(BGĐT) - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để các thế hệ học trò tri ân, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đến thầy cô giáo, gìn giữ và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của nhà giáo càng được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy luôn tiêu biểu trong các tầng lớp của xã hội và nghề giáo luôn được coi là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Không thể phủ nhận vai trò của những người thầy. Biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo, doanh nhân, trí thức thành tài, thủ khoa đại học… làm rạng danh cho quê hương, non sông, đất nước hay chỉ là công dân có ích cho xã hội thì luôn thấp thoáng phía sau đó là công ơn những thầy cô giáo luôn tận tâm với nghề bằng tri thức và lòng nhiệt huyết. Cũng thật dễ hiểu khi người thầy mãi giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi học trò.
Thể hiện đạo lý và truyền thống tốt đẹp ấy, mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, ai trong chúng ta cũng luôn thể hiện tấm lòng tri ân đến thầy cô giáo mình hoặc của con em mình bằng những việc làm hết sức ý nghĩa. Có thể là lời chúc mừng, động viên, bó hoa hay món quà thay lời. Dù mỗi người có cách tri ân khác nhau nhưng đều xuất phát từ tấm lòng, tình cảm chân thành, quý trọng và biết ơn thầy cô.
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của kinh tế thị trường, không biết vô tình hay cố ý mà có một số người hiểu sai ý nghĩa của việc tri ân, làm lệch lạc sự kính trọng thiêng liêng đối với người thầy. Thay vì thể hiện lòng tri ân sâu sắc của tình yêu thương, nhiều người đã chọn những món quà có giá trị lớn về vật chất, thậm chí là những chiếc phong bì “đo đếm” bằng tiền ở trong đó vì mục đích khác. Rõ ràng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, việc tặng quà không xa lạ, thậm chí thể hiện sự trân trọng, biết ơn người đã có công dạy dỗ nhưng rất đáng lên án khi bị biến tướng, trở thành động cơ, mưu cầu thực dụng.
Có thể ở đâu đó trong xã hội vẫn còn người thầy có suy nghĩ, hành động làm hoen ố hình ảnh đẹp của nhà giáo, nhưng đó chỉ là cá biệt. Trong khi hằng ngày, hằng giờ có biết bao tấm gương thầy cô giáo sáng ngời đạo đức đang miệt mài “gieo” chữ, ươm mầm tri thức, tạo niềm tin về ngày mai tươi sáng cho bao thế hệ học trò, luôn tâm huyết làm tròn sứ mệnh cao cả của người thầy. Dù cuộc sống của nhiều thầy cô giáo còn bộn bề khó khăn, cơ sở vật chất trường học, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn nhưng hình ảnh “người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa” rất đẹp và đáng trân trọng.
Truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của người Việt có từ lâu đời và đang được phát huy. Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ học trò tri ân thầy cô đã dìu dắt, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bước vào đời. Dành những lời tri ân, tình cảm trân quý hay món quà ý nghĩa kính tặng thầy cô nhân ngày 20/11 là điều nên làm. Tuy nhiên cũng đừng để những toan tính vật chất làm vẩn đục giá trị truyền thống hiếu học, trọng lễ, trọng tình của dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng với phụ huynh, hãy biết ơn các thầy cô bằng việc giáo dục con em nhận thức sâu sắc và có những việc làm thiết thực thể hiện sự biết ơn công lao người dạy dỗ con em mình. Còn với các trò, biết ơn các thầy cô giáo không gì quý bằng nỗ lực trong học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, trở thành con ngoan trò giỏi, sau này làm người thực sự có ích cho xã hội.