Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tái diễn lạm thu đầu năm học: Kỳ II - Xử lý nghiêm, giám sát chặt

Cập nhật: 11:00 ngày 10/10/2017
(BGĐT) - Vì sao tình trạng lạm thu tái diễn hết từ năm học này đến năm học khác? Câu trả lời do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu từ phía ngành giáo dục, người đứng đầu các trường học và cả phụ huynh học sinh. Để giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và từ mỗi phụ huynh học sinh.
{keywords}
   Tái diễn lạm thu đầu năm học: Kỳ I - Núp bóng thỏa thuận, tự nguyện
{keywords}

Cán bộ Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Lục Nam thẩm định những khoản dự kiến thu của các trường trong năm học 2017-2018.

Truy nguyên nhân

Được biết, vài năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều có văn bản hướng dẫn khoản thu đầu năm học mới đối với các trường công lập trên địa bàn toàn tỉnh song việc lạm thu không giảm mà còn có xu hướng tăng; các khoản thu tự nguyện, thỏa thuận được đưa ra dưới nhiều hình thức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu song trước hết do phòng GD&ĐT một số huyện, TP và trường học chưa làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Khi nhóm phóng viên tiếp cận, tìm hiểu về các trường hợp trước đây thu sai quy định đã bị xử lý, hầu hết lãnh đạo phòng giáo dục huyện, TP đều né tránh cung cấp thông tin với lý do "nhạy cảm". Từ năm 2015 đến nay, Thanh tra Sở GD&ĐT cũng chỉ xử lý được ba trường học (hai trường tiểu học ở huyện Lục Nam và Việt Yên; một trường mầm non ở huyện Hiệp Hòa) do triển khai một số khoản thu chưa đúng quy định. 

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Sở cho biết: "Sở dĩ số lượng cơ sở giáo dục bị xử lý ít vì đây là những vụ việc do thanh tra Sở trực tiếp kiểm tra, thanh tra theo đơn thư hoặc qua theo dõi, nắm bắt. Thực tế số bị nhắc nhở, xử lý ở các trường học do phòng giáo dục huyện, TP quản lý có thể cao hơn nhưng trong báo cáo hằng năm các đơn vị không phân loại, thống kê chi tiết".

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng lạm thu diễn ra thời gian qua còn có sự tham gia đắc lực của các ban đại diện cha mẹ học sinh. Các ban đại diện thường do hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đề xuất, tiến cử. Do đã được "chọn mặt gửi vàng" nên khi ngồi vào vị trí ban đại diện, nhiều trường hợp có tâm lý "giáo viên, nhà trường triển khai gì, mình hô hào phụ huynh làm vậy". Chính vì thế, vô hình chung ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành "cánh tay nối dài" giúp các trường, lớp thực hiện nhiều khoản thu khác nhau. 

Có ý kiến cho rằng, nếu không được sự đồng ý của ban đại diện cha mẹ học sinh, chắc chắn không có nhiều khoản thu như vậy. Tìm hiểu những người đã từng làm trong ban đại diện này được biết, thông thường, trước khi thông qua danh sách các khoản thu đầu năm học, hiệu trưởng sẽ họp cùng trưởng các ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến khoản thu ấn định sẵn. Phần lớn ý hiệu trưởng thế nào, trưởng ban đại diện nhất trí theo. Do có "che chắn" của ban đại diện cha mẹ học sinh nên nảy sinh việc thu tiền nhiều mục không cần thiết.

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến đã phân tích, mổ xẻ trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh khi để xảy ra lạm thu. Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dù Điều lệ hoạt động của ban này quy định không được thu các khoản tiền như: Bảo vệ; xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp; vệ sinh lớp học, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học…, nhưng ở nhiều nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn đứng ra thu hộ. Đây chính là kẽ hở để lạm thu có "đất" sống. Khi bị phát hiện, nhà trường chỉ cần “đá” trách nhiệm sang ban này là xong.

Liên quan đến vấn đề lạm thu, ông Đào Văn Sinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Nam cho biết, nếu hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh không nêu cao tinh thần trách nhiệm chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ khó được giải quyết triệt để. Theo ông Sinh, từ ngày 12 đến 15-9 vừa qua, sau khi xem xét hồ sơ của 98 trường trực thuộc gửi lên Phòng GD&ĐT huyện đề nghị xét duyệt khoản thu, mức thu trong năm học này, tổ thẩm định của Phòng đã yêu cầu các đơn vị phải tính toán lại vì có những khoản chưa rõ ràng như tiền xã hội hóa, ăn bán trú, đồng phục học sinh; mức thu chưa hợp lý, nhất là khối mầm non và tiểu học...

Tâm lý e ngại của các bậc phụ huynh không dám đấu tranh, tố giác hành vi lạm thu trong các trường học cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trên tồn tại dai dẳng nhiều năm nay. "Phía Sở GD&ĐT rất ít khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng lạm thu trong trường học", ông Trần Văn Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT nói. Đầu năm học 2017-2018, phóng viên đã trực tiếp theo dõi một số buổi họp phụ huynh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh và nhận thấy, hầu hết phụ huynh không dám phản ứng ngay trước lớp về các khoản thu và mức thu vì tâm lý nể nang, e ngại hoặc có phản ánh cũng chỉ là ý kiến thiểu số dễ bị bỏ qua. Anh Lê Văn Thành, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) tâm sự: "Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, tiếng là được bàn bạc công khai, dân chủ các khoản thu nhưng thực tế chẳng ai mạnh dạn phát biểu vì sợ cô giáo hoặc nhà trường không quan tâm hoặc trù dập con mình".

