Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó kiểm soát chất lượng rượu thủ công

Cập nhật: 07:00 ngày 18/03/2017
(BGĐT) - Chưa có tem nhãn, nguồn gốc, thành phần… nên không chỉ khách hàng bị “tung hỏa mù” về chất lượng mà ngay các cơ sở cũng mù mờ về hàm lượng, độ an toàn của sản phẩm do mình làm ra. Đây là thực trạng đáng báo động của việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công hiện nay.
{keywords}

Hầm ủ rượu của hộ ông Nguyễn Đức Hạnh, thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên).

Sản xuất theo kinh nghiệm

Phạt tiền từ 1 đến 20 triệu đồng với các hành vi sản xuất rượu thủ công vượt quá sản lượng cho phép ghi trong giấy phép; từ 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng đối với các sản phẩm không dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước… Ngoài ra các đơn vị vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện liên quan; đình chỉ giấy phép sản xuất,  kinh doanh… 

Nguồn: Nghị định 185/2013/NĐ-CP, ngày 15-11-2013 của Chính phủ.

Theo quy định, rượu thuộc nhóm hàng hoá nhà nước hạn chế kinh doanh, các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất thủ công để bán cho các DN được cấp phép chế biến lại. Khi lưu thông, sản phẩm phải có đủ tem, nhãn, bảo đảm chất lượng, xuất xứ… Tuy vậy, quy định này thời gian qua đã không phát huy tác dụng khi rượu vẫn sản xuất, vận chuyển, buôn bán theo kiểu trôi nổi, diễn ra công khai. Khảo sát tại một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các xã, phường: Tân Tiến, Đồng Sơn, Dĩnh Kế, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) và vùng lân cận đều thấy bán sản phẩm này. Rượu được các hộ đựng trong can nhựa, thùng phuy; khi có khách mua sẽ được sang chiết qua chai, lọ không tem, nhãn. Giá bán từ 15 đến 50 nghìn đồng/lít tùy loại. Theo các tiểu thương, nguồn gốc sản phẩm được cung ứng bởi các hộ nấu rượu thủ công, một số được nhập tại làng nghề truyền thống như: Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên) và xã Kiên Thành (Lục Ngạn).  

Ngày 13-3, về thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên), chúng tôi "mục sở thị" quy trình nấu rượu thủ công của một số hộ dân. Thôn có hơn 300 hộ làm nghề thì chỉ có 4 cơ sở được cấp phép, trong đó 2 cơ sở có nhãn mác theo quy định. Hầu hết các hộ sử dụng phương pháp thủ công trao truyền. Rượu được nấu trong nồi inox, làm lạnh, chưng cất qua hệ thống vòng xoáy bằng đồng, người dân quen gọi là ruột gà. Theo kinh nghiệm của các hộ, rượu được lọc qua than hoạt tính, ủ trong chum sành khoảng 3 tháng mới đạt chất lượng, giúp loại bỏ độc tố, tạp chất. Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ một cơ sở chia sẻ, trung bình mỗi ngày ông sản xuất 60 lít rượu từ gạo nếp và gạo tẻ. Kênh tiêu thụ chủ yếu là qua người quen ở các vùng lân cận nên gia đình chưa thực hiện các thủ tục cấp phép, nhãn hiệu theo quy định.        

Cũng nấu rượu bằng phương pháp thủ công nhưng gần 200 hộ dân các thôn Rừng Gai, Khanh Mùng, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) lại sử dụng các loại men lá tự làm từ cây rừng. Với hình thức chưng cất nồi “mai rùa”, rượu được đun sôi, làm lạnh ngay trên bếp rồi mới chảy ra ngoài bằng ống tre. Bà Lý Thị Ọi, chủ hộ nấu rượu tại thôn Rừng Gai thành thật: “Vài chục năm nay, gia đình chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm ông cha để lại nên cũng không nắm được sản phẩm của mình có những chất gì. Gia đình chỉ có kinh nghiệm rượu nấu xong phải ủ trong vại sành từ 7 đến 10 ngày mới dễ uống. Sản phẩm được khách hàng đón nhận, lựa chọn nên gia đình sản xuất để phục vụ”.     

Tăng cường kiểm soát

Ngày 14-3, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu; tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh sản phẩm không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Theo Sở Công thương, đến nay đơn vị đã cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp cho 2 doanh nghiệp, công suất dưới 3 triệu lít/năm; 7 giấy phép buôn, bán rượu. Ngoài ra, UBND các huyện, TP cấp giấy phép sản xuất cho 6 tổ chức, cá nhân nấu rượu thủ công và 236 giấy phép kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên đa phần các hộ có quy mô nhỏ lẻ, công tác kiểm tra, đáp ứng các điều kiện quy định chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở còn hạn chế, chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thậm chí cố tình không thực hiện để trốn thuế và các khoản phí liên quan. Công tác kiểm soát thị trường, lưu thông hàng hóa với các sản phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc chưa nghiêm nên rượu loại này vẫn “vô tư’ lưu thông, bày bán.

Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống. Thời gian gần đây tại một số địa phương như Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu… đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. Các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng men, gạo trôi nổi; khu vực sản xuất ẩm mốc, gần chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh... Đặc biệt, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở còn đưa ra thị trường những sản phẩm chưa được khử độc tố, thậm chí pha chế từ cồn công nghiệp, y tế. Bác sĩ Ngô Thị Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) nhận định, điều này rất nguy hiểm bởi khi chuyển hóa ngũ cốc thành rượu, bia, một số hợp chất hữu cơ chưa được loại bỏ sẽ gây độc khiến người sử dụng bị mờ mắt, đau đầu. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các loại cồn y tế, công nghiệp để pha thành rượu vì tuy có thành phần chính là rượu (hơn 70%) nhưng các loại cồn không được tinh chế, thành phần còn nhiều tạp chất có tính độc cao, hại cho sức khỏe con người. 

Để quản lý tốt chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công không nhãn mác, pha chế từ cồn hiện nay, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chấp hành quy định trong sản xuất, kinh doanh của người dân; hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm… thì việc kiểm soát lưu thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) khẳng định: "Theo quy định, khi lưu thông các sản phẩm rượu đều phải có tem, nhãn, được phân phối bởi các đơn vị có đủ tính pháp lý nhưng các cơ quan liên quan chưa chú trọng kiểm soát. Chúng tôi sẽ sớm tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm, lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh rượu".

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...