Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo sư Trần Hồng Uy và lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Cập nhật: 09:08 ngày 12/02/2018
(BGĐT) - Dẫu chẳng có “ba mươi sáu tàn vàng”, không nhà cao cửa rộng, nhưng hàng triệu nông dân ở khắp các vùng quê vẫn tôn kính gọi ông là "vua ngô" bởi cả cuộc đời ông gắn bó với cây ngô, giúp nhà nông sản xuất ra hàng triệu tấn ngô vàng, đem cuộc sống ấm no tới những thôn bản, làng quê. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS, TSKH) Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô.
{keywords}

GS, TSKH Trần Hồng Uy (ngoài cùng bên phải) và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm mô hình ngô lai tại huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ). Ảnh tư liệu.

Cuộc “cách mạng” giống ngô lai

Hơn chục năm trước, khi còn là phóng viên viết nông nghiệp, tôi có một tình cảm thân thương đặc biệt với Viện Nghiên cứu Ngô (gọi tắt là Viện Ngô), nhận “đồng hương cấp huyện” Yên Dũng với Viện trưởng, GS, TSKH Trần Hồng Uy và Phó Viện trưởng, TS Đào Quang Vinh. Giờ đây, tuy không còn theo dõi ngành nông nghiệp, tôi và anh Vinh vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Những câu chuyện của hai anh em thường xoay quanh kỷ niệm một thời gắn bó với Viện Ngô và chuyện về “thầy Uy”. Sau này, khi thầy đã nghỉ hưu, tôi vẫn thỉnh thoảng đến căn phòng nhỏ cũ kỹ, đơn sơ trên tầng ba của thầy tại khu tập thể ngành nông nghiệp ở Phương Mai (Hà Nội). Vài năm gần đây, do tai biến, sức khỏe của thầy đã yếu đi nhiều…

Các cộng sự và những người nông dân chân lấm đầu trần, cả cánh nhà báo theo dõi nông nghiệp chúng tôi, tất cả đều kính trọng, trìu mến gọi GS, TSKH Trần Hồng Uy là thầy. Ông sinh năm 1938, trong một gia đình nhà nho ở xã Hương Gián (Yên Dũng). Năm 1961, chàng kỹ sư nông nghiệp Trần Hồng Uy về công tác tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc, đến năm 1968 được cử sang học ở Rumani và bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sĩ. Về nước, ông được điều về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, làm việc dưới sự dìu dắt của nhà bác học Lương Định Của. Sau đó, ông tình nguyện "bỏ phố lên rừng", về Trại nghiên cứu ngô Sông Bôi tại Hòa Bình - cơ sở nghiên cứu ngô đầu tiên của đất nước. Thời điểm ấy, nhiều chuyên gia Rumani, Hungaria đã sang giúp nước ta nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai nhưng đều thất bại vì các dòng bố mẹ không phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Hằng năm, nước ta gần như nhập khẩu toàn bộ giống ngô từ Ấn Độ và một số nước khác.

Năm 1973, tại một cuộc họp giữa Chính phủ với Bộ Nông nghiệp có sự tham gia của nhiều nhà khoa học lai tạo giống tên tuổi như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã hỏi các nhà nông học: "Bao giờ Việt Nam có giống ngô của mình?", Trần Hồng Uy đứng dậy thưa: "Thưa Thủ tướng, theo kinh nghiệm của các nước, từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi thành giống phải mất ít nhất bảy năm, còn trong điều kiện nước ta hiện nay, chúng tôi hứa cố gắng sau bốn năm sẽ có giống ngô Việt Nam". Đúng bốn năm sau, ông và các cộng sự đã tạo thành công một loạt giống ngô thuần (thụ phấn tự do), năng suất cao gấp đôi so với giống ngô truyền thống, đưa vào sản xuất đại trà, chấm dứt việc Việt Nam hằng năm phải nhập khẩu gần như toàn bộ giống ngô. Lời hứa về “giống ngô Việt Nam” với Thủ tướng đã thành hiện thực.

Tính mốc xuất phát điểm năm 1990, từ khi Viện Ngô ra đời, thị phần ngô lai hoàn toàn do các công ty giống nước ngoài nắm giữ. Giá giống ngô lai nước ngoài lúc đó khoảng 3 USD/kg, quá cao so với hoàn cảnh kinh tế của phần lớn nông dân. "Trèo lên vai người khổng lồ để biến mình thành người khổng lồ hơn", phương pháp lai giữa giống thuần với giống lai nước ngoài do Viện thực hiện đã tạo ra bộ giống lai không quy ước từ LS3 đến LS8. Sau đó, Viện tiếp tục cho ra đời bộ giống ngô lai chính quy LVN (Lai Việt Nam) đưa vào sản xuất trên diện rộng. Với phương châm "đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ hiện đại", áp dụng điều kiện thực tiễn trong nước một cách sáng tạo, hiệu quả, chương trình chọn tạo giống ngô lai Việt Nam đã thành công vang dội.  Nông dân được hưởng lợi nhiều nghìn tỷ đồng do được sử dụng hạt giống ngô “Made in Vietnam” rẻ và năng suất cao.

