Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

TP Bắc Giang: Gắn quản lý, bảo tồn di tích với lành mạnh hóa lễ hội xuân

Cập nhật: 17:00 ngày 08/02/2018
(BGĐT) - Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách về bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, TP Bắc Giang đã xây dựng, triển khai đồng bộ một số chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp đối với di tích. Đi liền với đó là tăng cường hướng dẫn, quản lý hoạt động lễ hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, du lịch trên địa bàn.
{keywords}

Các đoàn rước tại lễ hội Xương Giang. Ảnh tư liệu.

Quan tâm đầu tư, tôn tạo

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin TP, trên địa bàn hiện có 46 di tích được xếp hạng (trong đó có 14 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh bao gồm 18 đình, 12 chùa, 5 đền, 2 nghè còn lại là nhà thờ họ, nhà thờ đạo, lăng mộ và di tích khác). Hơn 80% di tích được xếp hạng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được quy hoạch là đất sử dụng cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. 

Ngoài ra, toàn TP còn có 87 di tích chưa được công nhận, xếp hạng. 16 phường, xã đều thành lập ban quản lý di tích, công tác bảo vệ, phòng ngừa hành vi xâm phạm di tích được tăng cường. Giai đoạn 2014-2017, từ nguồn ngân sách tỉnh, TP, phường, xã, nhân dân đóng góp và xã hội hóa, đã có khoảng 30 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Đặc biệt, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích chiến thắng Xương Giang giai đoạn 1 được ngân sách tỉnh, ngân sách TP bố trí 147 tỷ đồng hình thành không gian lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc của TP. 

Gắn liền với các di tích, mỗi năm TP có 62 lễ hội xuân, trong đó lễ hội Xương Giang được tổ chức với quy mô cấp TP, 12/16 lễ hội cấp phường, xã còn lại là ở thôn, tổ dân phố. Do được quan tâm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chặt chẽ nên những năm gần đây, hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp, chuyển biến tích cực so với trước. Một số lễ hội ngoài bảo đảm các nghi thức truyền thống còn gắn với các sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian lành mạnh tạo nên nét đẹp, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách như lễ hội đền Bảo Nương - Ngọc Nương (phường Đa Mai) hai năm gần đây khôi phục môn đua thuyền trên sông Thương. Lễ hội chùa Như Nguyện (phường Mỹ Độ) gắn với mừng thọ người cao tuổi và hoạt động khuyến học đối với con em địa phương; tôn vinh, ghi nhận sự hảo tâm, đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng, trùng tu di tích (lễ hội đình Vĩnh Ninh - phường Hoàng Văn Thụ; chùa Vẽ, phường Thọ Xương). Lễ hội gắn với sự kiện đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (lễ hội thôn Vĩnh An, xã Song Mai; thôn Núm, xã Dĩnh Trì). 

Đặc biệt, với quy mô TP tổ chức, lễ hội Xương Giang hai năm trở lại đây được quan tâm bài bản từ khâu lên kế hoạch, kịch bản, nghi lễ đến các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao dân gian và nhiều hoạt động lành mạnh khác để tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc như trưng bày tư liệu, hiện vật với chủ đề “Hào khí Xương Giang, muôn thủa còn truyền”; trưng bày sinh vật cảnh và sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như trình diễn hát quan họ, ca trù, chầu văn, trình diễn thư pháp; chọi gà, chọi chim, kéo co, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, đu cây, cờ bỏi; biểu diễn võ thuật, giao lưu cờ tướng, thi đấu bóng chuyền hơi; các hoạt động vui chơi cho trẻ em và dịch vụ văn hóa ẩm thực. 

{keywords}

Thực hành diễn xướng hát văn hầu đồng tại đền Tân Ninh, phường Trần Phú. Ảnh: Công Doanh.

Tăng sức hấp dẫn với du khách

Giai đoạn 2014-2017, từ nguồn ngân sách tỉnh, TP, phường, xã, nhân dân đóng góp và xã hội hóa, đã có khoảng 30 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Đặc biệt, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích chiến thắng Xương Giang giai đoạn 1 được ngân sách tỉnh, ngân sách TP bố trí 147 tỷ đồng, hình thành không gian lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc của TP.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được quan tâm đã thu hút nhân dân và du khách. Được biết, mùa lễ hội năm 2017, Khu di tích Chiến thắng Xương Giang và chùa Thành, chùa Vẽ đón 2 vạn lượt khách dâng hương vãn cảnh, đông chưa từng có từ trước đến nay. Các lễ hội như: Đình Vĩnh Ninh, đền Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) có từ 2 nghìn đến 4 nghìn lượt khách; lễ hội đền Bảo Nương - Ngọc Nương gắn với môn thể thao đua thuyền trên sông Thương thu hút khoảng 4,5 nghìn người tham dự. Chính quyền các phường, xã phối hợp với lực lượng chức năng của TP; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan góp phần làm cho môi trường lễ hội lành mạnh hơn.

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội xuân năm nay, ông Lê Xuân Dương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP cho biết, thời điểm này, UBND TP đã  ban hành văn bản chỉ đạo đến các cơ quan, đơn vị liên quan và các phường, xã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về tổ chức lễ hội. Chú trọng tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và ý nghĩa của lễ hội đến nhân dân và du khách; bổ sung bảng, biển hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định về văn minh đô thị để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội. Tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực tại lễ hội; đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội Xương Giang đến các đơn vị liên quan. 

Cùng với các hoạt động hướng dẫn, quản lý lễ hội và làm tốt công tác quản lý, bảo tồn di tích, UBND TP cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xếp hạng Khu di tích địa điểm chiến thắng Xương Giang là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019. Hiện TP đã nhất trí chủ trương xây dựng đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải tại tổ dân phố Giáp Hải (phường Dĩnh Kế) với kinh phí khoảng 7,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Tùng Lâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...