Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cho cao nguyên Lang Biang thêm xanh

Cập nhật: 15:28 ngày 23/01/2019
(BGĐT) - Có lẽ đến bốn, năm năm tôi mới có dịp đến Đà Lạt (Lâm Đồng) - vùng đất của những rừng thông, ngàn hoa mộng mơ nổi tiếng và là nơi đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bắc Giang dự đợt sáng tác cuối năm ở “Nhà sáng tác Đà Lạt” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tọa lạc trên phố Yên Thế.

Đoàn chúng tôi đến chiều tối hôm trước, thì sáng hôm sau anh Nguyễn Thanh Đạm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đến thăm và có lời mời gặp mặt tại nhà hàng. Vẫn tính sởi lởi, thân tình của người nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, mới được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Thanh Đạm nắm chặt tay tôi bảo: Lâu lắm bác cả mới vào Lâm Đồng, anh em Báo Lâm Đồng vẫn mong đón bác lắm đấy. Thanh Đạm đi bắt tay từng người trong đoàn Bắc Giang, cứ nhắc đi nhắc lại chiều mai mời gặp mặt cả đoàn và sẽ có người đón đến nhà hàng.

{keywords}

Nhà lưới trồng hoa ở Đà Lạt.

Đà Lạt buổi tối se lạnh, mới hơn 17 giờ mà sương đã giăng giăng trên các ngọn thông, làm ánh đèn điện trên phố lung linh, mờ ảo. Trong buổi tiệc gặp mặt do Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức, tôi vui mừng được gặp anh Nguyễn Trung Dũng, quê ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), bạn thân của Thanh Đạm - người đồng hương Hà Bắc mà tôi được quen từ nhiều năm trước. Bác Dũng ngồi cạnh tôi nói nhỏ: Anh vào đây đúng dịp, sáng mai 7 giờ tôi đến đón anh đến dự buổi họp mặt đồng hương tổ dân phố. Sáng hôm sau, anh Dũng đến đón tôi, đến nơi đã thấy bà con ngồi chờ. Được anh Dũng báo trước, nên khi tôi đến, bà con chào hỏi hết sức thân mật. Những câu chuyện kỷ niệm về quê hương diễn ra tự nhiên, rôm rả, làm cho tôi hòa nhập, không còn là khách. Bà con giới thiệu anh Nguyễn Trung Dũng, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, Phó Hội Đồng hương Kinh Bắc tại Đà Lạt. Anh Dũng nói với tôi, sở dĩ bà con Bắc Ninh, Bắc Giang ở tỉnh Lâm Đồng nói chung và ở TP Đà Lạt đều không chia tách Hội Đồng hương thành Bắc Ninh, Bắc Giang mà đổi thành Hội Đồng hương Kinh Bắc để bà con nhớ về cội nguồn.

Từ nhiều đời nay, dân xứ Kinh Bắc đã gắn bó, đoàn kết, làm phên dậu của Kinh thành Thăng Long, đánh bại mọi cuộc xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc và cùng có truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng xứ Kinh Bắc giàu mạnh, có truyền thống văn hóa, cùng chung câu quan họ thấm đậm nghĩa tình, cùng xây đắp nền văn hiến Kinh Bắc giàu truyền thống cách mạng. Anh Dũng và bà con quê hương Bắc Ninh, Bắc Giang ở Lâm Đồng hay TP Đà Lạt đều đồng lòng, dù việc chia tách theo yêu cầu từng thời kỳ lịch sử. Nhưng tấm lòng người Kinh Bắc vẫn gắn bó một dải. Chính vì cội nguồn đó mà bà con hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng đổi tên Hội Đồng hương Hà Bắc thành Hội Đồng hương Kinh Bắc gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang. Gặp nhau, các liền anh, liền chị đồng hương vẫn cùng nhau thể hiện đôi làn quan họ. Hàng năm vào ngày hội Lim (13 tháng Giêng), Hội tổ chức họp mặt toàn thể hội viên trong TP Đà Lạt mừng xuân mới.

{keywords}

Chủ nhiệm HTX An Phú Lê Văn Ba giới thiệu sản phẩm cà chua sạch.

