Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người chăn nuôi và nỗi lo thường trực

Cập nhật: 07:00 ngày 30/03/2019
Không lâu sau cuộc đại khủng hoảng dư thừa thịt lợn vào năm 2017 gây thiệt hại không nhỏ, nay các chủ trang trại, người chăn nuôi lợn lại gặp khó khăn mới-dịch bệnh.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến ngày 26-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 64.879 con. Từ ngày 20-3 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.  

Vậy là từ cuối năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi liên tiếp phải đối phó với dịch bệnh. Trước đó, tại Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh xuất hiện 7 ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh  khác cũng có tình trạng lợn chết nghi  bị bệnh này.

Trước tình hình đó, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng với nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ. Mặc dù vậy, mới đây trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trường hợp lợn có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hai hộ dân xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy hai đàn lợn (108 con) của những gia đình này, đồng thời khoanh vùng ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra lo lắng bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với nhiều con đường lan truyền, hiện chưa có vắc xin phòng và chữa bệnh. Ngoài ra, mầm bệnh có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, nguy cơ tái phát trở lại rất cao.

Dịch bệnh xảy ra, người sản xuất thiệt hại trước tiên. Không chỉ những hộ có lợn bị ốm chết mà ngay cả các hộ khác cũng gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm, giá bán giảm đáng kể. Người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn, thậm chí còn cực đoan khi tẩy chay loại thực phẩm này, nhất là sau vụ việc nhiều trẻ em ở tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn.

Quả thực sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, có lẽ chưa bao giờ người chăn nuôi hết lo lắng. Tháng này, năm này, chủ hộ, trang trại chăn nuôi thu lãi tiền triệu, tiền tỷ nhưng cũng có thể tháng sau, năm sau thua lỗ số tiền tương tự, thậm chí không còn khả năng khôi phục sản xuất khi đầu ra không thuận lợi như năm 2017, dịch bệnh xảy ra hoặc giá thức ăn tăng cao do phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, phát triển chăn nuôi bền vững, trong đó chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp lâu dài và có ý nghĩa quyết định. Các chuyên gia trong lĩnh vực này khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác, HTX hoặc liên  kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bảo đảm đầu ra ổn định. Mô hình này đã khẳng định hiệu quả nhưng chưa được số đông hộ dân hưởng ứng bởi tư tưởng sản xuất “được ăn cả, ngã về không” vẫn còn khá phổ biến. Một vấn đề quan trọng không kém là quan tâm đúng mức tới công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, chăn nuôi nông hộ còn khá phổ biến. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các chủ hộ thường thiếu kiến thức về phòng chống dịch bệnh, không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong vấn đề này. Thực tế cho thấy dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học chưa tốt. 

Đi đôi với các biện pháp trên, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, người sản xuất cần nhanh nhạy nắm chắc thông tin thị trường, từ đó duy trì quy mô chăn nuôi hợp lý. 

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...