Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vun đắp tình thầy trò

Cập nhật: 10:44 ngày 20/11/2017
(BGĐT) - Tình thầy trò vốn là một đạo nghĩa truyền thống thiêng liêng, được truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Cha ông xưa có câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Người đã mở mang kiến thức cho mình luôn được tôn kính và biết ơn suốt cuộc đời. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà giáo Ưu tú Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên nêu góc nhìn về vấn đề này.
{keywords}

Cô và trò Trường THPT Ngô Sĩ Liên tại thư viện nhà trường.

Gần đây, nhiều người cho rằng tình thầy trò bị “thương mại hóa” do “cơ chế thị trường”. Cá nhân thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

{keywords}

Nhà giáo ưu tú Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên.

Nhiệm vụ cao cả của nghề dạy học là  dạy chữ - dạy người - dạy nghề. Ở mọi miền của Tổ quốc, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo có rất nhiều thầy, cô giáo vượt qua khó khăn của đời thường, ngày đêm tận tâm, tận lực dạy chữ, dạy người và dạy nghề cho con em các dân tộc. Ở đó tình cảm thầy - trò gắn bó mật thiết, “thầy ra thầy - trò ra trò”, đạo nghĩa truyền thống vẫn được giữ gìn.

Xã hội nhìn vào bức tranh của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hiện nay thấy nổi lên hiện tượng này, hiện tượng kia. Để xảy ra như vậy là do thiếu kỷ cương, nền nếp đồng thời việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và giáo viên chưa được làm thường xuyên. Đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan và sâu sắc hơn thì sẽ thấy tình thầy - trò vẫn còn vẹn nguyên, không bị lơ là, suy thoái hay đổi hướng như một số nhận định. Mặc dù có tiêu cực xuất hiện trong ngành giáo dục nhưng không thể nói rằng văn hóa Việt Nam đã mất đi vẻ đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo.

Được biết năm nay, Trường THPT Ngô Sĩ Liên sẽ đổi mới cách thức tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đề nghị thầy cho biết những điểm mới cụ thể là gì?

Chủ trương của nhà trường là tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam trang trọng, ý nghĩa, hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời làm tốt công tác phối hợp giáo dục với cha mẹ học sinh, tạo được dấu ấn và tình cảm trong sáng, tốt đẹp.

Nhà trường không nhận hoa và quà tặng của cha mẹ học sinh. Nếu cha mẹ học sinh có lòng hảo tâm thì chuyển kinh phí vào Quỹ phát triển Giáo dục của nhà trường để ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng các em học sinh giỏi văn hóa, khoa học - kỹ thuật, văn nghệ, thể dục thể thao.

Trong Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ban Giám hiệu khen thưởng các nhà giáo có nhiều thành tích trong đợt thi đua đầu năm học và học sinh đoạt giải học sinh giỏi văn hóa các cấp. Đặc biệt, nhà trường trao học bổng và quà tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, cận nghèo; con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, bị chất độc da cam. Học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, con liệt sĩ, con thương binh hạng 1/4 được nhà trường miễn 100%; học sinh con các đối tượng còn lại được giảm 50% tiền học thêm buổi chiều. Nhà trường tổ chức gặp mặt tri ân các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ đồng thời tổ chức chung kết cuộc thi “NSL school in my heart!” bằng tiếng Anh và cuộc thi “Tìm kiếm học sinh tài năng Ngô Sĩ Liên”. Đoàn trường phát động mỗi lớp tự làm 5 thiệp thủ công chúc mừng 20 - 11 để tặng các nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong buổi lễ.

Có ý kiến cho rằng tri ân thầy cô không chỉ thể hiện vào ngày này. Tình thầy trò là mối quan hệ đặc biệt cần vun đắp, nuôi dưỡng hằng ngày, nó tồn tại ngay cả khi học sinh đã rời ghế nhà trường, thậm chí tóc thầy cô, tóc học trò đã bạc. Ý kiến của thầy?

