Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đăng ký và quản lý hộ tịch: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Cập nhật: 09:08 ngày 25/10/2018
(BGĐT) - Sau hơn 3 năm thi hành Luật Hộ tịch, trên địa bàn TP Bắc Giang, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đi vào nền nếp. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch đã bộc lộ một số bất cập cần sớm được chỉnh sửa, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng và người dân khi thực hiện.

Giảm giấy tờ, đăng ký đúng hạn

Để Luật đi vào cuộc sống, tỉnh và TP đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách TP và các phường, xã; đẩy mạnh tuyên truyền giúp cán bộ, nhân dân nắm được và thực hiện. Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức về việc đăng ký hộ tịch vừa là quyền, nghĩa vụ của mình nên đã tự giác chấp hành. 

{keywords}

Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Trần Phú làm thủ tục hộ tịch cho người dân.

Tỷ lệ đăng ký hộ tịch đã tăng lên, các cặp vợ chồng đều đăng ký kết hôn theo quy định, trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh, tình trạng không đăng ký khai tử dần được khắc phục. Hiện tượng người dân tự ý tẩy xoá, sửa chữa giấy tờ hộ tịch đã giảm đáng kể. TP triển khai ứng dụng phần mềm hộ tịch từ TP tới 16 phường, xã bảo đảm việc đăng ký và quản lý hộ tịch được thông suốt, cập nhật kịp thời.

Theo ông Trần Quốc Chánh, Trưởng phòng Tư pháp TP, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và cải cách tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công chức tư pháp - hộ tịch có ý thức trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ nên đã giảm đáng kể các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hộ tịch. Đặc biệt đã giảm được nhiều loại giấy tờ sao chụp do chỉ cần xuất trình bản chính. 

Cùng đó đã giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch. Người dân có thể lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Luật còn quy định miễn phí đăng ký hộ tịch cho những trường hợp thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn. Đây là quy định mới thể hiện tính nhân văn, đồng thời khuyến khích người dân đăng ký hộ tịch đúng luật. Kết quả từ năm 2016 đến ngày 30-6-2018, toàn TP đã đăng ký hộ tịch cho hơn 13,8 nghìn trường hợp khai sinh, kết hôn, khai tử, cải chính hộ tịch.

Sớm khắc phục bất cập

Bên cạnh những mặt ưu điểm, việc thực hiện luật thời gian qua bộc lộ những bất cập như: Quy định công dân được lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch tạo ra áp lực đối với cơ quan quản lý hộ tịch ở những địa phương có nhiều người tạm trú, lượng công việc tăng lên và độ phức tạp cũng tăng theo. Những người không có hộ khẩu thường trú dễ biến động, gây khó khăn cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. 

Đối với trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con hiện xảy ra tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài rồi bỏ về Việt Nam, thực tế quan hệ vợ chồng đã chấm dứt nhưng chưa làm thủ tục ly hôn đã có quan hệ chung sống với người đàn ông khác trong nước và sinh con. Khi người mẹ đăng ký khai sinh cho con, cơ quan chức năng khó xác định cha cho đứa trẻ, do vậy, việc đăng ký khai sinh cho trẻ gặp khó khăn.

Quy định yêu cầu người đi đăng ký hộ tịch ký tên vào sổ hộ tịch trong trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, hệ thống trực tuyến mà không trực tiếp đi đăng ký cũng gây lúng túng cho cơ quan, cán bộ hộ tịch khi thực hiện. Thói quen của người đi đăng ký khai sinh thường đồng thời đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi đó. Tuy nhiên, quy định về việc được đăng ký khai sinh tại cơ quan đăng ký nơi tạm trú, nơi đang sinh sống thì nhiều khi người dân chỉ thực hiện đăng ký khai sinh mà quên làm thêm thủ tục về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Chị Nguyễn Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Nguyên Hãn cho biết: Khó khăn nhất là với những công dân Việt Nam đã từng có thời gian cư trú tại nước ngoài nay về Việt Nam thường trú. Khi cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì hầu hết các trường hợp này không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp. 

Vì vậy UBND cấp xã nơi thường trú hiện tại của công dân thường phải yêu cầu người dân cam đoan “tự chịu trách nhiệm về tình trạng hôn nhân của mình và hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật”. Tuy vậy, việc này không hoàn toàn bảo đảm tính chính xác dễ dẫn đến các hậu quả pháp lý về sau.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hành chính nhà nước và người dân khi đăng ký và quản lý hộ tịch, đề nghị cơ quan chức năng sớm sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập trong Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tiễn. Cùng đó tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, hộ tịch để họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch
(BGĐT) - Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch (TKHT) giai đoạn 2017-2024 vừa được Chính phủ phê duyệt.
 
Thi hành Luật Hộ tịch: Tạo thuận lợi cho người dân
(BGĐT) - Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Sau thời gian triển khai, thực hiện, các quy định mới trong Luật mang lại thuận lợi cho người dân Bắc Giang. 
 

Hải Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...