Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không chủ quan với căn bệnh thế kỷ

Cập nhật: 07:00 ngày 25/08/2018
(BGĐT)-Mặc dù y học thế giới đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng kể từ khi phát hiện ra trường hợp đầu tiên nhiễm HIV đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào tiêu diệt được virus gây ra căn bệnh thế kỷ này. Đáng lo lại là nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn luôn hiện hữu.

Vừa qua, người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ rất hoang mang về tình hình nhiễm HIV/AIDS ở địa phương mình. Cụ thể, qua khảo sát, lấy mẫu máu ngẫu nhiên của 490 người dân địa phương xét nghiệm có tới 42/490 người cho kết quả dương tính với HIV.

Đây không phải lần đầu tiên phát hiện tại một xã có nhiều người mắc HIV. Theo Bộ Y tế, trước đây, một xã ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có số người nhiễm HIV được phát hiện cao nhất nước (441 người). TP Hồ Chí Minh có nhiều xã thuộc các huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Phú, Củ Chi có số người nhiễm HIV được phát hiện từ 164 người đến 358 người/xã. 

Điều mà người dân Kim Thượng và dư luận băn khoăn là tỷ lệ người nhiễm HIV tại đây có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, hơn một nửa số người nhiễm là phụ nữ (26/42 người) trong khi đó tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV chung của cả nước chỉ chiếm 1/3. Nhóm tuổi mắc HIV tại Kim Thượng cũng cho con số khá “lạ”, khi có cả trẻ em 18 tháng tuổi và cụ già 80 tuổi.

Trước những dấu hiệu bất thường này, các cơ quan chuyên môn của ngành y tế đã vào cuộc nhưng chưa tìm ra nguyên nhân lây nhiễm HIV ở Kim Thượng. Một số người nghi ngờ mình bị lây nhiễm khi điều trị tại phòng khám (có thể là dùng chung kim tiêm) của một y sĩ trên địa bàn bởi quanh năm họ quanh quẩn bên "lũy tre làng" nhưng cơ quan chuyên môn cho rằng nghi vấn này không có cơ sở bởi có người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng mới đi khám bệnh lần đầu tại nhà y sĩ này 6 tháng trước đây.

Thế giới phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1959. 31 năm sau, vào tháng 12-1990, Việt Nam cũng ghi nhận ca HIV đầu tiên, là một phụ nữ 30 tuổi ở TP Hồ Chí Minh. Mặc dù chính quyền, ngành chức năng tích cực tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này nhưng số liệu ngành y tế đưa ra đầu năm nay cho thấy số người nhiễm HIV của cả nước còn sống là 209.450 nghìn người. Trong đó 90.100 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 94.620 người. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV trên thực tế chắc hẳn sẽ cao hơn nhiều bởi sẽ có rất nhiều trường hợp như người dân Kim Thượng-đi xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm HIV. 

HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường hậu môn và thậm chí bằng miệng); qua việc truyền máu từ nguồn đã bị nhiễm bệnh, dùng chung kim tiêm và từ mẹ sang con.

Từ vụ việc ở xã Kim Thượng cho thấy kiến thức về phòng chống căn bệnh thế kỷ này tại nhiều địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế. Đặc biệt, những người không biết mình bị nhiễm HIV như người dân Kim Thượng sẽ vô hình trung là nguồn lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này ra cộng đồng. Do vậy, công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống HIV cần được tăng cường. Người dân không kỳ thị những người nhiễm HIV bởi bệnh này không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường nhưng cũng không nên chủ quan với căn bệnh thế kỷ này, từ đó có biện pháp bảo vệ an toàn cho mình trong cuộc sống.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...