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ nhận định trên. Để làm được việc này đòi hỏi tầm nhìn của nhà trường và sự nỗ lực thực hiện của các lực lượng làm công tác giáo dục. Cụ thể là thường xuyên làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng trong học sinh; công tác giáo dục truyền thống xây dựng và phát triển nhà trường. Tổ chức các hoạt động tập thể giữa thầy và trò, tăng cường các kỹ năng mềm; thường xuyên tổ chức hội nghị giao lưu giữa các ban cán sự lớp với ban giám hiệu. Xây dựng ban liên lạc cựu học sinh và ban liên lạc cựu giáo chức để tuyên truyền, tập hợp các hoạt động hướng về nhà trường, chung tay xây dựng trường bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Trường làm tốt công tác truyền thông; xây dựng được các yếu tố điển hình, giá trị cốt lõi làm nền tảng văn hóa; xây dựng được hình mẫu phong cách nhà giáo và phong cách học sinh. Tổ chức hoạt động giao lưu, hướng nghiệp có sự phối hợp của cựu giáo viên, cựu học sinh và cựu cha mẹ học sinh; tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Thầy giáo Ngô Thanh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

{keywords}

Ngày xưa khi đời sống khó khăn, trường lớp học đơn sơ nhưng tình cảm thầy trò dung dị, đầm ấm. Dù không thường xuyên gặp gỡ nhưng tôi luôn dõi theo và vui mừng khi thấy học trò của mình thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội. Ở thời kỳ nào, xã hội đều coi trọng sự học, dành tình cảm yêu mến, quý trọng người thầy. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên hiện nay chưa bắt nhịp với yêu cầu của thời đại, chậm đổi mới, chưa chuyên tâm công việc. Đâu đó vẫn có người bị tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, quá coi trọng vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Điều này khiến hình ảnh người thầy trong xã hội và tình cảm thầy trò bị ảnh hưởng. Để hình ảnh người thầy mãi đẹp đòi hỏi mỗi nhà giáo cần đổi mới, nắm vững kỹ năng, phương pháp để tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả. Người thầy có kiến thức sâu rộng, chuẩn mực đạo đức, hết lòng vì học sinh chắc chắn sẽ tạo sức lan toả tích cực và là phương pháp giáo dục tối ưu nhất.

Thầy giáo Hà Phi Trường, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp (Lục Ngạn):

{keywords}

Mỗi năm, Ngày Nhà giáo Việt Nam, học trò đều đến thăm, tặng quà tôi và tôi cũng vẫn giữ nếp về thăm thầy, cô giáo ngày xưa của mình. Món quà chứa đựng tình cảm chân thành của người tặng, chứ không nặng giá trị vật chất. Học trò ở xã Hộ Đáp thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, chủ yếu là người Tày, Nùng. Cách tri ân của các em cũng mộc mạc, giản dị mà vẫn ấm tình thầy trò. Những món quà thường là củ khoai, sắn, mớ rau, con cá suối, nhành hoa rừng… Học trò miền núi cũng kiệm lời hơn, không thổ lộ tình cảm bằng ngôn từ hoa mỹ với thầy cô nhưng nhìn ánh mắt các em, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự trìu mến, trân trọng. So với đồng nghiệp ở đô thị, giáo viên vùng cao tuy thiệt thòi hơn nhưng tôi luôn hài lòng, tâm huyết với công việc truyền tri thức, dạy làm người cho lớp lớp học trò nơi đây.

Hoàng Thư, cựu học sinh Trường THPT Lạng Giang I, sinh viên Khoa kinh tế ngành dịch vụ toàn cầu, Đại học Daegu Haany (Hàn Quốc):

{keywords}

Khi còn học phổ thông, tôi cảm nhận tình thầy trò như cha, mẹ, anh chị với con em. Nay là sinh viên, tôi quan niệm về tình thầy trò cũng khác. Thầy cô đóng vai trò người hướng dẫn nhiều hơn nên tình cảm gần gũi, ít khoảng cách. Những thầy cô như vậy thường được sinh viên yêu quý, có hứng thú với môn học hơn. Cách thể hiện tình cảm thì rất nhiều. Sinh viên thường mời thầy cô cùng tham gia liên hoan, đi picnic, tạo ra không khí cởi mở, vui vẻ và gắn bó. Nhiều cuộc vắng thầy cô là kém vui bởi các thầy cô thường giàu kinh nghiệm sống, đôi khi còn là hạt nhân văn nghệ, cây hài của nhóm.

Ở Hàn Quốc, giáo viên đại học được gọi là giáo sư. Lương giáo sư rất cao, có thể nuôi cả nhà sống dư dả nên họ rất tâm huyết. Nếu sinh viên mệt mỏi, lỡ ngủ gật thầy vẫn kiên nhẫn dạy và nói chuyện vui, không khí học tập rất thoải mái. Truyền thống tôn sư trọng đạo của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên giáo sư là một trong những nghề được coi trọng nhất ở đất nước này.

Nhóm PV (ghi)

Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...