Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Thêm các kênh bán lẻ nông sản

Cập nhật: 09:02 ngày 27/08/2021
(BGĐT) - Nông sản bị dồn ứ, khó tiêu thụ, nghịch lý “thấp - cao” trong thu mua, phân phối… có một phần nguyên nhân là các kênh bán lẻ còn hạn chế, cần được củng cố.

Tiêu thụ nông sản vốn là bài toán khó, trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp lại càng nan giải. Với nhiều cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Bắc Giang có được nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức tiêu thụ nông sản, điển hình là tổ chức tiêu thụ vải thiều.

Từ việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, liên kết “4 nhà” vẫn là những chủ trương nhất quán trong phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh hiện nay.

Cốt lõi của phát triển nông nghiệp bền vững là sản xuất gắn với thị trường, sản xuất cái mà thị trường cần chứ không phải cái mình có, sản phẩm có sức cạnh tranh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành hạ, tiếp cận nhanh, hiệu quả nhất với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một trong những kênh tiếp cận hiệu quả nhất với người tiêu dùng hiện nay là hoạt động bán lẻ còn nhiều hạn chế. Người tiêu dùng khó tìm nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP… Có tình trạng lợi nhuận nông sản chủ yếu “rơi vào túi” người tham gia khâu phân phối, người sản xuất, người tiêu dùng bị thiệt. Nghịch lý “thấp – cao” giá thịt lợn (tức là mua của người chăn nuôi thì thấp nhưng bán cho người tiêu dùng thì cao) thời gian gần đây là một ví dụ.

Khắc phục hạn chế trên, mới đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đưa khoảng 20 sản phẩm OCOP bày, bán tại cửa hàng nông sản thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang. Tại đây, những loại nông sản đặc sản OCOP được ưu tiên gian hàng ở vị trí trung tâm để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Được biết, tại một số huyện trong tỉnh đã có những cửa hàng tương tự.

Một trong những cách tiếp cận nhanh nhất với người tiêu dùng mà vụ vải thiều vừa qua đã được nhiều nông dân, doanh nghiệp áp dụng là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, livestream (trực tuyến trên nền tảng Facebook) bán vải thiều. Qua các kênh này người sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm tốt hơn, tương tác, tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng tốt hơn để làm ra sản phẩm mà thị trường cần, tránh được tình trạng người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường cũng mù mờ về sản xuất.

Có thể nhận thấy, việc mở rộng các kênh phân phối nông sản đã có nhiều chuyển biến, cần tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, phù hợp với từng địa bàn, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, vùng nông nghiệp trọng điểm, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Cùng với sự cố gắng của nhà nông, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công Thương cần chủ động hơn thực hiện các giải pháp tìm kiếm thị trường, cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường mới để người dân, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động gửi sản phẩm chào hàng, giới thiệu đến các đối tác, đẩy mạnh đưa nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước.

Trần Anh
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa
(BGĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021”. Sau gần 3 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư máy móc, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác... để sản xuất, hình thành chuỗi liên kết đáp ứng thị trường.
Tăng cường kết nối cung-cầu trong tiêu thụ nông sản
(BGĐT)- Chiều 12/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương về triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thích ứng với những tác động của dịch bệnh Covid-19.
Bắc Giang: Nhiều nông sản tăng giá, tiêu thụ thuận lợi
(BGĐT)- Tuần qua, mặc dù giá nhiều loại nông sản, thực phẩm của các tỉnh miền Nam xuống thấp do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng tại Bắc Giang, giá một số loại mặt hàng này vẫn giữ ở mức khá, tiêu thụ thuận lợi.
Bắc Giang: Gỡ khó khâu lưu thông tiêu thụ nông sản
(BGĐT) - Dịch Covid-19 tại Bắc Giang đã được kiểm soát song nhiều địa phương trong cả nước dịch bùng phát mạnh. Trong bối cảnh đó, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, ngành chức năng, người dân đang thực hiện các giải pháp hạn chế thiệt hại.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...