Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Chú trọng kiểm soát chất lượng phân bón

Cập nhật: 13:43 ngày 02/06/2017
(BGĐT) - Trước thực trạng các loại phân bón vô cơ giả, chất lượng kém được bày bán công khai gây thiệt hại, mất lòng tin của người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT- Sở Công thương) đã cùng các lực lượng chức năng trong tỉnh Bắc Giang phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều cơ sở vi phạm.
{keywords}

Đội QLTT Chống hàng giả (Chi cục QLTT) kiểm tra chất lượng phân bón trên địa bàn TP Bắc Giang.

Nhiều vi phạm được chỉ rõ

Khoảng 16 giờ, ngày 12-5, Đội QLTT Chống hàng giả (Chi cục QLTT) cùng Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất phân bón giả, không có giá trị sử dụng của Công ty TNHH Xuất khẩu TMTH TĐ - đơn vị chuyên sản xuất bao bì, phân bón NPK tổng hợp trên địa bàn TP Bắc Giang. 

Lực lượng chức năng đã thu giữ 1,9 tấn phân bón NPK TP 12-6-2+TE thành phẩm tại đơn vị. Doanh nghiệp này bị xử phạt 60 triệu đồng, bị đình chỉ sản xuất phân bón NPK TP 12-6-2+TE trong thời gian 18 tháng; tịch thu, buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm. 

Theo quy định trước đây, việc quản lý phân bón vô cơ được giao cho Bộ Công thương; phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Do có sự cắt khúc, chồng chéo làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đầu năm 2017, Chính phủ quyết định giao việc quản lý nhà nước về phân bón cho Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hiện các bộ, ngành đang hoàn thiện cơ chế pháp lý chuyển giao, giúp công tác quản lý phân bón quy về một đầu mối thống nhất trên toàn quốc.

Ngày 3-4-2017, Đội QLTT huyện Lục Nam, Công an huyện Lục Nam phối hợp kiểm tra, phát hiện xưởng sản xuất phân bón của Công ty cổ phần Phân bón Hà Bắc tại thôn Phương Lạn 5, xã Phương Sơn (Lục Nam) đang tổ chức sản xuất phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Đội QLTT huyện Lục Nam lập biên bản vi phạm hành chính trình Chủ tịch UBND huyện xử phạt 77 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất ba tháng. 

Cũng liên quan đến doanh nghiệp này, trước đó, tại Cụm công nghiệp Xương Giang II, phường Xương Giang (TP Bắc Giang), Đội QLTT Chống hàng giả cùng Phòng An ninh kinh tế phối hợp kiểm tra, phát hiện Công ty có hành vi kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất, gia công phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 78 triệu đồng. 

Theo Chi cục QLTT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xử lý 22 vụ vi phạm về phân bón vô cơ với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng. Thực tế kiểm tra cho thấy, vi phạm chủ yếu tập trung ở các hành vi kinh doanh phân bón không xếp lên kệ, để phân bón trực tiếp xuống nền nhà; sản xuất khi chưa có giấy phép; không niêm yết giá; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa…

Tăng cường kiểm soát  

Việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả gây ra nhiều hệ lụy. Đơn cử như cách đây không lâu, nhiều hộ dân thôn Chi Lễ, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) phát hiện phân bón vón cục, màu giống gạch nung. Nghi mua phải phân bón giả nhưng do tiếc của, nhiều hộ vẫn sử dụng khiến nhiều diện tích cây trồng cho năng suất thấp. 

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, mỗi chu kỳ sinh trưởng của cây trồng đều cần bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc người dân sử dụng phải phân bón giả không những gây thiệt hại về tiền mà còn làm trơ đất, kìm hãm sự phát triển của cây trồng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản, thậm chí gây chết cây, mất mùa…   

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ. Ngoài ra, còn có gần 1 nghìn cơ sở kinh doanh phân bón, sản lượng tiêu thụ khoảng 200 nghìn tấn/năm. Nhằm kiểm soát chất lượng phân bón, hằng năm, Sở  phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công thương) khảo sát, lấy mẫu phân tích, đánh giá, cấp phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón cho các doanh nghiệp. 

Ông Hà Văn Hạnh, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công thương) cho biết, bên cạnh công tác quản lý, đơn vị cũng thường xuyên tham mưu, đề xuất Sở ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để bảo vệ mùa màng, lợi ích chính đáng của người dân. Tuy vậy, công tác kiểm soát thị trường phân bón vô cơ hiện nay đang gặp khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Để có đủ căn cứ xử lý, lực lượng chức năng buộc phải mua sản phẩm, gửi đến hai cơ sở giám định độc lập tại các TP Hải Phòng, Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 4 triệu đồng/mẫu. Thời gian giám định kéo dài từ 3 đến 4 tuần. Có những trường hợp khi nhận được kết quả thì lô hàng vi phạm đã được tiêu thụ hết nên khó thu giữ, xử lý. 

Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý sản xuất, sử dụng phân bón vô cơ. Theo đó, các đội QLTT chú trọng kiểm soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng đầu mối trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như: Công an, Sở Nông nghiệp và PTNT… mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chuyên đề ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả kém chất lượng.

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...