Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp): Luôn nuôi dưỡng ước mơ trong nghiên cứu khoa học

Cập nhật: 16:57 ngày 20/11/2017
(BGĐT)- Giữa trời thu Hà Nội, trong một quán cà phê nhỏ, tôi ngồi trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp). Là người luôn nuôi dưỡng ước mơ trong nghiên cứu khoa học nên ở tuổi 41, Cương đã có một “gia tài” kha khá với 5 đề tài cấp Bộ, đồng tác giả 30 cuốn sách, chủ biên 3 cuốn chuyên khảo, 1 giáo trình luật. Ngoài ra, anh cũng có hơn 40 bài đăng trên tạp chí và 2 công bố quốc tế được đánh giá cao.
{keywords}

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương (đứng giữa) với các giảng viên Đại học Đông Hải Đài Loan (Trung Quốc).

“Cây Vật lý”

Cương cùng khóa sinh viên với tôi ở Trường Đại học Luật Hà Nội (khóa 1994-1998) cũng là người đồng hương quê Bắc Giang. Bạn cũ gặp lại, câu chuyện rôm rả nhất vẫn là về quê nhà, về những tháng ngày sinh viên sôi nổi. Cương sinh ra ở xã Tân An (Yên Dũng) trong một gia đình khá đông anh em. Cha - một cán bộ nghỉ hưu đã lâu; mẹ - người phụ nữ nông dân quanh năm chăm chỉ với mảnh vườn, thửa ruộng. Chính tính cách chịu thương, cần cù, lam làm của mẹ, sự cương trực của cha đã có ảnh hưởng tích cực đến công việc nghiên cứu khoa học của cậu con trai Nguyễn Văn Cương sau này.

Thời phổ thông, Cương học giỏi, đặc biệt ở các môn tự nhiên. Lên lớp 9, Cương đã tạm biệt mái trường cấp 2 Tân An, rời xa gia đình đi ở trọ để theo học lớp chuyên Vật lý tại Trường Năng khiếu Yên Dũng; là một trong những học trò khóa đầu tiên của Trường Phổ thông Chuyên Hà Bắc (nay là Trường THPT Chuyên Bắc Giang). Sự yêu thích, đam mê môn Vật lý đã giúp anh nhiều lần đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, trong đó có giải Nhì toàn quốc lớp 12. Thời sinh viên Đại học Luật Hà Nội, Cương cũng rất sôi nổi, tích cực tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học, phối hợp tham gia viết kịch bản một số phiên tòa tập sự do nhà trường, Câu lạc bộ pháp luật tổ chức. Ra trường có ngay một công việc hấp dẫn (chuyên tư vấn về đầu tư nước ngoài) ở Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Investconsult Group. Cuối năm 1999, Cương trúng tuyển vào Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và gắn bó tại cơ quan này từ đó tới nay.

Miệt mài cống hiến cho ngành, cho nghề

Viện Khoa học pháp lý là đơn vị nghiên cứu khoa học duy nhất của Bộ và ngành Tư pháp chuyên nghiên cứu chiến lược, chính sách về xây dựng, thi hành pháp luật và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (như: Thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp). Những năm gần đây, Viện còn là một trong các đơn vị tiến hành công việc nghiên cứu, tổng kết, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng nội dung về nhà nước pháp quyền XHCN trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng; triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu để đưa các quy định của Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Viện cũng là cơ quan thường trực giúp lãnh đạo Bộ theo dõi hoạt động cải cách tư pháp trong Bộ và ngành Tư pháp. Gần đây, Viện Khoa học pháp lý được Bộ Tư pháp giao làm cơ quan đầu mối triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Gắn bó với hoạt động của Viện, gần 20 năm làm công tác nghiên cứu chính sách, pháp luật, từ khi còn là cán bộ (năm 1999) đến Phó Viện trưởng (năm 2012), quyền Viện trưởng (năm 2016) và nay là Viện trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương đã có nhiều công trình, đề tài khoa học góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ các hoạt động cải cách, đổi mới trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Các chủ đề được đề cập chuyên sâu bao gồm: Mô hình xây dựng pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN; kinh nghiệm quốc tế về hoạt động xây dựng pháp luật; các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật dân sự, pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; kiến nghị hoàn thiện phương thức vận hành của chính quyền địa phương và việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương; các đề xuất, kiến nghị liên quan tới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên kết quả đầu ra, đến chức năng kinh tế của nhà nước và định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2030… Nhiều nghiên cứu và kiến nghị, đề xuất này đã được sử dụng trong quá trình tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp tham gia công tác xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn.

{keywords}

Muốn thành công phải đam mê, khổ luyện

Để mở mang kiến thức, Nguyễn Văn Cương theo học trực tiếp chương trình thạc sĩ 2 năm (2002-2004) tại Đại học Niigata (Nhật Bản) và chương trình nghiên cứu sinh 3 năm (2008-2011) tại Đại học Victoria (Canada). Được trải nghiệm với hệ thống pháp luật, nền tư pháp của các nước phát triển, anh đã thu lượm được nhiều kiến thức thực tế hữu ích. “Ứng dụng lý thuyết tiếp nhận pháp luật nước ngoài vào hoạt động xây dựng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam” là đề tài bảo vệ luận án Tiến sĩ mà anh chọn. Luận án bàn về chủ đề khá thú vị, đó là làm thế nào để xây dựng được một đạo luật có chất lượng cao, phúc đáp yêu cầu phát triển của quốc gia cũng như vai trò của việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật, không rơi vào tình trạng sao chép máy móc. Thông qua việc nghiên cứu đề tài này, luận án góp phần phác họa rõ hơn diện mạo của tư duy xây dựng pháp luật ở nước ta, nhất là cách các nhà làm luật học tập, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho hoạt động xây dựng pháp luật trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế và hội nhập. Anh cho rằng, muốn xây dựng được các đạo luật có chất lượng, điều quan trọng hàng đầu là phải điều tra, khảo sát thực tiễn, nhận diện vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải giải quyết, từ đó nghiên cứu tìm ra giải pháp tối ưu, thiết kế chúng thành những quy phạm pháp luật cụ thể. Theo anh việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết nhưng cũng phải hết sức thận trọng, vì có thể cùng một giải pháp nhưng do bối cảnh kinh tế, xã hội, trình độ phát triển, ý thức pháp quyền khác nhau mà hiệu quả điều chỉnh pháp luật có thể khác nhau.

Có được kết quả như ngày hôm nay, Nguyễn Văn Cương đã phải nỗ lực không ngừng. Sự cần cù, chịu khó đi kèm với đam mê, khổ luyện, dám nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng là một trong những bí quyết thành công của anh. Thêm vào đó phải kể đến sự giúp đỡ của lớp cán bộ bậc thầy, đàn anh đi trước cùng sự quan tâm của tập thể nơi công tác. Anh cũng không quên nhắc tới gia đình, quê hương Tân An giàu truyền thống, hiếu học - nơi đó có bố mẹ luôn quan tâm và hết lòng vì các con.

Phong Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...