Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ hiệu quả hơn cho hợp tác xã

Cập nhật: 14:51 ngày 06/08/2018
(BGĐT) - Hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nhưng chưa đi vào cuộc sống. Đây là một trong những điểm nghẽn để phát triển nông nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra điểm “nghẽn” thứ nhất trong phát triển nông nghiệp là đất đai. Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ đất ruộng đất rất khó.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm do đó chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân thực hiện.

Điểm “nghẽn” thứ hai là các hợp tác xã gặp khó về việc tiếp cận vốn. Là ngành có lợi thế trong hội nhập nhưng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư của xã hội. Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn, khả năng thu hồi vốn chậm, có không ít những vướng mắc từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư bởi chính sách hiện có cũng chỉ tạm dừng lại ở mức độ khuyến khích.

Thực tế cũng cho thấy, vai trò của hộ nông dân trong các thành tựu của ngành nông nghiệp đã đến lúc bão hòa bởi trong giai đoạn hiện nay thì hộ nông dân cá thể không còn chủ lực được nữa. Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu từ hộ cá thể sang hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và liên minh giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.

Từ những vướng mắc, bất cập trên, nhiều ý kiến hiến kế cho rằng cần có chính sách để khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư phát triển theo chiều sâu, trong đó dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là nòng cốt, nông dân là chủ thể; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp.

Những ý kiến hiến kế trên rất hữu ích cho phát triển nông nghiệp của Bắc Giang. Để những giải pháp đó đi vào cuộc sống, có ý kiến đề xuất chính quyền và ngành chức năng cần đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã bằng cách chỉ ra mỗi năm, tại tỉnh thì Nhà nước giúp được bao nhiêu hợp tác xã, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công bố chỉ tiêu thu nhập nông dân được bao nhiêu, bao nhiêu đất nông nghiệp được nông dân thâm canh. Thông qua việc lượng hóa này, Nhà nước có thể điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phù hợp với thực tiễn.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...