Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng mỳ tất bật vào vụ Tết

Cập nhật: 09:40 ngày 06/01/2017
(BGĐT) - Để làm ra mẻ mỳ gạo dai, ngon, người làm nghề phải trải qua gần chục công đoạn với bao công sức. Thời điểm này, người dân làng nghề ở tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đang tất bật làm hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán.  
{keywords}

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung chuẩn bị mẻ mỳ mới.

Dù còn khá sớm song khi tôi đến, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung, tổ dân phố Phú Mỹ 2 đã gần thái xong mẻ mỳ trong ngày. Chồng thoăn thoắt đưa bánh đã gấp vào máy, chị Dung chuyển ra xếp ngay ngắn trên phên. Không khí làm việc bận rộn. Sau khoảng 15 phút, hơn 20 phên mỳ đã được xếp ngay ngắn. "Làm nghề này luôn chân luôn tay suốt ngày chú ạ”- Chị Dung nói.  

Theo chị Dung, làm mỳ có cả chục công đoạn, từ chọn gạo, ngâm, ủ, tráng, phơi đến đóng gói. Thường, mỗi mẻ gối nhau trong hai ngày. Ví như sáng nay mua gạo, cuối giờ chiều hoặc nửa đêm đem ngâm để sớm hôm sau xay bột. Trước đây xay bột chủ yếu bằng cối thủ công nên mất rất nhiều thời gian. Nay xay bằng máy, thời gian rút ngắn hàng chục lần. Sau công đoạn xay lại tiếp tục ngâm để lắng bột rồi đem tráng, phơi. Phơi là công đoạn mất thời gian và tốn công nhất bởi mọi nhà đều phơi bánh ngoài trời, bánh khô nhanh hay chậm phụ thuộc vào thời tiết. “Có lẽ chẳng nghề nào đòi hỏi phải nắm rõ thời tiết như nghề này”- Chị Dung nói. Những hôm nắng to, thời gian phơi khoảng 3 tiếng; tiếp đó đến công đoạn làm mềm bánh bằng nước pha mỡ lợn, ủ khoảng hai tiếng rồi thái. Mỳ sau khi được thái tiếp tục đưa đi hong khô rồi đem bó, đóng gói.  

{keywords}

Nghề sản xuất mỳ gạo ở phường Dĩnh Kế đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 2 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày. Từ làm mỳ, đời sống của gần 400 hộ dân được cải thiện đáng kể".


Ông Lương Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường

Trước đây chưa làm mỳ, gia đình chị Dung chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán nhưng do tưới tiêu không chủ động, hiệu quả sản xuất thấp, đời sống khó khăn. Từ ngày làm mỳ, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt, mỳ làm ra đến đâu khách đến tận nhà mua hết đến đó. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng chị làm từ 80-120 kg gạo, trừ chi phí còn lãi 300- 400 nghìn đồng. Dịp gần Tết nguyên đán, nhu cầu tăng, có ngày anh chị làm tới 300- 400 kg gạo. Nước và bột gạo thừa phục vụ chăn nuôi lợn. 

Tổ dân phố Phú Mỹ 2 có 175 hộ thì khoảng một nửa làm nghề sản xuất mỳ. Cũng như gia đình chị Dung, đa số các hộ làm mỳ đều có thu nhập ổn định. Điển hình là hộ các ông: Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Hải... Bình quân mỗi lao động thu nhập từ 200- 250 nghìn đồng/ngày. Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Thanh Tú có 4 lao động lại đầu tư máy tráng thuê, thu nhập mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. Theo anh Tú, làm mỳ bận rộn song tận dụng được nhiều lao động. Dịp này, do nhu cầu sản phẩm tăng, gia đình anh huy động thêm các con, cháu cùng làm. Ông Nguyễn Công Đoàn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Phú Mỹ 2 cho biết: Đã thành nếp vào dịp cuối năm lượng mỳ làm ra tăng mạnh. Ngày thường, bình quân tổ dân phố chỉ sản xuất hơn 5 tấn gạo, dịp này tăng lên gần 8 tấn, sản phẩm vẫn không đủ cho khách đặt mua. 

Được biết, cùng với thu nhập từ làm nghề, các gia đình đều tận dụng phụ phẩm để chăn nuôi. Từ nguồn này, mỗi hộ cũng thu bình quân 50-60 triệu đồng/năm... Nghề làm mỳ còn thúc đẩy một số dịch vụ khác như dịch vụ kinh doanh gạo, vận chuyển hàng hóa, chất đốt… giúp đời sống của người dân ngày một nâng lên.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...