Vấn đề đặt ra nữa là một số địa phương và cơ sở giáo dục cho rằng, do ngân sách chi cho các hoạt động của nhà trường còn hạn hẹp, cơ sở vật chất giáo dục xuống cấp nên cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh theo phương châm xã hội hóa giáo dục. Nêu ý kiến trên báo Dân Trí, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) phân tích: Các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng nhưng về nguyên tắc phải bảo đảm chi cho lương là 82% và 18% cho các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, ở một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên khi phân bổ chưa bảo đảm cơ cấu chi như trên mà đa phần là chi tới 90% hoặc cao hơn cho lương và các khoản theo lương, dẫn tới thiếu hụt phần chi cho hoạt động thường xuyên. 

Về chủ trương chung là đúng nhưng có những trường dù cơ sở vật chất khá khang trang, đầy đủ, hiện đại, ngân sách địa phương chi cơ bản bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục hằng năm song vẫn đưa ra nhiều khoản thu nhưng mục đích chính lại không phải phục vụ cho hoạt động giáo dục. Ông Thân Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng (Yên Dũng) bày tỏ: Với những địa phương ngân sách còn khó khăn thì việc xã hội hóa các khoản đóng góp là cần thiết nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, không chia đều bình quân. "Nếu lạm dụng việc làm này vô hình chung nhà trường chất lên vai phụ huynh gánh nặng tài chính", ông Hoàn nói.

{keywords}

Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang phối hợp với Thanh tra Sở GD&ĐT phổ biến quy định về những khoản thu thỏa thuận, tự nguyện cho hiệu trưởng và kế toán các trường học trên địa bàn.

Cộng đồng trách nhiệm

{keywords}

Lâu nay phụ huynh phản ánh rất nhiều về tình trạng lạm thu, thế nhưng dường như việc kiểm tra, xử lý kỷ luật của ngành giáo dục rất ít. Đã đến lúc chúng ta phải làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, không thể "đánh trống bỏ dùi". Đặc biệt, phải xử lý nghiêm hiệu trưởng và giáo viên các trường nếu vi phạm quy định".


Ông Giáp Minh Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh

Câu chuyện lạm thu sẽ không bao giờ hết "nóng" nếu không có sự vào cuộc của chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi gia đình có con em theo học. Qua tiếp xúc với phụ huynh học sinh, nhiều người mong muốn, khi Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về vấn đề này nên sát hợp hơn. Đơn cử như quy định thu tiền học 2 buổi/ngày đối với các trường tiểu học không đủ giáo viên, sau khi triển khai xuống cơ sở đã vấp phải nhiều phản ứng từ các bậc phụ huynh. 

Mặt khác, nên chăng Sở GD&ĐT có quy định chi tiết hơn nữa những khoản nào được phép thu, mức thu bao nhiêu là phù hợp với từng vùng, miền; không để các trường "vin" vào các khoản thu tự nguyện, thỏa thuận để hợp lý hóa việc lạm thu. Ông Giáp Minh Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh đề xuất, nên tăng cường sự giám sát chặt chẽ của  chính quyền, đoàn thể ở địa phương vì nếu phó mặc cho ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không hiệu quả. "Sự tham gia của HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và ban thanh tra nhân dân ở địa phương tại mỗi cuộc họp của trường, lớp có vai trò rất quan trọng. Khi được bàn bạc công khai, minh bạch, dân chủ và giám sát chặt chẽ sẽ hạn chế việc lạm thu", ông Quang nói.

Mỗi trường, lớp phải lựa chọn được một ban đại diện cha mẹ học sinh dám nói thẳng, nói thật, tuyệt đối không biến mình là "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp. Ông Nguyễn Văn Thụy, người từng nhiều năm được bầu trong Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Hương Mai (Việt Yên) chia sẻ: Đối với những khoản thu chưa cần thiết, không hợp lý, phụ huynh phải có chính kiến, quan điểm rõ ràng, không thể lấy lòng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm mà đồng ý, để phát sinh lạm thu.

Kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân khi đưa ra những khoản đóng góp của phụ huynh học sinh trái với quy định dưới bất cứ hình thức nào. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm chính đối với người đứng đầu ngành giáo dục, chính quyền địa phương và các trường học. Mặt khác, chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát các trường trong năm học; lập đường dây nóng công khai ở mỗi cơ sở giáo dục để tiếp nhận ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh và nhân dân về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Thời điểm này, các trường công lập đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt những khoản thu, mức thu. Sau khi được duyệt, căn cứ Quyết định số 16/2007 QĐ-UBND của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 525 của Sở GD&ĐT, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm".

Với quyết tâm của UBND tỉnh cũng như ngành giáo dục, sự hợp tác tích cực của người dân, hy vọng những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, tiến bộ.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...