Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đúng là “tay phải chặt tay trái”

Cập nhật: 15:06 ngày 21/08/2018
(BGĐT) - Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe người dân, dẫn đến bị chính quyền xử phạt, bị cộng đồng phản đối, kiểu làm ăn như thế khác nào “tay phải chặt tay trái”.

Bao đời nay người dân xã Long Sơn, một xã vùng cao của huyện Sơn Động (Bắc Giang) sống trong môi trường trong lành. Kể từ ngày có hai doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi vào địa bàn thì cuộc sống của bà con bị đảo lộn. Có gia đình cả ngày đêm phải đeo khẩu trang để hạn chế mùi xú uế do chất thải chăn nuôi thoát ra từ trang trại. Ruồi muỗi nhiều khiến khi ăn cơm cả nhà phải chui vào màn. Đang sống yên lành bỗng dưng phải chịu khổ ải như vậy nên người dân hết sức bức xúc.

Bà con đã nhiều lần phản ánh đến chủ doanh nghiệp và chính quyền xã. Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra hai doanh nghiệp chăn nuôi tại đây là Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (Công ty RTD) và Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xử phạt Công ty RTD gần 650 triệu đồng, Công ty Hòa Phát Bắc Giang hơn 310 triệu đồng.

Bị phạt nặng và bị người dân phản đối, cản trở sản xuất là cái giá đắt mà hai doanh nghiệp trên phải trả vì vi phạm bảo vệ môi trường. Làm ăn như thế thì đúng là “gậy ông đập lưng ông”, “tự lấy đá ghè chân mình”.

Trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận nên coi nhẹ việc bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hệ lụy là ô nhiễm môi trường nước, không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Khi đã để xảy ra ô nhiễm môi trường thì việc khắc phục rất khó khăn và tốn kém.

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ song ở những nơi bị ô nhiễm nước, không khí do chất xả thải chưa được xử lý và những vùng trồng cây trái sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thì tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng.

Ai cũng có thể là nạn nhân của ô nhiễm môi trường dù là người giàu, người nghèo, già hay trẻ. Dù có nhà cửa tiện nghi, được ăn ngon, mặc đẹp nhưng nếu bị nhiễm bẩn nguồn nước hay không khí dẫn tới bị bệnh nan y thì cũng là vô nghĩa.

Do vậy không thể đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Trách nhiệm của mỗi người dân và doanh nghiệp là cùng nỗ lực hợp tác để giữ gìn môi trường đất, nước, không khí sạch. Trong quản lý nhà nước thì trách nhiệm trước hết là ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết nhằm ngăn chặn vi phạm môi trường, tránh để như tình trạng ở xã Long Sơn nêu trên.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...