Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Biến đồng ruộng thành... ao hồ, nhà ở

Cập nhật: 09:42 ngày 06/07/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai. Nổi lên là người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Thực trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến đất đai bị thoái hóa, biến dạng, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
{keywords}

Khu ruộng của gia đình ông Phạm Công Thiện, thôn Ba Mô, xã Ngọc Lý (Tân Yên) chuyển sang ao nuôi thủy sản.

"Bờ xôi ruộng mật" biến dạng

Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Yên cho biết, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có hơn 260 trường hợp vi phạm về đất đai, chủ yếu là chuyển từ đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản và đất phi nông nghiệp với diện tích hơn 150 nghìn m2. Riêng năm ngoái có gần 50 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích. Xã Ngọc Lý là ví dụ. Từ năm ngoái đến nay, nhiều thửa ruộng canh tác lúa trong xã vốn là “bờ xôi, ruộng mật”, sau khi dồn điền đổi thửa (năm 2015), một số hộ dân đã tự ý thuê máy móc, nhân công đào ao, kè bờ chắc chắn để nuôi thả cá.

Cách trục đường thôn Ba Mô chưa đầy chục mét là ao nuôi thủy sản của gia đình ông Phạm Công Thiện rộng hơn 4,5 nghìn m2. Trước đây, diện tích này được người dân cấy lúa song từ khi ông Thiện nhận đổi ruộng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo lãnh đạo UBND xã Ngọc Lý, năm 2016, toàn xã có 10 trường hợp vi phạm tương tự. Mặc dù UBND xã đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 30 triệu đồng và yêu cầu các hộ khôi phục lại hiện trạng đất song đến nay vẫn “đâu đóng đấy”.

Tại Lục Nam, qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, huyện có gần 2,5 nghìn trường hợp chuyển đổi đất trồng lúa, trồng cây hằng năm sang cây lâu năm; 90 hộ tự ý chuyển đất lúa sang nuôi thủy sản và hơn 1 nghìn trường hợp chuyển đất vườn đồi, đất ruộng làm đất ở, sản xuất kinh doanh. Ví như trong ba năm (2012 -2014), Công ty TNHH Phương Sơn, thôn An Thịnh, xã Cương Sơn nhận chuyển nhượng gần 2,5 nghìn m2 đất cấy lúa của các hộ dân được Nhà nước giao lâu dài, sau đó “biến” thành bãi tập kết nguyên liệu sản xuất gạch ngói.

Việc sử dụng đất lúa không đúng mục đích còn xảy ra ở các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn. Lỗi vi phạm chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng cây lâu năm, đào ao nuôi thủy sản; làm xưởng sản xuất gỗ, sửa chữa ô tô; xây dựng lán trại trồng nấm, công trình chăn nuôi; xây nhà ở, trông coi trang trại.

{keywords}

Nhiều hộ dân xâm lấn đất lúa tại xã Vân Trung (Việt Yên).

Ngăn chặn kịp thời

{keywords}
Sở TN&MT đang phối hợp với các huyện, TP rà soát, kiểm tra công tác sử dụng đất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất lúa của tỉnh để thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, qua đó xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở TN&MT

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xâm lấn, tự ý làm biến dạng đất lúa là do các tổ chức, cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt nên bất chấp quy định của pháp luật về sử dụng đất. Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân khi bị xử phạt song chỉ nộp tiền nhưng chây ỳ khôi phục hiện trạng. 

Đơn cử như ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa), năm ngoái có 5 hộ dân tự ý chuyển đất lúa sang xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ, nhà cấp 4, chuồng trại chăn nuôi bị phạt hàng chục triệu đồng nhưng đến nay đã quá hạn nhưng vẫn chưa tháo dỡ công trình theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh), ngoài nguyên nhân trên, chính quyền cấp huyện, xã, lãnh đạo thôn ở một số nơi còn buông lỏng quản lý đất đai, thậm chí làm ngơ, bao che vi phạm. Thậm chí có nơi không kiên quyết xử lý dứt điểm, chỉ phạt vi phạm hành chính mà không làm tốt công tác hậu kiểm nên tạo tiền lệ xấu. Bởi thế, tại một số địa phương có nhiều công trình xây dựng trên đất lúa giữa “thanh thiên bạch nhật” tồn tại đã nhiều năm song chưa được tháo dỡ.

Để ngăn chặn kịp thời vi phạm, không để phát sinh mới, trước hết UBND các huyện, TP, các xã, thị trấn cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 59 ngày 12-8-2016 của Văn phòng Tỉnh ủy về công tác quản lý đất đai. Theo đó, định kỳ mỗi tháng một lần, người đứng đầu cấp huyện đi kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo thực trạng theo từng tuần, nơi nào buông lỏng quản lý, chậm phát hiện sai phạm, huyện sẽ kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu. Cùng đó, các huyện, TP tăng cường tuyên truyền Luật Đất đai tới đông đảo người dân. Chính quyền cấp xã, nhất là đội ngũ lãnh đạo thôn tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, sớm ngăn chặn sai phạm.

Đi đôi với các giải pháp trên, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở đang phối hợp với các huyện, TP rà soát, kiểm tra công tác sử dụng đất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, Sở căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất lúa của tỉnh để thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, đồng thời đề nghị các huyện, TP xử phạt vi phạm và áp dụng chế tài mạnh cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...