Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà nông sáng tạo hàng Tết

Cập nhật: 08:35 ngày 20/01/2020
(BGĐT) - Hàng Tết ắp đầy các chợ, siêu thị và tràn ra nhiều tuyến phố. Hút mắt người mua là nhiều mặt hàng nông sản độc, lạ, giá bán cao ngất. Nhà nông sáng tạo hàng Tết mỗi năm mỗi vẻ.

“Quất lá phát tài”, “Quất hình thỏi vàng”, “Quất thăng tiến”, “Chuột vàng cõng quất”; “Chậu hoa đào hình rồng”, “Dưa hấu hồ lô”… và vô vàn các loại cây, quả phục vụ Tết được đặt tên nửa quen, nửa lạ hấp dẫn người tiêu dùng.

Tết đến, xuân về, trên bàn thờ tổ tiên hay bàn tiếp khách của người Việt thường có mâm ngũ quả. Trong mâm ấy, ước nguyện may mắn, “phúc, lộc, thọ” của gia chủ được gửi gắm qua tên gọi, màu sắc, hình thù của các loại quả. Đây chính là yếu tố để nhà nông thỏa sức sáng tạo phục vụ thị trường tiềm năng này.

Dạo qua các tuyến phố của TP Bắc Giang thấy nhiều loại quả như dưa, táo, bưởi, dừa, đu đủ… được tạo hình, in chữ tài lộc, những lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng. Được biết, để có được sản phẩm như vậy, người nông dân phải tính toán thời điểm thích hợp để cho quả vào khuôn tạo dáng nhưng không phải lúc nào cũng thành công.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, mỗi năm nhà nông đều phải cải tiến kỹ thuật nhằm tạo ra các loại khuôn mẫu hoàn thiện, chất lượng đồng đều hơn nhưng cái khó nhất là sáng tạo sản phẩm mẫu mã, tên gọi mới sao cho độc, lạ để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn năm Canh Tý 2020 thì sản phẩm các loại bonsai được tạo hình chú chuột đắt hàng.

Nhìn vào thị trường nông sản phục vụ Tết có thấy chuyển biến đáng kể trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ nhà nông bán ra sản phẩm mình có sang sản xuất cái thị trường cần. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhờ đó sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi.

“Tốt chợ hơn tốt lợn” chính là kinh nghiệm sản xuất hàng Tết của nhà nông cần được áp dụng với nhiều nông sản khác. Trong đó khâu quan trọng nhất là nghiên cứu thị trường. Thị trường cần sản phẩm gì, cần bao nhiêu là những thông tin nhà nông phải nắm được để tổ chức sản xuất, cung ứng sao cho phù hợp, tránh tình trạng “cung” vượt “cầu” dẫn đến khủng hoảng rớt giá, gây thua thiệt cho người sản xuất.

Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên chỉ riêng nhà nông không làm được mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học.

Chuyện sáng tạo của nhà nông làm hàng Tết mang lại hiệu quả kinh tế mới, tạo thêm hương sắc cho mùa xuân nhưng cũng gợi mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp nói chung.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...