Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng sản phẩm đặc trưng, hợp tác chặt chẽ để phát triển du lịch

Cập nhật: 21:10 ngày 16/02/2019
(BGĐT) - Ngày 16-2, tại Khách sạn Mường Thanh (TP Bắc Giang) diễn ra hội thảo với chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử”; xây dựng tour du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn và khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì hội thảo.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo có sự hiện diện của đại diện Tổng công ty Công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở Du lịch các tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, cao đẳng; hơn 30 doanh nghiệp lữ hành trong nước và nhiều nhà đầu tư, cơ quan truyền thông trong nước. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức.  

{keywords}

Các đại biểu nhấn nút khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng 

Khai mạc hội thảo, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, là địa phương gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm với con đường tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh); Khu Di tích lịch sử Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). 

Những năm qua, du lịch Bắc Giang đang từng bước phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo một số địa phương trong tỉnh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển KT-XH. Bắc Giang cũng có khả năng kết nối thuận lợi với một số điểm du lịch trọng điểm như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).   

{keywords}

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, ông Ngô Hoài Chung cho rằng Bắc Giang cần đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tâm linh - nghỉ dưỡng bởi đây là lợi thế nổi trội của du lịch Bắc Giang so với du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực kết hợp phát triển dịch vụ sân golf thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao... Muốn phát triển du lịch, Bắc Giang phải thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về mọi mặt. Du lịch chính là một ngành kinh tế, vì vậy vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi của ngành du lịch địa phương và quốc gia.

{keywords}

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Ông Chung cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề liên kết phát triển du lịch. Bắc Giang nằm rất gần các thành phố lớn và các trung tâm du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây vừa là lợi thế song nếu không biết nắm bắt, phát huy lợi thế và cơ hội thì đây lại là khó khăn, hạn chế cho tỉnh khi phát triển du lịch. Vì vậy, Bắc Giang cần liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, trở thành một mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ chuỗi đó.

{keywords}

Ông Lê Trung Thu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Quốc tế Việt (Hà Nội).

Nhiều vấn đề cụ thể nhưng có ý nghĩa tác động đến sự thành công trong thu hút khách du lịch cũng được các đại biểu, nhất là các doanh nghiệp lữ hành nêu lên tại hội thảo. 

Ông Cao Quốc Chung, Phó Giám đốc Công ty du lịch VIDOTOUR; ông Lê Trung Thu, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Quốc tế Việt cùng một số doanh nghiệp khác có chung nhận định Bắc Giang rất có tiềm năng về du lịch tâm linh song chưa thực sự có điểm nhấn nổi bật về sản phẩm này. Vì vậy các đơn vị lữ hành vẫn chưa mạnh dạn đưa các điểm đến của tỉnh vào tour của mình. Giao thông đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu kết nối du lịch nên tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho mở rộng và kết nối giao thông giữa các khu, điểm du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, nhất là tuyến đi Tây Yên Tử và chùa Bổ Đà.

{keywords}

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tham luận tại hội thảo.

Tăng sức hấp dẫn của làng nghề, vườn quả

Vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu, điểm du lịch cũng cần quan tâm làm tốt hơn nữa. Bà Nguyễn Hằng, Giám đốc Công ty SILKSTAR HOLIDAYS (Hà Nội) đánh giá cao tiềm năng du lịch làng nghề, trải nghiệm tại Bắc Giang vì tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, vườn quả, làng nghề có khả năng hấp dẫn du khách, nhất là khách nước ngoài như: Thổ Hà (Việt Yên), làng mỳ Thủ Dương (Lục Ngạn), cơ sở Gốm làng Ngòi (Tư Mại, Yên Dũng). Mặc dù vậy, vệ sinh môi trường ở các điểm này đang là trở ngại, nếu địa phương không quan tâm giải quyết tốt sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách.

{keywords}

Bà Nguyễn Hằng, Giám đốc Công ty SILKSTAR HOLIDAY (Hà Nội).

Bà Hằng dẫn chứng, Thổ Hà là địa danh đặc biệt ưa thích của khách nước ngoài khi đến Bắc Giang song trên đường làng có nhiều chất thải của gia súc, rác, mùi xú uế nên hai năm nay công ty của bà phải tạm dừng đưa khách nước ngoài đến đây. Một điều tưởng chừng rất nhỏ song lại làm mất điểm của các làng nghề đối với du khách là tình trạng chó thả rông bởi họ e ngại bị súc vật cắn, lây nhiễm dịch bệnh, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại... Vấn đề này không phải là không giải quyết được song liên quan đến thói quen, tập quán của người dân, rất cần vai trò trách nhiệm vào cuộc của người đứng đầu chính quyền sở tại để vận động bà con khắc phục.

{keywords}

Gian trưng bày đặc sản cây ăn quả huyện Lục Ngạn.

Làm du lịch phải biết cười

Du lịch địa phương cũng như du lịch quốc gia có phát triển bền vững hay không thì chất lượng nguồn nhân lực có tính chất quyết định. Du lịch Việt Nam đang phát triển nóng đặt ra yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy Bắc Giang cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. 

