Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Truy quét tín dụng đen

Cập nhật: 17:41 ngày 15/12/2018
(BGĐT)-Những ngày qua, lực lượng công an nhiều địa phương trong cả nước đã điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi (hoạt động tín dụng đen). 

Ngày 11-12, Công an Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) bắt 3 đối tượng cho vay tín dụng giá "cắt cổ" gồm Phùng Quang Huy (25 tuổi), Hoàng Huy Hoàng (22 tuổi) và Trần Đại Hải (27 tuổi, cùng trú Hải Phòng). Những đối tượng này vào TP Hà Tĩnh kinh doanh tín dụng đen từ tháng 6 với lãi suất 5 nghìn đồng cho 1 triệu đồng một ngày (tương đương 182,5% năm). Đến thời điểm bị bắt giữ, 130 người ở Hà Tĩnh đã vay tiền và trả lãi nóng cho nhóm của Huy. Ai không thanh toán đúng hạn sẽ bị đe dọa tính mạng.

Trước đó, ngày 7-12, Đại tá Khương Duy Oanh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá cho hay, đơn vị đang phối hợp với Cục cảnh sát Hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố trong cả nước điều tra mở rộng vụ án Công ty Nam Long hoạt động tín dụng đen.

Kết quả điều tra xác định, giữa năm 2017, Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, quận 10) mở Công ty Nam Long hoạt động tín dụng đen. Công ty có trụ sở chính đặt tại đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho song không đăng ký kinh doanh. 

Nam Long chuyên kinh doanh cho vay tài chính dưới hình thức hợp đồng trả góp trong 41 và 51 ngày. Với trả góp 41 ngày, mỗi hôm người vay phải trả tiền gốc và lãi trên 3% tổng số tiền vay, hợp đồng 51 ngày là 2,5%. 

Đại diện Ban chuyên án cho hay, công ty này có 26 chi nhánh, lập "chân rết" ở 63 tỉnh, thành phố. Mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh do một người làm quản lý. 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hoạt động tín dụng đen cũng tồn tại dưới nhiều hình thức như cầm đồ, hỗ trợ tài chính với những lời quảng cáo hấp dẫn như: Cho vay vốn dưới mọi hình thức, bấm máy có tiền, giải ngân trong 1 phút...Mới đây, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tạm giữ hai đối tượng liên quan tới việc cưỡng đoạt tài sản, hoạt động tín dụng “đen” là Trần Đức Minh (SN 1996) ở thôn Cảnh Thượng, xã Nam Sơn, huyện An Dương (TP Hải Phòng) và Nguyễn Văn Trưởng (SN 2000) ở thôn Tứ Duy, xã Hương Nhàn, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng).

Theo hồ sơ điều tra, tháng 6-2018, Minh đến khảo sát và mở cơ sở chuyên hỗ trợ tài chính với hình thức vay tín chấp tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa. Người vay phải để lại chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu khi vay tiền, lãi suất từ 150 đến 300%/năm. Đối với những trường hợp nợ xấu, nhóm này sẽ gây áp lực cho con nợ và người thân để đòi tiền như: Dán tờ rơi bôi nhọ danh dự của người vay, cưỡng đoạt tài sản...Sau gần nửa năm, có hơn 100 người vay tại cơ sở này với tổng số tiền khoảng 3 tỷ đồng. 

Nhiều người còn nhớ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: “Đằng sau tín dụng đen thường là tổ chức tội phạm”. Quả vậy, với việc cho vay với lãi suất cắt cổ, dùng đủ thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp, thậm chí là hành hạ con nợ, hoạt động tín dụng đen đã gây ra những hệ lụy không nhỏ cho xã hội. 

Truyền thông đưa tin, bắt đầu từ ngày mai (16-12), Bộ Công an sẽ mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có hoạt động tín dụng đen. Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen, nhất là vào dịp Tết. Với sự chỉ đạo và vào cuộc truy quét của ngành chức năng, tin rằng hoạt động tín dụng đen sẽ sớm bị xóa sổ.

Đông Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...