Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng chất lượng trường chuẩn

Cập nhật: 13:43 ngày 01/08/2018
(BGĐT) - Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 91,8% là một trong 15 chỉ tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII đề ra. 

Cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh có 674/812 trường chuẩn, đạt 83%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, rất cần sự vào cuộc tích cực và chủ động hơn nữa của các địa phương và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.

Trong số các trường đạt chuẩn quốc gia, khối Tiểu học có số trường đạt cao nhất (238/247 trường, đạt 96,4%); khối THPT có 31/46 trường, đạt 67,4%; khối Mầm non và THCS lần lượt đạt tỷ lệ 77,7 và 78,4%.

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia thời gian qua đã được nhiều địa phương quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở nhiều huyện còn chậm so với kế hoạch. Cá biệt còn 4 xã chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia, đó là: Thanh Sơn, Thanh Luận, Dương Hưu (Sơn Động), Mai Đình (Hiệp Hòa).

Tiếng là đạt chuẩn song nhiều trường cơ sở vật chất chỉ đạt ở yêu cầu tối thiểu, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học chưa đồng bộ, chưa đạt tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện của một số trường đạt chuẩn còn hạn chế và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền và ngay cùng địa bàn. Cụ thể điểm trung bình các môn thi vào lớp 10 năm học 2017-2018 của các trường THCS đạt chuẩn khá thấp (huyện Sơn Động điểm bình quân 3,83, Lục Ngạn 4,77). Toàn tỉnh có 84 trường THCS đạt chuẩn có tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh…

Có thể thấy phần nào các trường đạt chuẩn mới chuẩn ở các tiêu chí (thậm chí có trường còn nợ tiêu chí) mà chưa thực sự nâng cao chất lượng giáo dục như mong đợi của phụ huynh và nhân dân. Học sinh ở các điểm lẻ của các trường chuẩn điều kiện học tập, đi lại vẫn vô cùng khó khăn, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc huy động kinh phí, nguồn lực xã hội hóa ở nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tại buổi sơ kết hai năm thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2018 và phương hướng giai đoạn 2018-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh nhấn mạnh, ngoài hoàn thành chỉ tiêu 91,8% tỷ lệ trường chuẩn đã đề ra, các địa phương, nhà trường cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn, để làm sao trường chuẩn phải thực sự là chuẩn. Cùng đó, phấn đấu không có xã nào không có trường chuẩn…

Đi quá nửa chặng đường xây dựng trường chuẩn song cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này. Vẫn còn một số địa phương không xây dựng kế hoạch; không thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; không phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Nếu không có kế hoạch, không gắn trách nhiệm cụ thể tới từng tập thể, cá nhân thì tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra sẽ khó hoàn thành và hoàn thành có chất lượng.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...