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch - Đại học Văn hóa Hà Nội và một số giám đốc doanh nghiệp lữ hành cho rằng “du lịch là mở”, người làm du lịch cần nâng cao tính chuyên nghiệp, phải “biết cười”. Biết cười ở đây cần được hiểu là sự thân thiện, cởi mở, ứng xử văn hóa với du khách, với môi trường xung quanh. Yêu cầu này đặt ra cả đối với đội ngũ người trực tiếp làm du lịch cũng như người dân sở tại.

{keywords}

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch.

Vấn đề marketing điểm đến được bà Đỗ Thị Minh Thương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cổng châu Á (Hà Nội) đề xuất với giải pháp “thổi” sự linh thiêng vào các di tích bằng các huyền tích mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa - tâm linh. Thêm vào đó cần có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi tại các điểm du lịch để giúp du khách gia tăng giá trị cảm nhận đối với nơi đến. Một việc nữa là giúp gia tăng giá trị kinh tế cho nhân dân bản địa qua sản xuất, giới thiệu, bán các sản vật địa phương. 

“Hiện này, du khách của chúng tôi chưa biết đến đặc sản nào khác của Bắc Giang ngoài bánh đa kế” - bà Thương nói. Các đại biểu cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch dưới nhiều hình thức ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ… cũng như bàn bạc, hỗ trợ để thiết kế sản phẩm du lịch đặc trưng.

Cầu thị và hợp tác để phát triển

Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước sự giúp đỡ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ quan Trung ương đối với Bắc Giang nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao tham luận, đề xuất, góp ý của các chuyên gia, đại diện Tổng cục Du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh bạn, các doanh nghiệp lữ hành nhất là trong việc chỉ rõ những hạn chế, điểm yếu của tỉnh về du lịch cần khắc phục. Tỉnh sẽ tiếp thu, vận dụng trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới.

{keywords}

Các đại biểu khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh Bắc Giang.


Tại đây, các đại biểu nhấn nút khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh “MyBacGiang” (phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt). Ứng dụng này được thiết kế dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam; có thể cài đặt trên điện thoại thông minh có kết nối internet. Khi cài đặt ứng dụng này, du khách đến Bắc Giang có thể dễ dàng tìm thấy các địa điểm tham quan, danh lam thắng cảnh; đường đi thuận tiện nhất; địa chỉ ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí trên địa bàn tỉnh..

Đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đang phối hợp với Viện Trần Nhân Tông nghiên cứu, khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng Tây Yên Tử; tập trung phục dựng con đường tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông kết nối với các di tích cổ có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh đang thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao; khai thác tiềm năng du lịch mùa trái cây Lục Ngạn. Việc phát triển hạ tầng giao thông cũng được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó có phát triển du lịch bằng việc nâng cấp tuyến đường Tây Yên Tử; kết nối với các tỉnh trong khu vực và nội tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tỉnh mong muốn hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Sau buổi hội thảo này, UBND tỉnh mong muốn tiếp tục được các cơ quan quản lý trung ương, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phối hợp, chia sẻ, đóng góp các giải pháp hỗ trợ Bắc Giang thúc đẩy phát triển du lịch và sự phát triển chung.

Tưng bừng Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử
(BGĐT) - Sáng 16-2 (tức 12 tháng Giêng), tại Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động), UBND tỉnh tổ chức Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử năm 2019; Tuần Văn hóa- Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”.
 
Suối Mỡ: Thắng tích nổi danh ở Tây Yên Tử
(BGĐT)-Vực Mỡ là tên gọi xưa, chung cho cả quần thể khu di tích-danh thắng Suối Mỡ, thuộc xã Nghĩa Phương (Lục Nam-Bắc Giang) ngày nay. Nơi đây từng nổi danh là thắng tích được nhiều tao nhân mặc khách đến du lãm, thưởng ngoạn giáng bút, trong số ấy có Nhật Nham Trịnh Như Tấu-học giả/nhà văn/nhà báo người làng Thương, phủ Lạng Thương nhiều lần ghé thăm nhưng ông không đề thơ mà dành thời gian tìm hiểu văn hóa dân gian trong vùng rồi khảo cứu thư tịch cổ mà ghi lại những trang tư liệu quý.
 
Những sản vật tại Tuần Văn hóa – Du lịch Tây Yên Tử
(BGĐT) – Tại Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử, 23 gian hàng của các xã, thị trấn thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) tham gia trưng bày với nhiều sản vật đặc sắc vùng cao, tạo sự hấp dẫn du khách.
 
Khánh thành chùa Thượng và phát động cuộc thi ảnh “7 ngày khám phá Tây Yên Tử”
(BGĐT) - Ngày 15-2, UBND huyện Sơn Động, Ban Quản lý xây dựng Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử phối hợp tổ chức lễ khánh thành chùa Thượng (Linh Thông Thiền Tự) thuộc Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. 
 
Tây Yên Tử - Triển vọng kết nối du lịch vùng
(BGĐT)- Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” diễn ra từ ngày 14 đến 20- 2 -2019 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa nổi bật về tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là không gian văn hóa - phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử. Từ đây mở ra triển vọng mới về  kết nối du lịch vùng Yên Tử (Quảng Ninh- Hải Dương- Bắc Giang).
 

Kim Hiếu - Mai Toan



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...