội dung này.

Ngoài nguyên nhân trên, chính quyền cấp xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều nơi ngại va chạm, sợ “phạm yếu tố tâm linh” vì “nghĩa tử là nghĩa tận”(!)… nên làm ngơ trong xử lý vi phạm.  Ông Dương Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Vũ Xá (Lục Nam) bức xúc: “Chúng tôi đã tuyên truyền nhưng có hộ vẫn lén lút xây mộ trên đất ruộng, khi phát hiện thì “sự đã rồi”, chỉ nhắc nhở chứ không thể phạt hoặc yêu cầu chuyển mộ!”. Điều này còn khiến cư dân sống gần nghĩa trang tự phát bức xúc không biết kêu với ai. Nhiều trường hợp chấp nhận “sống chung với mồ mả”.

Trước tình trạng đặt và xây mộ trên đất ruộng, ông Phí Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) thừa nhận, địa phương biết việc này là vi phạm pháp luật về đất đai nhưng liên quan đến yếu tố tâm linh, xã không thể cưỡng chế di dời. Điều này đồng nghĩa với việc tạo tiền lệ xấu cho các hộ khác làm theo, khó xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, chính quyền một số huyện, TP chưa sát sao trong chỉ đạo, kiểm tra, yêu cầu các xã quản lý, xây dựng nghĩa trang theo quy định. Ông Ngô Quang Thế, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cho rằng: “Trong khi NTND của phường đóng cửa, nghĩa trang Tân An cơ bản đã hết chỗ hung táng, có chăng phải tận dụng lại, rất mất vệ sinh. Nhiều gia đình lo lắng chưa biết sẽ an táng người thân qua đời ở đâu?”.

{keywords}

Mộ được an táng theo hàng lối tại NTND thị trấn Vôi (Lạng Giang). Ảnh: Hải Minh.

Siết chặt quản lý

Theo Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gia đình có người qua đời phải báo với UBND xã, thị trấn, ban lãnh đạo thôn để tổ chức an táng có trật tự, đúng nơi quy định.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung cao thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó tiêu chí 17 về môi trường quy định chi tiết việc xây dựng nghĩa trang phải theo quy hoạch, bảo đảm lâu dài. Nội dung này cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo tại Kết luận số 43 ngày 11-5-2017 về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn… Trong đó nêu rõ, nghĩa trang phải có tường bao, khu hung táng, cát táng riêng, xử lý nước, rác thải và chôn cất theo hàng lối.

Thực hiện chỉ đạo trên, một số địa phương đã dành kinh phí cải tạo, mở rộng nghĩa trang. Đơn cử tại thị trấn Vôi (Lạng Giang), ngân sách dành hơn 1 tỷ đồng xây tường bao, cống rãnh thoát nước thải, phân khu an táng. Tại đây, mộ được đặt theo hàng lối, cùng hướng, đúng khoảng cách, diện tích từ 3-5 m2. Tương tự, tại thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh cũng quản lý việc an táng đúng quy định. Đến nay, toàn huyện Lạng Giang có 50% số xã thực hiện an táng theo hàng lối. Ông Ngô Minh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm 2017, huyện có văn bản yêu cầu tất cả các xã, thị trấn bổ sung công tác bảo đảm VSMT vào hương ước, quy ước làng văn hóa, trình UBND huyện phê duyệt. Đồng thời ban hành quy định quản lý NTND theo quy hoạch. Hộ không thực hiện đúng quy ước, hương ước sẽ không xét danh hiệu gia đình văn hóa, đồng thời xử lý nghiêm việc vi phạm về đất đai nếu đặt mộ sai quy định”.

Tại huyện Tân Yên, NTND thị trấn Cao Thượng được quản lý dựa vào quy chế do thị trấn xây dựng theo diện tích nhất định, khoảng cách tối đa giữa hai hàng mộ là 1 m, giữa hai mộ là 0,8 m, chiều cao tối đa 2 m… Theo ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, để thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang theo quy định của UBND tỉnh, địa phương đã giao các thôn, tổ trưởng tổ liên gia và nhân dân giám sát, kịp thời ngăn ngừa vi phạm trong việc an táng. Nơi nào để xảy ra tình trạng xây mộ trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm.

Đi đôi với giải pháp trên, hằng năm, UBND tỉnh dành 8-10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ cho các xã thực hiện tiêu chí môi trường. Đặc biệt, để từng bước giảm thiểu tình trạng quá tải tại các NTND, đầu năm 2017, tỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên nghĩa trang An Phúc Viên tại xã Cương Sơn và Nghĩa Phương (Lục Nam). Nghĩa trang này sẽ áp dụng cát táng và chôn cất một lần trên tổng diện tích dự kiến hơn 100 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời giao Sở Xây dựng lập quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.

Theo ông Vi Thanh Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thời điểm này, Sở đang tổ chức khảo sát, lập quy hoạch một số nghĩa trang quy mô lớn. Cùng đó, đơn vị sẽ rà soát quy hoạch NTND tại các xã, quy định lại vị trí xây dựng, nhà tang lễ và hỏa táng theo quy chuẩn. Để có nghĩa trang vùng tỉnh, từng bước giảm thiểu quá tải tại các NTND hiện nay, Sở Xây dựng đề nghị các huyện, TP và đơn vị liên quan di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ, phân tán, có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng, xây dựng lộ trình đóng cửa nghĩa trang không phù hợp quy hoạch. Lập quy hoạch chi tiết và tích cực kêu gọi xã hội hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTND bảo đảm tiêu chí môi trường theo quy hoạch NTM.

Nhiều ý kiến cho rằng, các huyện, TP cần tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân thực hiện an táng văn minh, đưa việc quản lý, sử dụng NTND vào quy ước của tất cả thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời xây dựng mô hình điểm và nhân rộng, có cơ chế khuyến khích người dân thực hiện hỏa táng, điện táng và mai táng một lần khi người thân qua đời, vừa tiết kiệm quỹ đất lại bảo đảm VSMT.

Bảo Khánh - Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...