Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vùng quê khởi sắc

Cập nhật: 18:23 ngày 27/02/2019
(BGĐT)- Tham dự lễ kỷ niệm 48 năm ngày Thủ tướng Chính phủ tặng nhân dân thôn Nguột, xã Dĩnh Kế (nay là tổ dân phố Giáp Nguột, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bằng có công với nước 10-1(1971-2019) mới đây, tôi hòa cùng niềm vui, tự hào của người dân nơi đây. 
{keywords}

Cán bộ lão thành cách mạng và lãnh đạo phường Dĩnh Kế chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm.

Vùng đất nghèo đói, chiến tranh tàn phá năm xưa nay đã đổi thay khó nhận ra. Xung quanh tổ dân phố Giáp Nguột là những ruộng đào, hoa, rau màu xanh tốt ôm ấp lấy những ngôi nhà cao tầng kiên cố khang trang, đường làng ngõ phố phong quang sạch đẹp. Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay nhân dân tổ dân phố Giáp Nguột không quên tri ân những lớp người đi trước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thôn Nguột (còn gọi là Trại Nguột) thuộc tổng Dĩnh Kế nằm liền kề  Phủ Lạng Thương, nơi tập trung lực lượng lớn công cụ đàn áp của thực dân Pháp. Đây là cửa ngõ của rừng núi Đông Bắc, trọng điểm chính quyền thực dân Pháp thực thi nhiều biện pháp cai quản chặt chẽ nhưng cũng thuận lợi cho hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh. Từ cuối năm 1938 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã lập ra Chi bộ Phủ Lạng Thương để lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Từ đây một số thanh niên Dĩnh Kế được giác ngộ cách mạng, rèn luyện và trưởng thành.

Hai cơ sở cách mạng tiêu biểu là nhà chị Thà và anh Tẽo ở xóm Thiên, Dĩnh Kế trở thành đầu mối của Phủ Lạng Thương để liên lạc với các cơ sở cách mạng trong tỉnh những năm 1941-1942. Trại Nguột được coi là “xóm đỏ” của Tổng Dĩnh Kế. Điếm Thiên, xóm Thiên và các gia đình ở Trại Nguột đều là cơ sở cách  mạng và đoàn thể cứu quốc. 

Những năm 1943-1944, phong trào cách mạng ở Dĩnh Kế phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc đưa đón, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, các gia đình đội viên du kích và các đoàn thể cứu quốc còn tham gia rải truyền đơn, dán khẩu hiệu lên án cuộc chiến tranh của đế quốc, ủng hộ Việt Minh, hô hào nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật.        

Ngày 20-7-1945, lực lượng vũ trang xã Dĩnh Kế cùng với một số quần chúng thôn Nguột như các ông: Đối, Phẩm, Thăng, Tốt, bà Nghiên, Ngần đã tham gia giải thoát thành công đồng chí Hoàng Quốc Thịnh khỏi nhà lao Phủ Lạng Thương. Ngày 18-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở Phủ Lạng Thương giành thắng lợi. 

Ông Nguyễn Thăng (92 tuổi) một trong những cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu ở thôn Nguột kể: “Tôi tham gia Đội thanh niên cứu quốc của Việt Minh từ năm 1942, trải qua nhiều vị trí công tác tôi đã được tôi luyện, trưởng thành trong quân đội. Năm 1991 tôi về hưu với quân hàm đại tá”. 

Trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước khỏi ách áp bức, giành chính quyền về tay nhân dân, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, nhân dân thôn Nguột. 12 gia đình và cá nhân đã được Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”. Tại đây có 4 cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu là các ông, bà: Hoàng Tiến (tức Tuân), Nguyễn Khâm, Thuần, Ấm. 

Bà Nguyễn Thị Hồng thân nhân gia đình có công với cách mạng ở thôn Nguột kể: “Gia đình tôi có nhiều thế hệ từng tham gia hoạt động cách mạng như: Cụ, ông, bà, bố mẹ, các bác. Tôi rất tự hào về truyền thống gia đình. Từ đó tôi và các thế hệ con cháu luôn cố gắng sống sao cho xứng đáng. Vào các dịp lễ tết, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà gia đình”. 

Từ những đóng góp quan trọng của cán bộ, nhân dân thôn Nguột trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, ngày 10-1-1971, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định tặng nhân dân thôn Nguột bằng “Có công với nước” về thành tích “Đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945”.   

Phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường của cha ông, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, các thế hệ con em của thôn Nguột đã hăng hái lên đường bảo vệ tổ quốc. Đã có 40 thanh niên nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 7 người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và xâm lược phương Bắc. 

Sau khi đất nước thống nhất và trong công cuộc đổi mới, nhân dân thôn Nguột đã không ngừng cố gắng, nỗ lực trong xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Bà Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng tổ dân phố Giáp Nguột cho biết: Mặc dù chỉ là tổ dân phố nhỏ có hơn 70 hộ dân, 296 nhân khẩu nhưng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tổ dân phố Giáp Nguột không ngừng được cải thiện. Nhân dân phát triển kinh tế đa dạng ngành nghề như: Thương mại, dịch vụ, cơ khí, mộc, vận tải, sản xuất rau màu, trồng đào, hoa... Nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện tổ dân phố Giáp Nguột không còn hộ nghèo, cận nghèo. Các hộ dân đều có nhà cửa kiên cố khang trang. Con em nơi đây hưởng truyền thống cách mạng của cha ông đã chăm chỉ học hành, lập thân, lập nghiệp, có việc làm ổn định. 

Từ mảnh đất bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, những con người yêu nước, kiên cường ở tổ dân phố Giáp Nguột đã không ngừng cố gắng vươn lên, sống đoàn kết, tương trợ nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hải Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...