Trong những ngày ở Đà Lạt, tôi rất biết ơn Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng Nguyễn Thanh Đạm và Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng Hồ Thị Lan đã tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành vượt yêu cầu sáng tác tác phẩm. Biết tôi vào Đà Lạt, Nguyễn Trường Sơn, một doanh nghiệp trẻ ở Hà Nội đã có một thời lập công ty làm ăn ở Bắc Giang, vì mê nông nghiệp giờ trở thành người của Hội Thanh niên tuyên truyền kết nối các HTX nông nghiệp và hộ nông dân thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sơn đưa tôi xuống huyện Đức Trọng, thăm mô hình của HTX An Phú. Tôi thực sự vui mừng vì Chủ nhiệm HTX là Lê Văn Ba, quê ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa. HTX An Phú có 35 hộ, với diện tích canh tác 40 ha, sản phẩm của HTX có 32 mặt hàng gồm: Rau, củ, quả, các loại hoa. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước khoảng 6.500 tấn, doanh thu một năm đạt hơn 90 tỷ đồng. Chủ nhiệm Ba tiết lộ, đây là giá thấp nhất hàng năm, còn thực tế có năm tăng gấp đôi, gấp ba lần giá em vừa tính sơ sơ với bác. Vâng, chỉ tính giá thấp nhất, mỗi năm mỗi hộ xã viên đã có hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phi 50% cũng còn khoảng 1 tỷ đồng, đúng là nông dân làm ăn kiểu truyền thống có nằm mơ cũng không thấy. Đấy là của HTX, còn của gia đình Lê Văn Ba, chỉ có 2 ha đất, nhưng mỗi năm cũng có thu nhập hơn 5 tỷ đồng. Anh Ba cho biết, HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Vingroup và Hiệp An, Đức Trọng nên sản phẩm làm ra, bà con xã viên không lo tiêu thụ. Anh Ba tâm sự, sản xuất nông nghiệp toàn sản phẩm tươi nếu không có đầu ra vững chắc là thất bại to. Chia tay Chủ nhiệm Ba, anh nắm tay tôi nói, bà con ở quê đừng lo, người Kinh Bắc ở Lâm Đồng không chịu nghèo đâu.

Một tối, tôi và một số người bạn ra chợ đêm ở Đà Lạt thưởng thức ẩm thực, vừa ngồi vào quán Hương Lan, biết tôi là người Bắc Giang anh bạn trẻ ngồi đối diện tự giới thiệu: Cháu tên là Linh, quê ở phường Đa Mai, TP Bắc Giang, cháu đang làm “cai” san ủi mặt bằng làm đường, kiêm luôn cả sản xuất rau, hoa, quả theo quy trình công nghệ hiện đại. Tôi nói vui: Thế ông bỏ nghề làm bún gia truyền của người Đa Mai à? Linh cười trả lời: Tuổi trẻ phải bay nhảy bác ạ, đất ở đâu lành là chim đậu thôi, mà đâu cũng là đất Việt mình cả. Nghe Linh nói, tôi rất vui, đúng là lớp trẻ ngày nay tìm mọi con đường để khởi nghiệp thành công.

Tạm biệt Đà Lạt với những người bạn văn, thơ, nhiếp ảnh ân tình, quý khách, tạm biệt xứ thông reo man mác lòng người. Con đường xuống Sân bay Liên Khương mở rộng bốn làn xe, hai bên đường là những vạt hoa dã quỳ trải dài rực rỡ một màu vàng lung linh dưới ánh mặt trời ban mai, trên cao nguyên Lang Biang thơ mộng làm đắm say mỗi du khách tới thăm. Chào cao nguyên, chào bà con đồng hương Kinh Bắc, chào Đà Lạt, Lâm Đồng hoa chen hoa rực rỡ đón chào Xuân Kỷ Hợi! Mùa Xuân tràn đầy hy vọng phát triển, đưa nước Việt yêu dấu đến bến bờ thịnh vượng, ấm no cho muôn dân.

Đà Lạt cuối Đông 2018.

Có một Bắc Giang thơ
(BGĐT) - Ấy là tôi không nói về Bắc Giang thơ với cái nghĩa sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp nên thơ dẫu rằng điều ấy rất đúng nếu như đặt chân tới các vùng đất Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động… Ở bài viết này tôi chỉ lan man đôi chút về thơ Bắc Giang - những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ tài danh đã qua vùng đất này, đã sinh sống ở đây từ trước tới nay. 
 
Lê Quang Đạt - Chàng trai có đôi tay “vàng”
(BGĐT) - Ai cũng nghĩ lĩnh vực cắt tỉa củ quả nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, phù hợp hơn với nữ giới nhưng khi gặp Lê Quang Đạt (SN 1992), quê ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) thì khác. Chàng trai có đôi bàn tay "vàng" trong lĩnh vực nghệ thuật làm đẹp từng giành nhiều giải thưởng trong nước và khu vực châu Á.
 
Nguyễn Thị Huyền Trang: Trưởng thành qua mỗi cuộc thi âm nhạc
(BGĐT) - Năm 2018, Nguyễn Thị Huyền Trang - sinh viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đón nhận nhiều tin vui khi trở thành Á khôi 1 Cuộc thi Tài năng duyên dáng của trường, Huy chương Bạc Liên hoan Nghệ thuật Châu Á lần thứ 6 tổ chức tại Singapore. Cô sinh viên sinh năm 1997 quê ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là cựu học sinh Trường THPT Phương Sơn (Lục Nam - Bắc Giang). 
 

Hoàng Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...