Thành tựu của Viện Ngô có thể tóm lược qua hình tượng “đi bằng hai chân”, gồm “chân” khoa học và “chân” chuyển giao. Trong chuyển giao kết quả nghiên cứu trên phạm vi cả nước, Viện đã tiến hành theo hình thức hợp đồng kinh tế với các công ty giống cây trồng, bao tiêu sản phẩm với các xã, hợp tác xã, kết hợp tập huấn cho hàng trăm nghìn nông dân về quy trình công nghệ sản xuất. Đây chính là sách lược hiện đại hóa giống ngô lai vào sản xuất, theo quan điểm "kết quả nghiên cứu khoa học là của dân, vì dân và do dân thực hiện".

Cuối năm 2002, Viện Ngô tổ chức đoàn nhà báo tham quan mô hình khuyến nông trình diễn giống ngô lai QPM (chất lượng đạm cao) mang tên HQ (High Quality) 2000 trồng tại huyện Yên Minh (Hà Giang).  Trên vùng cao nguyên đá, ngô là nguồn lương thực chính, ngô làm mèn mén, ngô để nấu rượu, ngô thành lễ vật cúng Giàng. Vì thế, nhiều giống ngô lai tuy năng suất cao nhưng chỉ thích hợp làm thức ăn gia súc đã không “đủ sức” vượt qua Cổng trời Quản Bạ. Giống HQ 2000 đã khắc phục điểm yếu của ngô lai thông thường, vừa đạt năng suất cao, vừa đáp ứng khẩu vị của người dân.

Chương trình ngô lai nước ta đã được Trung tâm cải tạo giống ngô và lúa mỳ quốc tế (CYMMYT), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) đánh giá rất cao, coi là một trong ba chương trình ngô lai mạnh ở châu Á, gồm Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.

Trồng ngô bầu trên nền đất ướt

Suốt cuộc đời cống hiến hết mình cho cây ngô, GS, TSKH Trần Hồng Uy đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2000, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với công trình nghiên cứu tạo giống ngô lai ở Việt Nam và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thời kỳ miền Bắc còn thiếu lương thực triền miên, khi gặt vụ mùa xong, nước về tràn đồng, ruộng đất bỏ hoang mà không biết đặt cây gì chống đói giáp hạt, những người nông dân ở Hợp tác xã Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) đã nghĩ ra ý tưởng táo bạo: Trồng ngô đông bằng bầu trên nền đất ướt sau hai vụ lúa. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, bởi cây ngô sống trong điều kiện đất khô, không thể sinh trưởng trong đất có bùn nước.

Thầy Uy cùng các cộng sự đã bắt tay nghiên cứu, kiên trì thử nghiệm, có lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Đặt bầu ngô xuống nền đất ướt, sau một tuần, thân cây chuyển sang mầu huyết dụ, bộ rễ bị thối. Ông đã tìm tòi, phát hiện ra yếu tố lân (P2O5) đóng vai trò quan trọng, giúp cây phục hồi màu xanh, khiến bộ rễ phát triển bình thường trong điều kiện đất ướt. Việc canh tác, bón phân, làm cỏ cũng hoàn toàn khác với thông thường. Làm cỏ cho ngô bầu, không sử dụng cuốc rẫy cỏ để tránh đứt rễ mà bốc bùn dưới rãnh đắp trùm lên cỏ, rắc phân đạm để rễ ngô hồi phục, ăn ngược lên mặt luống. Cứ thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết sáng kiến của nông dân, sau bảy năm ròng rã, thầy Uy cùng các cộng sự đã hoàn chỉnh công nghệ trồng ngô bầu, giải quyết trọn vẹn về khoa học, công nghệ và thực tiễn để ngô phát triển tốt trên nền đất ướt, cho năng suất cao 5-7 tấn/ha. Năm 1989, diện tích ngô đông trồng bầu đã mở ra 127 nghìn ha, đem lại sản lượng mỗi năm 150 - 200 nghìn tấn, góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực thời kỳ giáp hạt. Kỹ thuật này còn cho phép áp dụng cho cả đậu tương đông, rồi khoai lang đông, khoai tây đông trên đất ướt. Công trình ngô đông có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một vụ ngô hoàn toàn mới, được đánh giá như việc tạo ra vụ lúa xuân. Mặc dù góp công sức lớn đối với công trình, nhưng thầy Uy vẫn hơn một lần khẳng định, đây là công trình tập thể của người Việt Nam, từ sự sáng tạo của nông dân, được giải quyết bằng khoa học kỹ thuật, nâng lên tầm lý luận, đem lại một vụ trồng trọt mới, có hiệu quả kinh tế cao và lâu dài. Công nghệ này đã được CYMMYT, FAO phổ biến, tập huấn cho các nước trong vùng.

Suốt cuộc đời cống hiến hết mình cho cây ngô, GS, TSKH Trần Hồng Uy đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế.  Đặc biệt, năm 2000, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với công trình nghiên cứu tạo giống ngô lai ở Việt Nam và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Phát biểu khi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Yên Dũng đã xúc động bày tỏ: "Tôi chỉ là người thay mặt cho tập thể các nhà khoa học, thay mặt cho hàng triệu người nông dân vô cùng sáng tạo, vinh dự nhận giải thưởng lớn lao này. Tôi chỉ là hình ảnh của họ và không có quyền nhận riêng về mình..."

Quang Hưng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...