Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn: Ở đâu cũng cần làm hết trách nhiệm, lương tâm của người thầy

Cập nhật: 14:57 ngày 19/10/2018
(BGĐT) - 39 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, điều mà Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cảm thấy hạnh phúc nhất là học trò thành đạt, trở thành những người có ích cho xã hội.

Vốn chân thành, cởi mở, thầy giáo Nguyễn Quang Thuấn coi tôi như một người bạn tâm giao khi dốc lòng chia sẻ về cái “nghiệp trồng người” mà ông đã gắn bó 39 năm qua. Ông bảo: Mình có niềm say mê đặc biệt với môn Toán. Khi còn là học sinh Trường cấp III Lạng Giang đã luôn khao khát được đứng trên bục giảng bởi thần tượng thầy giáo Nguyễn Phú Độ, cô Nguyễn Thị Liên Hợp. Đó là những nhà giáo giỏi, có phương pháp dạy hay nhưng rất nghiêm khắc, hết mực thương yêu học trò. Vì thế nên học hết cấp III, mình không hề đắn đo khi đăng ký thi vào Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

{keywords}

NGƯT Nguyễn Quang Thuấn (phải) nhiều lần được vinh danh, khen thưởng vì những thành tích nổi bật trong 39 năm công tác.

Mong ước học xong đại học sẽ được trở về cống hiến cho quê hương (quê ông ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang - PV) nhưng vì có thành tích học tập tốt nên sinh viên Nguyễn Quang Thuấn được lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên đặt vấn đề với nhà trường xin về làm giáo viên Trường Bổ túc văn hóa công nhân Gang thép. Vậy là từ khi tốt nghiệp đại học (năm 1979) đến khi về hưu (tháng 7-2018), ông gắn bó với sự nghiệp giáo dục tại Thái Nguyên, trở thành một nhà giáo có ảnh hưởng đối với giáo dục của tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc. Tiếp mạch câu chuyện, ông chia sẻ: Lúc mới tốt nghiệp, mình rất muốn được về quê công tác, nhưng sau này khi chín chắn hơn mình suy nghĩ, ở đâu cũng cống hiến cho Tổ quốc này, cũng là đóng góp cho sự nghiệp trồng người cao cả. Ở đâu cũng cần làm hết trách nhiệm, lương tâm của người thầy.

Điều quan trọng là người làm thầy phải thực sự có tâm, coi học sinh như chính con em mình.

Thời gian công tác tại Trường Bổ túc văn hóa công nhân Gang thép (từ năm 2000 đổi tên thành Trường THPT Chu Văn An - PV), ngoài việc không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, ông còn tích cực tham gia công tác Đoàn. Năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Hiệu phó, đến năm 2006 giữ vai trò là Hiệu trưởng. 31 năm gắn bó với ngôi trường này, đặc biệt là trên cương vị Hiệu trưởng, ông đã cùng tập thể xây dựng Trường THPT Chu Văn An từ chỗ có xuất phát điểm rất thấp (trường bổ túc văn hóa) trở thành một mái trường có thương hiệu, luôn đứng trong tốp đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh và tốp 200 trường THPT tốt nhất toàn quốc.

{keywords}

NGƯT Nguyễn Quang Thuấn tại lễ sơ kết học kỳ I năm học 2017-2018 Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.

Với những thành tích nổi bật trong công tác, năm 2010, thầy giáo Nguyễn Quang Thuấn được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Trở thành người “đứng mũi chịu sào” tại ngôi trường trọng điểm của tỉnh, áp lực với ông lớn hơn. Trong khi cùng thời điểm đó, người vợ hiền cũng là đồng nghiệp của ông tại Trường THPT Chu Văn An phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng bằng khả năng, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, ông đã vượt qua tất cả những khó khăn, áp lực đó để tiếp tục khẳng định mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới. Không chỉ là một người làm quản lý giáo dục có tầm, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn còn có rất nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy với nhiều đề tài thiết thực.

Trong 8 năm ông làm Hiệu trưởng, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên ngày càng khẳng định là một điểm sáng về giáo dục của tỉnh Thái Nguyên và khu vực. Trường luôn đứng trong tốp 15 trường chuyên trên cả nước có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, nhiều học sinh của Trường cũng đã đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Với thành tích đó, những năm gần đây, nhà trường nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng, đặc biệt là vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Cá nhân ông cũng đã nhiều lần được vinh danh, khen thưởng, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2016.

{keywords}

Ở đâu cũng cống hiến cho Tổ quốc này, cũng là đóng góp cho sự nghiệp trồng người cao cả. Ở đâu cũng cần làm hết trách nhiệm, lương tâm của người thầy".


NGƯT Nguyễn Quang Thuấn

Làm quản lý ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, chất lượng đầu vào, lực học của học sinh rất tốt nhưng quan điểm giáo dục của nhà giáo Nguyễn Quang Thuấn là phải đào tạo con người phát triển toàn diện. Tức là ngoài dạy kiến thức phải chú trọng giáo dục các em phát triển nhân cách, biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ, biết sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội. Vì vậy, ngoài việc noi gương trong từng cử chỉ, hành động, ông cùng tập thể sư phạm nhà trường tổ chức và khuyến khích học trò tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các hoạt động nhân đạo từ thiện. Giờ chào cờ đầu tuần, ông thường dành nhiều thời gian kể những câu chuyện nhỏ nhưng thiết thực để giáo dục học trò về nhân cách sống. Ông tâm sự, suốt mấy chục năm làm giáo dục mình chưa “chịu thua” một trò hư nào. Điều quan trọng là người làm thầy phải thực sự có tâm, coi học sinh như chính con em mình.

Với đồng nghiệp, thầy Nguyễn Quang Thuấn luôn nhận được sự kính trọng bởi cái tâm, tầm của ông trong chuyên môn và công tác quản lý. Ngoài kiến thức chuyên ngành, ông còn là người ham đọc, ham học nên có hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực và luôn sống giản dị, hòa đồng. Trong quản lý, ông luôn tuân thủ nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, đánh giá và phân công cấp dưới đúng người, đúng việc. Trong câu chuyện với tôi nhà giáo Nguyễn Quang Thuấn nói rằng ông không tiếc nuối điều gì vì đã nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người. “Gia tài” lớn nhất của ông sau gần 40 năm công tác là những dấu ấn tốt đẹp trong lòng bao thế hệ học trò và đồng nghiệp. Ông cười nói mãn nguyện: Mình hạnh phúc lắm, có nhiều học trò xin nhận mình làm cha suốt đời đấy!

Trần Quyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...